MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần đẩy nhanh mua đủ lượng khẩu trang y tế dự trữ thông qua đấu thầu

01-05-2020 - 14:58 PM | Thị trường

Nghị quyết số 60/NQ-CP vừa đảm bảo huy động cung ứng đủ nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, vừa tận dụng được thời cơ xuất khẩu.

Căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, ngày 29/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định các biện pháp quản lý phù hợp để đảm bảo cung úng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương công khai danh sách, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Bộ Tài chính công khai danh sách doanh nghiệp, số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu.

Bộ Công Thương được yêu cầu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở có hiện tượng tăng giá bán nguyên liệu bất hợp lý, đầu cơ tích trữ và sản xuất khẩu trang y tế không phù hợp tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu chịu trách nhiệm về chất lượng và cam kết bán cho cơ sở y tế khi có yêu cầu.

Cần đẩy nhanh mua đủ lượng khẩu trang y tế dự trữ thông qua đấu thầu - Ảnh 1.

Hiện nay, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp trong nước đạt khoảng chục triệu chiếc/ngày. (Ảnh: Moit)

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp trong nước đạt khoảng chục triệu chiếc/ngày. Tuy nhiên, vướng mắc trong hoạt động mua dự trữ phục vụ phòng dịch của ngành y tế thời gian qua đã gây ách tắc toàn bộ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Trước đó, chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 20/NQ-CP chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước) đã tạo ra nhiều điểm nghẽn trong việc xuất khẩu khẩu trang (y tế và vải).

“Chính phủ đã ra kết luận về việc cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế. Trong khi năng lực sản xuất mặt hàng này của các doanh nghiệp là rất lớn. Do đó ngành y tế cần đẩy nhanh việc mua đủ lượng khẩu trang y tế dự trữ còn thiếu thông qua cơ chế đấu thầu, sau đó cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không giới hạn”, Lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương về các giải pháp triển khai kế hoạch hành động của Bộ Công Thương sau giai đoạn giãn cách xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, sẽ lãng phí nếu năng lực sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp lớn mà vì lý do khách quan lại bị ách tắc đầu ra.

Để tận dụng thời cơ xuất khẩu khẩu trang y tế, đồng thời đảm bảo có thể huy động khẩu trang y tế bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước, Bộ Công Thương đã đề nghị cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu không hạn chế.

Đối với cam kết doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp số lượng tối thiểu 10% năng lực sản xuất đã kê khai với Bộ Y tế cho nhu cầu sử dụng trong nước trong trường hợp được huy động, Bộ Công Thương đề nghị, những doanh nghiệp xuất trình được tài liệu chứng minh đã tham gia bán hoặc hỗ trợ khẩu trang cho Bộ Y tế, cơ sở y tế tối thiểu 10% năng lực sản xuất thì được miễn yêu cầu cam kết nói trên.

Khi yêu cầu chống dịch trong nước tăng cao, Bộ Y tế có quyền hạn chế số lượng cấp phép hoặc dừng cấp phép. Giao Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép khi nhu cầu dự trữ đã được đáp ứng hoặc lập lại chế độ cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế khi có nhu cầu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị giao Bộ Tài chính nhiệm vụ cung cấp thường xuyên cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 số liệu về xuất khẩu khẩu trang (bao gồm cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải) để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu kịp thời. Ngoài ra, Bộ này đề nghị bỏ nhiệm vụ “giao Bộ Công Thương bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu để các cơ sở ổn định sản xuất” do nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, tính đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang mà các doanh nghiệp đã xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD.

Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton. Khẩu trang xuất khẩu theo loại hình sản xuất gia công khoảng 36,88 triệu chiếc và xuất kinh doanh, xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng,…) khoảng 51,3 triệu chiếc.

Các thị trường xuất khẩu khẩu trang lớn của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản (32,7 triệu chiếc), Hàn Quốc (17,1 triệu chiếc), Đức (11,1 triệu chiếc), Mỹ (10,4 triệu chiếc), Hồng Kông (4,1 triệu chiếc), Singapore (1,8 triệu chiếc), Ba Lan (1,5 triệu chiếc), Australia (1,5 triệu chiếc), Trung Quốc (1,5 triệu chiếc), Lào (1,2 triệu chiếc), Nam Phi (1,1 triệu chiếc)./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Trở lên trên