MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần chính sách hỗ trợ hình thành tập đoàn tư nhân lớn

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, muốn xây dựng doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường, Chính phủ phải đưa ra chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Cần chính sách hỗ trợ hình thành tập đoàn tư nhân lớn - Ảnh 1.

Hội thảo Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500). Ảnh: NT

Ngày 31/8, Viện Chiến lược phát triển (VIDS), Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) trong giai đoạn 2021-2022.

Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam cho thấy, tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong nước (VPE), chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân phần lớn là các doanh nghiệp được thành lập sau đổi mới, có quy mô nhỏ và vừa. Vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% (trong khi đó, tỷ lệ này là 8,29% với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ;và 19,52% của doanh nghiệp nhà nước).

Đáng chú ý, so sánh giữa hai năm COVID-19 và một năm trước đó, VPE500 có biến động khá lớn về số doanh nghiệp ra vào trong danh sách. Năm 2020, có tới 97/500 doanh nghiệp (19,4%) đã không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019.

Những doanh nghiệp này tập trung vào nhóm ngành mà bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 như bất động sản và xây dựng (23/89), thương mại (15/73), dệt may (7/32), chế biến thực phẩm (9/70). Chỉ có một số ít ngành vẫn giữ được số lượng thuộc VPE500 là những ngành được đánh giá là hưởng lợi trong COVID-19 như thông tin truyền thông, bưu chính, sản xuất và phân phối điện.

Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng, đây cũng là nhóm có xếp hạng cao và ít thay đổi về thứ bậc. Tương tự, doanh nghiệp thuộc TOP50 vẫn giữ được xếp hạng và thứ hạng cũng ít thay đổi hơn.

Cụ thể, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế với 7 doanh nghiệp (năm 2019), 9 doanh nghiệp (năm 2020) và 8 doanh nghiệp (năm 2021).

Số lượng doanh nghiệp ngành thương mại trong Top 10 giảm từ 3 doanh nghiệp (năm 2019) xuống còn 1 doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo. Công ty cổ phần Thế giới Di động là doanh nghiệp ngành thương mại duy nhất nằm trong Top 50 cả 3 năm, nhưng với thứ hạng giảm dần (xếp thứ 5, 7 và 8 trong các năm 2019-2021).

Trái ngược với nhóm tài chính, ngân hàng, nhóm ngành chế biến chế tạo đã biến động khá rõ qua các năm (237 doanh nghiệp năm 2019, chiếm 47,4%; 245 doanh nghiệp năm 2020, chiếm 49,0%; và 233 doanh nghiệp năm 2021, chiếm 46,6%). Các doanh nghiệp này tập trung vào một số ngành như chế biến lương thực, thực phẩm; kim loại và sản phẩm kim loại; sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác than, dầu; điện, điện tử.

Cần chính sách chú trọng tới tăng trưởng và hình thành tập đoàn lớn

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một chỉ số rất đang lưu ý, gần 70% là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ (số lao động dưới 5 người) và doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2,8%.

Theo nghiên cứu VIDS, trung bình quy mô lao động của doanh nghiệp cũng đang giảm đi, hiện nay trung bình còn khoảng 14 lao động/DN.

Theo đó, ông Thắng cho rằng, chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường mà còn cần chú trọng tới tăng trưởng và hình thành các tập đoàn lớn. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, muốn xây dựng doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường, Chính phủ phải đưa ra chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

"Chúng ta cần phải lọc 500 doanh nghiệp và tiếp tục khảo sát để xem doanh nghiệp họ cần gì. Ví dụ như doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường hay quy mô như thế nào… để có giải pháp cụ thể", ông Tú Anh nhấn mạnh.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên