MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng tại dải Gaza và rủi ro gián đoạn kênh đào Suez: Cơ hội cho các DN vận tải khí, cảng biển PVTrans, Viconship, Hải An…?

22-12-2023 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Căng thẳng tại dải Gaza và rủi ro gián đoạn kênh đào Suez: Cơ hội cho các DN vận tải khí, cảng biển PVTrans, Viconship, Hải An…?

"Trong ngắn hạn, dự báo giá dầu và giá cước vận tải biển toàn cầu sẽ tăng" - Báo cáo mới của Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Trong những ngày vừa qua, tình hình tại dải Gaza trở nên căng thẳng với việc tăng cường những cuộc tấn công nhắm tới các tàu chở hàng trên Biển Đỏ.

Chiến sự Israel - Hamas bùng phát sau khi lực lượng kiểm soát Dải Gaza đột kích miền nam Israel ngày 7/10. Chiến dịch đáp trả của Israel vào Dải Gaza đến nay đã khiến hơn nhiều người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Theo đánh giá tại Báo cáo phân tích mới đây của CTCK Dầu khí (PSI), tình hình này đã làm tăng thêm rủi ro đối với các chuỗi cung ứng hàng hóa qua kênh đào Suez , nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, nơi có khoảng 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu, và là con đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.

Thực tế, báo cáo này thống kê, hậu quả đã có khoảng 55 tàu phải chấp nhận chuyển hướng qua một con đường dài hơn – đi qua Mũi Hảo Vọng trong vòng 1 tháng trở lại đây, trong khi đó cùng khoảng thời gian này đã có khoảng 2.128 con tàu trung chuyển.

Mặt khác, giá dầu Brent đã tăng khoảng 6,7% trong 2 tuần vừa qua, tiến sát mốc 80 USD/thùng. Khu vực châu Âu được cho là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi kênh đào Suez bị gián đoạn, bởi 1⁄4 lượng dầu nhập khẩu tại đây đều đi qua kênh đào này. Ông lớn dầu mỏ BP (Anh) đã quyết định tạm dừng tất cả các chuyến hàng qua Biển Đỏ, chấp nhận chuyển sang tuyến đường qua Mũi Hảo Vọng.

Căng thẳng tại dải Gaza và rủi ro gián đoạn kênh đào Suez: Cơ hội cho các DN vận tải khí, cảng biển PVTrans, Viconship, Hải An…? - Ảnh 1.

Ảnh: Nguồn từ Bloomberg.

Bên cạnh đó, nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk cũng đã tuyên bố tạm dừng vận chuyển hàng hóa thông qua kênh đào Suez, và lựa chọn con đường đi qua Mũi Hảo Vọng , làm phát sinh thêm chi phí và gây ra sự chậm trễ ít nhất 10 ngày so với lộ trình ban đầu. Tổng mức chi phí phát sinh cho mỗi tàu ước tính lên tới 400.000 - 1.000.000 USD (theo BenHakoun). Yếu tố này sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới giá cước vận tải đối với nhiều loại tàu như tàu container, tanker, tàu chở hàng rời.

PSI cho rằng sự kiện này sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn khi đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới có xu hướng tăng cao.

Cụ thể, việc vận chuyển hàng hóa bằng các tàu hàng hải sẽ còn gặp nhiều trở ngại, phụ thuộc vào tình hình chiến sự thực tế tại dải Gaza.

" Trong ngắn hạn, dự báo giá dầu và giá cước vận tải biển toàn cầu sẽ tăng, từ đó tạo ra tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển như PVTrans (PVT), Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) và Công ty Hải An (HAH) " - Báo cáo phân tích của PSI nhận định.

Trong đó, PVT hoạt động trong lĩnh vực vận tải dầu khí bằng đường biển. Công ty vận tải dầu thô, xăng và các sản phẩm hoá dầu.

Còn VSC hoạt động trong mảng dịch vụ đại lý container, đại lý tàu biển và môi giới hàng hải…

Cuối cùng, HAH được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong ngành cảng biển, vốn điều lệ hơn 703 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này đang có 3 công ty con hoạt động trong những lĩnh vực chính liên quan tới khai thác container bao gồm: khai thác cảng, vận tải hàng hóa đường thủy và kho bãi container. HAH là một trong những đơn vị gây chú ý giai đoạn 2021-2022 khi giá cước tăng cao kỷ lục và tình trạng khan hiếm container rỗng mùa cao điểm đại dịch Covid-19.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên