MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần làm gì để doanh nghiệp Việt không "mất bò mới lo làm chuồng"?

ST25 - gạo Việt ngon nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt vấp ngã trong cuộc chiến bản quyền. Cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba và nhiều nhãn hiệu khác đã từng lao đao vì chậm chân trong đăng ký bảo hộ quốc tế. Vì sao tình trạng này liên tục tái diễn?

Nguy cơ mất thêm một thương hiệu Việt

Tất cả các hồ sơ này đều đang trong thời gian thẩm định, nhưng theo lộ trình, chỉ còn ít ngày nữa, đầu tháng 5 là đến thời hạn xem xét phê duyệt đơn của một trong số các công ty đăng ký. Loại gạo Việt, từng đoạt giải ngon nhất thế giới, thành tựu cả một đời nghiên cứu của một giáo sư Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thực sự bị chiếm đoạt bản quyền, chỉ vì chậm chân trong đăng ký nhãn hiệu.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, các doanh nghiệp ở Mỹ không thể đăng ký được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 vì đây là "giống gạo" chứ không phải nhãn hiệu.

Còn theo Hướng dẫn thẩm định của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ- USPTO, thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên "giống cây trồng".

Hiện chỉ có "giống lúa ST25" được cấp bằng bảo hộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và nhóm tác giả giống lúa của ông Hồ Quang Cua.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ, cho biết: "Bảo hộ của nhà nước là đối với bản thân lúa giống, chứ không phải là gạo - sản phẩm chế biến sau thu hoạch. Trường hợp này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo".

Tuy nhiên, hiện tại trang web chính thức của "Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ" - USPTO cho thấy 1 trong 5 đơn xin đăng ký nhãn hiệu chứa cụm từ "ST25" nộp bởi 4 Doanh nghiệp Mỹ thì đã có 1 đơn đăng ký cho sản phẩm gạo dưới tên của I&T ENTERPRISE, INC. được cơ quan này chấp nhận cho công bố vào ngày 4/5/2021 tới đây, để bên thứ ba phản đối. Điều này có nghĩa là cho đến 3/6/2021, trong vòng 30 ngày theo luật nhãn hiệu của Mỹ, nếu không ai phản đối, Mỹ sẽ cấp độc quyền cho nhãn hiệu "ST25" cho sản phẩm gạo dưới tên doanh nghiệp I&T I&T ENTERPRISE, INC. của Mỹ.

Luật sư Lê Quang Vinh, luật sư Bản quyền và thương hiệu, Công ty luật Bross và Cộng sự, nhận định: "Chúng ta không thể chủ quan cũng không được đánh giá thấp việc bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam khi mang ra thị trường thế giới bởi ở bất cứ quốc gia nào đều có luật của nước sở tại và chúng ta rất dễ sẽ bị thua nếu như không hiểu và có động thái đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia đó, có thể đúng với luật Việt Nam nhưng không có nghĩa là sẽ đúng với luật của các quốc gia khác".

Nhiều bài học đắt giá về thương hiệu

Đây không phải lần đầu thương hiệu Việt bị đánh cắp ở nước ngoài. Nhìn lại thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tốn không ít chi phí và công sức để giành lại thương hiệu vốn thuộc về mình. Vấn đề này không ngoại trừ một doanh nghiệp lớn hay nhỏ nào với nhiều bài học đắt giá về thương hiệu.

Năm 2000, Công ty Trung Nguyên bị 1 đối tác đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên tại Mỹ. Trung Nguyên đã phải bỏ ra hàng trăm nghìn USD và 2 năm ròng rã để lấy lại thương hiệu của mình!

Năm 2002, thương hiệu Vinataba - thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã 1 công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. Vinataba đã phải chi hàng tỷ đồng để giành lại được quyền sở hữu thương hiệu tại một số quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Indonesia.

Nước mắm Phú Quốc cũng bị 1 doanh nghiệp nước ngoài lần lượt đăng ký nhãn hiệu tại châu Âu và Úc năm 2003, tại Mỹ năm 2006 và sau đó là Trung Quốc năm 2011. Cho đến nay chưa ai hủy bỏ được hiệu lực của các chứng nhận nhãn hiệu này, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho công chúng về nguồn gốc Phú Quốc gắn liền với sản phẩm nước mắm nổi tiếng đang được Việt Nam bảo hộ.

Gần đây nhất, thương hiệu Phở Thìn đang phải tranh chấp với 1 doanh nghiệp nước ngoài tại Australia. Còn tại Mỹ, thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vừa may mắn giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với 1 doanh nhân người Hàn Quốc đã nhanh chân đăng ký độc quyền trước đó.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã dần chú trọng và quan tâm hơn đến việc hoạch định chiến lược đăng ký nhãn hiệu của mình ra nước ngoài khi có kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, làm thế nào để việc đăng ký nhãn hiệu mang lại hiệu quả cao nhất cho việc kinh doanh mà tiết kiệm chi phí nhất là một bài toán mà không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được lời giải phù hợp đối với doanh nghiệp của mình.

Ông Nguyễn Thái Dung, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thương mại Hà Nội, chia sẻ: "Chúng tôi phải ý thức ngay được các sản phẩm của bên mình vừa sản xuất vừa xuất khẩu nên các sản phẩm đều phải có động tác lập tức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để không bao giờ mất đi phần quan trọng nhất của sản phẩm là giá trị thương hiệu trên thị trường".

Đến thời điểm này, tính riêng trong nhóm nông sản đã có 66 nghìn nhãn hiệu được đăng ký, bên cạnh đó số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là gần 90, số lượng tăng dần trong những năm gần đây. Tuy nhiên, câu chuyện gạo ST25 đang bị 4 công ty ở Mỹ nộp hồ sơ đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chậm chân của doanh nghiệp Việt trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nếu không chú trọng đầu tư thích đáng cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt sẽ mất cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường từ các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đây là công việc tốn thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng không thể bị coi nhẹ hơn những con số doanh thu trước mắt.

Khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 26/4 là luật sư Nguyễn Văn Hải - người đã có nhiều năm kinh nghiệm là đại diện sở hữu trí tuệ cho các khách hàng nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời là người đại diện sở hữu trí tuệ cho nhiều Công ty Việt Nam ở nước ngoài, sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này./.

Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên