MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau bao lần suýt gục ngã, tôi vẫn tồn tại và tiến lên!

30-08-2017 - 22:10 PM | Tài chính - ngân hàng

10 năm trải nghiệm tại ngân hàng dường như đã nhân đôi thời gian bởi quá nhiều biến cố. Đã có lúc tôi muốn từ bỏ nhưng cuối cùng lại tự đứng lên vì bản thân không cho phép mình lùi bước, không ai có thể giúp mình trừ bản thân mình...

LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.

Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn. Các bài dự thi được lựa chọn đăng tải sẽ được nhận nhuận bút cùng với cơ hội đoạt giải thưởng lên đến 30 triệu đồng trong gói giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.

Dưới đây, BTC xin giới thiệu bài dự thi của độc giả Nguyễn Kim Ngân, Phó chủ tịch Uỷ ban quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

---------------------------

Cảm ơn những biến cố đã cho tôi cơ hội!

Từ những năm cuối thế kỷ 20, nghề ngân hàng còn khá mới mẻ và đặc biệt là đối với những đứa học trò tỉnh lẻ gốc nông dân bắt đầu chọn trường chọn nghề thi đại học. Lúc đấy, ngành ngân hàng chưa phát triển rầm rộ như giai đoạn đầu những năm 2000. Gần như không có mấy người ủng hộ nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định chọn đại học ngân hàng – như một cơ duyên.

Năm 2004, thật may mắn, tôi chính thức trở thành nhân viên kinh doanh ngoại hối của Sacombank – ngân hàng thuộc dạng top thời bấy giờ. Tôi chỉ trải qua một buổi phỏng vấn rất nhẹ nhàng tầm 15 phút thay vì phải thi đầu vào với tỷ lệ chọi không hề thấp như các bạn cùng khóa. Môi trường làm việc của cô bé mới ra trường chỉ bó gọn trong phòng Kinh doanh tiền tệ, sếp quá giỏi và chuyên nghiệp, các anh chị và các bạn đồng nghiệp thì vô cùng dễ mến và thân thiện, tôi có điều kiện tập trung toàn bộ thời gian, công sức cho công việc và chỉ biết đến công việc mà thôi.

Đó là nơi cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc từ việc đắn đo cân nhắc khi mở trạng thái, đến hồi hộp dán mắt vào bảng giá đang nhảy nhót liên tục để theo dõi biến động của thị trường, đứng tim khi giá biến động mạnh gần chạm stop loss rồi quay ngược chiều, sung sướng khi có lời cũng như không ít những lần lặng người khi stop loss bị “hit”, những lần nghỉ lễ nghỉ phép nhưng không quên cập nhật giá cả do vẫn còn trạng thái mở, những lần thức xuyên đêm trực giao dịch với tinh thần vô cùng hăng hái và phấn khích, …

Gần 2 năm ngắn ngủi đó chỉ còn là nỗi nhớ khi cuối 2006 tôi được offer vị trí lãnh đạo cấp trung tại Hội sở một ngân hàng khác – SCB. Ở đây hoàn toàn khác - không ít thăng trầm nhưng cũng lắm cơ hội. Nếu ở Sacombank với vai trò chuyên viên nghiệp vụ thì ở SCB tôi bắt đầu làm quen với vai trò quản lý chỉ sau 3 năm tốt nghiệp đại học. Có lẽ chính sự non trẻ đó mà tôi gặp không ít rắc rối và cũng nhờ đó, tôi trưởng thành hơn nhiều.

Chỉ hơn 10 năm gắn bó với SCB nhưng tôi đã kinh qua hơn 9 vị trí công tác ở 9 đơn vị khác nhau thuộc ngân hàng từ kinh doanh ngoại hối-tiền tệ, sản phẩm dịch vụ, dịch vụ khách hàng đến tài chính kế hoạch, quản lý rủi ro, trợ lý-thư ký và tiếp cận với cả các mảng hành chính-nhân sự, công nghệ thông tin, xây dựng cơ bản, … khi tham gia vào các dự án của ngân hàng. Cũng chính nhờ đó mà tôi trải nghiệm hầu hết các lĩnh vực hoạt động của một ngân hàng – điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến khi tốt nghiệp một chuyên ngành tài chính quốc tế của Đại học Ngân hàng.

Đã có lúc tôi cảm thấy kiệt sức khi xem công việc là lẽ sống, deadline và chất lượng công việc là danh dự! Mà hơn nữa, kiệt sức không chỉ vì công việc mà còn vì các va chạm. Đã có lúc tôi muốn từ bỏ nhưng cuối cùng lại tự đứng lên vì bản thân không cho phép mình lùi bước – không ai có thể giúp mình trừ bản thân mình. Vậy là sau bao lần suýt gục ngã, tôi vẫn tồn tại và tiến lên.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in sự kiện hợp nhất SCB vào cuối 2011. Khi các đơn vị giao dịch với khách hàng tất bật với việc chi trả tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng thì tại Hội sở, tôi và các đồng nghiệp cũng túi bụi với các hoạt động điều phối thanh khoản, giải quyết khiếu nại của các khách hàng lên đến tận Hội sở, tính toán và báo cáo số liệu liên tục cho NHNN, … Lúc bấy giờ, rời khỏi ngân hàng vào khoảng nửa đêm về sáng không phải hiếm, …

Cũng như trước đó, trong giai đoạn 2008-2010, những lúc lãi suất huy động được các ngân hàng nâng lên đến hai con số, cạnh tranh lãi suất gay gắt, chúng tôi phải đề xuất mức lãi suất mới/hoàn thành một sản phẩm mới trong “tích tắc” và ngay lập tức thông báo đến các Chi nhánh, công bố đến khách hàng qua website/tin nhắn/… Tất cả vận hành giống như một guồng máy hoạt động hết công suất.

Áp lực thật ghê gớm, mọi người gần như bị cuốn vào guồng và không cho phép mình phạm lỗi, … Ngay cả những lúc như thế, tôi lại còn phải đương đầu với những người không có thiện cảm với mình, với những câu chuyện được bịa ra sau lưng mình, …

Những trải nghiệm của tôi trong hơn 10 năm tại SCB dường như gấp đôi thời gian ấy với quá nhiều biến cố. Nhưng ngẫm lại, tôi lại thấy mình thật may mắn với những gì đã qua, may mắn vì đã được làm việc tại ngân hàng, may mắn vì có cơ hội trải nghiệm nhiều, may mắn vì gặp được những bậc anh chị trọng cái tâm, sự nhiệt thành, cố gắng nỗ lực cống hiến không suy tính…

So với những ngày đầu hăng hái, đầy nhiệt huyết đôi khi ngông cuồng thì giờ đây, cũng với ngọn lửa ấy nhưng là một “tôi” đầy kinh nghiệm, chững chạc hơn, vị tha bao dung hơn và thật thấm thía câu nói của người xưa “Lửa thử vàng – Gian nan thử sức”.

Nguyễn Kim Ngân (Ngân hàng SCB)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên