Cần tách hộ kinh doanh thành đối tượng riêng để quản lý?
Có ý kiến ĐBQH cho rằng, hộ kinh doanh sẽ là họ kinh doanh. Liệu hộ gia đình kinh doanh có đồng nhất với hộ kinh doanh không?
Sáng nay (22/5), ngày làm việc thứ 2, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đa số đại biểu đều đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hộ kinh doanh cần có sự quản lý của nhà nước, có địa vị pháp lý để được tiếp cận các chính sách của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tuân thủ pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việt Nam có rất nhiều hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn, bởi đối tượng điều chỉnh có số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 - 6 lần. Số lượng doanh nghiệp về bản chất hoạt động cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc, việc luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào, có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện đại.
Còn theo đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà rịa – Vũng tàu, cần tách hộ kinh doanh ra thành luật quản lý riêng, chứ không bổ sung vào Luật Doanh nghiệp do bản chất, quy mô của doanh nghiệp và hộ kinh doanh có độ chênh lệch lớn.
Hộ kinh doanh hay họ kinh doanh?
Đại biểu Mai Hồng Hải, đoàn Hải Phòng cho rằng không nên quy định hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp, bởi hộ kinh doanh có thể do các thành viên gia đình đăng ký. Trong khi thành viên gia đình theo Khoản 16, Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì rất rộng, bao gồm vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu em dâu…
Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh. |
“Như vậy hộ kinh doanh sẽ là họ kinh doanh. Luật có quy định về hộ gia đình nhưng liệu hộ gia đình kinh doanh có đồng nhất với hộ kinh doanh không. Trong luật dân sự cũng không giải thích khái niệm về hộ gia đình”, đại biểu Mai Hồng Hải phân tích.
Theo đại biểu Mai Hồng Hải, luật về kinh doanh thì phải giải quyết, đồng thời hai mục đích quản lý nhà nước về kinh doanh và tạo luật cải thiện môi trường kinh doanh. Những quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật dường như chưa đánh giá hết tác động đối với đối tượng chịu ảnh hưởng là các hộ kinh doanh.
“Cần thiết phải từng bước luật hóa Luật kinh doanh nhưng có lẽ chưa phải là bây giờ và ở đây, nên chăng cần tổng kết thực tiễn để ban hành luật riêng để kinh doanh”, đại biểu đoàn Hải Phòng nêu ý kiến.
Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ; Ước tính tổng tài sản 655.000 tỷ, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế; Giải quyết 7.945 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, đạt 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp, chiếm khoảng 30% GDP./.
VOV