Cần 1.680 tỷ đồng để nâng cấp phi trường có từ thời Pháp ở hòn đảo Việt Nam lọt top "bí ẩn" thế giới
Phi trường ở hòn đảo "bí ẩn" nhất Việt Nam sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn.
- 04-08-2024Tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
- 04-08-2024Tỉnh Đồng Nai 'cầu cứu' Bộ Giao thông
- 04-08-2024Trước khi công bố ý định sản xuất thuốc trị ung thư tại Việt Nam, "đại gia" Ấn Độ đã rót hơn 10 tỷ USD xây dựng công viên dược quốc tế tại tỉnh nhỏ nào của miền Bắc?
1.680 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo.
Về phương án đối với đường băng sân bay Côn Đảo, theo báo cáo của Cục Hàng không, phương án quy hoạch với hướng đường cất hạ cánh hiện hữu là phương án tối ưu. Do địa hình khu vực sân bay Côn Đảo hạn chế, cùng điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, kinh phí đầu tư lớn, tác động lớn tới môi trường.
Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của chính phủ Úc để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh và khuyến nghị chủng loại máy bay khai thác tối ưu tại sân bay Côn Đảo. Đơn vị tư vấn quốc tế được lựa chọn là ADPi (Pháp).
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Côn Đảo đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu với tổng mức đầu tư khoảng 1.680 tỉ đồng, được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Dự án sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp kết cấu đường cất hạ cánh hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830 m x 45 m; xây dựng mới 1 đường lăn song song và các đường lăn nối; bổ sung các hạng mục bảo đảm an toàn trong khai thác (RESA, đèn đêm); hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại máy bay code C (như A319, A320neo/ceo, B737-7/8 và tương đương) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và theo Quy hoạch.
Hiện nay, một số hãng hàng không đang nghiên cứu phương án khai thác các đường bay tới sân bay Côn Đảo bằng loại máy bay lớn hơn các máy bay code C hiện tại (ATR72, A320neo/ceo, A321neo/ceo). Để có khả năng khai thác hiệu quả các loại máy bay lớn, cần sớm mở rộng đường cất hạ cánh và nâng cao sức chịu tải của kết cấu mặt đường băng.
Sân bay ở hòn đảo Việt Nam nổi tiếng thế giới
Sân bay Côn Đảo được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến năm 2003 được Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam đầu tư nâng cấp đường băng, sân đỗ, nhà ga đủ điều kiện để mở cửa tiếp thu các loại máy bay ATR72, F70 và tương đương.
Ngày 9/5/2004, Cảng hàng không Côn Đảo chính thức đi vào hoạt động thương maị với chặng bay TP.HCM – Côn Đảo được Công ty bay dịch vụ hàng không Việt Nam (VASCO) khai thác.
Cảng hàng không Côn Đảo là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, trong đó khu vực dân sự, khu vực quân sự cùng nằm ở phía Nam của đường cất, hạ cánh. Nơi đây được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, hoạt động 12/24 giờ.
Côn Đảo là hòn đảo có lịch sử lâu đời với quá khứ từng được biết đến là một "địa ngục trần gian", nơi ghi dấu ấn lịch sử của một thời kỳ đấu tranh của dân tộc vừa hào hùng vừa bi thương. Nhà tù Côn Đảo là nơi tra tấn, giam giữ những người tù chính trị trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngày nay, hòn đảo này trở thành điểm du lịch lý tưởng cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ và tìm hiểu lịch sử của đất nước Việt Nam.
Côn Đảo là cái tên từng nhiều lần xuất hiện trên tạp chí quốc tế Travel Leisure, nằm trong các danh sách do tạp chí này bình chọn. Năm 2011, trong một bài viết, Travel Leisure ca ngợi Côn Đảo là “một trong những hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới”.
Năm 2017, tạp chí du lịch Lonely Planet cũng xếp Côn Đảo trong “Top 10 những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á”, ca ngợi đây là “thiên đường với cánh rừng rậm rạp, nước xanh ngọc bích và là nhà của nhiều loài sinh vật ngoạn mục”.
Năm 2019, Travel Leisure liệt kê Côn Đảo trong danh sách “Nơi có nước trong xanh nhất thế giới”. Đây cũng là đại diện hiếm hoi của châu Á nằm trong bình chọn này.
Đời sống & pháp luật