Cận cảnh Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM vừa khởi công: Quy mô, tiện ích, khởi nguồn bứt phá!
Tại tầng 8, tầng sử dụng cao nhất của công trình là được bố trí khu vực bar/café trong nhà cũng như ngoài trời, đó sẽ là một không gian tuyệt đẹp dành cho các start-up giao lưu tái tạo năng lượng tích cực.
- 01-10-2020Đích đến 2016-2020: Điểm sáng tăng trưởng
- 01-10-2020PMI tháng 9 đạt 52,2 điểm, tốt nhất từ đầu năm
- 01-10-2020Xuất khẩu - động lực tăng trưởng cuối năm
Giữa tháng 7/2019, dự án Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM được kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX thông qua và ngày 1/10/2020, dự án chính thức khởi công.
Trung tâm này được xác định sẽ là đầu mối về đổi mới sáng tạo, kết nối các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quản trị tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình kinh doanh... Đây cũng sẽ là đầu mối hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo của TP. HCM và thế giới.
Nói chung, đó là chất xúc tác cho nền kinh tế số cũng như nền tảng cho tương lai thịnh vượng của TP. HCM.
Ngay từ khi ý tưởng thành lập một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố lớn nhất đất nước được khởi xướng, đã có nhiều ý kiến từ cộng đồng với kỳ vọng về một công trình kiến trúc thông minh, có hạ tầng đủ tầm phục vụ cho các ý tưởng startup và xứng đáng là đầu mối cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
KTS Nguyễn Trần Linh – trưởng nhóm thiết kế Trung tâm khởi nghiệp Sáng tạo TP.HCM cho biết, trước khi đặt bút thiết kế, các kiến trúc sư đã xác định đây sẽ phải là công trình phản ánh tinh thần sáng tạo, đạt các tiêu chuẩn quốc tế và biểu đạt được các giá trị văn hóa số của thể kỷ 21.
Hiện nay các không gian văn phòng chia sẻ (co-working) rất phổ biến, thu hút các bạn trẻ và các start-up lựa chọn làm nơi làm việc. Các không gian đó cũng đã cố gắng tạo ra cộng đồng và sự tương tác giữa các thành viên. Tuy nhiên hạn chế về mặt không gian, diện tích cũng như các tiện ích lớn vẫn là trở ngại cho các start-up tiếp cận với một hạ tầng công nghệ tiên tiến và kết nối với các cộng đồng khởi nghiệp, cũng như các nhà đầu tư.
"Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cũng là một sáng tạo của Thành phố với mong muốn kiến tạo ra một sân chơi lớn hơn, cung cấp nhiều hơn các không gian cho các start-up liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp nền tảng công nghệ cũng như nguồn vốn, là chất xúc tác cho các ý tưởng khởi nghiệp thăng hoa vươn tầm thế giới" – KTS Nguyễn Trần Linh nói.
Với tư tưởng chủ đạo như trên và với một không gian khu đất không lớn (2.606 m2) cùng chiều cao hạn chế của công trình (8 tầng), các KTS đã cố gắng để tạo nên liên hoàn các không gian tương tác rất phong phú - điều mà tất các start-up đều rất ưa thích.
Theo chia sẻ của KTS Nguyễn Trần Linh, trái tim của công trình chính là không gian hội họp đa năng có thể chứa lên tới hơn 300 người trong không gian mở hoặc 200 ghế ngồi tự động xếp.
Lối lên hội trường đặt tại tầng 2 công trình bắt đầu từ không gian mở triển lãm ngoài trời tầng 1 qua một khu bậc thang mở kết hợp bậc ngồi. Các KTS cho rằng, đó sẽ là một trong những vị trí mà giới trẻ sẽ rất yêu thích trong công trình.
Ngoài ra tầng 1 còn có không gian triển lãm trong nhà, không gian café kết hợp co-working, các phòng họp đáp ứng nhu cầu làm việc linh hoạt. Khu vực tầng 3 sẽ là không gian dành cho các doanh nghiệp lớn, các doạn nghiệp được lựa chọn làm chỗ dựa công nghệ và tại chính cho các start-up.
Từ tầng 4 lên tới tầng 8 là các không gian văn phòng làm việc, trên các tầng lại được bố trí các phòng họp sử dụng chung, các khu vực làm việc mở và khu vực cộng đồng. Các KTS cũng không quên bố trí các ban công mở với nhiều cây xanh xung quanh các không gian làm việc.
Và tại tầng 8, tầng sử dụng cao nhất của công trình là được bố trí khu vực bar/café trong nhà cũng như ngoài trời, đó sẽ là một không gian tuyệt đẹp dành cho các start-up giao lưu tái tạo năng lượng tích cực.
"Tòa nhà được thiết kế với ngôn ngữ hiện đại sử dụng các đường cong chuyển động liên tục trên mặt đứng lấy cảm hứng từ những con sóng kỹ thuật số và áp dụng thiết kế thuật toán (parametric design) cho hệ mặt đứng kết hợp giữa các tấm GRC đúc sẵn (bê tông cốt sợi thủy tinh) và vách kính" – KTS Nguyễn Trần Linh cho biết.
Theo đó, thủ pháp thiết kế thụ động (passive design) giảm thiểu bức xạ với các tấm GRC đúc sẵn sẽ giúp tòa nhà mát hơn trong khi đó việc sử dụng các thuật toán để xác định tỉ lệ độ mở của các vách kính không làm cho không gian bên trong cảm thấy bí bách.
Thủ pháp kiến trúc tiếp theo đó là tạo sự thay đổi về chiều sâu trên các yếu tố mặt đứng với hệ thống ban công xanh tạo ra các mặt lõm trên mặt đứng vừa tăng diện xanh cho công trình đồng thời kết hợp với chi tiết cong lõm của các tấm GRC tạo nên những mảng bóng đổ kích thước và chiều sâu khác nhau tạo ra ấn tượng về sự chuyển động và thay đổi liên tục.
"Nói chung, tổng thể công trình là sự kết hợp rất hữu cơ giữa công năng và hình khối mang đến cho người trải nghiệm những ấn tượng kích thích mạnh mẽ nhưng cũng rất thoải mái trong sáng tạo" – Vị KTS chia sẻ.
Nói về những khó khăn, KTS Nguyễn Trần Linh cho biết, mục tiêu lớn đặt ra ở đây là công trình xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả. Với công trình xanh, điều quan trọng là phải đạt được chứng chỉ xanh (green certificate) được cung cấp bởi các đơn vị được ủy quyền. Trong khi đó, thực tế chưa có các hành lang pháp lý của Việt Nam cho việc thực thi và cấp các chứng chỉ công trình xanh đối với các dự án công.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn thiết kế đã và đang giải quyết từng bước để đạt được mục tiêu đây sẽ là công trình đầu tư công tiêu biểu đạt được chính chỉ công trình xanh đầu tiên của TP.HCM.
"Chúng tôi hi vọng trong tương lai công trình này sẽ mang lại cho cộng đồng khởi nghiệp những tiện ích và cảm hứng cho sáng tạo. Và cũng mong sẽ tiếp tục đồng hành cùng đơn vị vận hành để có thể liên tục đổi mới các không gian phục vụ tốt hơn cho start-up nói riêng và cộng đồng nói chung" – KTS Trần Linh nói.
Theo Trí Thức Trẻ