Cảnh báo nhiều chiêu lừa đảo mới nhắm tới học sinh, phụ huynh
Thời gian gần đây, phụ huynh và học sinh tại Hà Nội, TP HCM cũng như nhiều đia phương trên cả nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều phương thức lừa đảo tinh vi mới như: Gửi link kiểm tra tiếng Anh, học sinh nợ tiền hàng cần thanh toán, giả làm phụ huynh,...
- 15-04-2023Hôm nay (15/4) là hạn cuối để chuẩn hóa thông tin thuê bao
- 15-04-2023Quảng Ngãi không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính
- 15-04-2023Người dùng đang đánh giá Taxi Xanh SM trên App Store ra sao: Có 1 tính năng khách hàng muốn bổ sung gấp!
Gửi link kiểm tra tiếng Anh
Một số phụ huynh trường THCS Lê Quý Đôn (TP HCM) cho biết đã nhận được tin nhắn thông báo kiểm tra tiếng Anh của học sinh và yêu cầu ấn vào đường link đã dẫn. Được biết, tin nhắn này không được gửi từ hộp thư điện tử của nhà trường. Ngay lập tức, ban giám hiệu đã xác nhận đây là tin nhắn giả mạo và gửi thông báo đến giáo viên chủ nhiệm các lớp để cảnh báo phụ huynh.
Đại diện ban giám hiệu nhà trường, ông Nguyễn Văn Diệu, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn cho hay: “Nhà trường không có thông báo kiểm tra tiếng Anh qua tin nhắn. Vì thế, trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh học sinh để cảnh giác và không nhấn vào link yêu cầu của tin nhắn”.
Giả làm phụ huynh
Vụ việc xảy ra tại trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội) khi nhà trường gửi thông báo khẩn đến cha mẹ học sinh thông tin về việc một học sinh lớp 6 của trường bị lừa mất chiếc xe đạp điện với thủ đoạn rất tinh vi.
Cụ thể, sau giờ tan học, đối tượng tự nhận là phụ huynh của một học sinh trong lớp (người này đọc đúng tên học sinh) và nhờ em học sinh có xe đạp điện chở ra một khu vực trong ngõ.
Sau đó, đối tượng yêu cầu học sinh này dừng lại, rồi thực hiện hành động mở điện thoại gọi cho cô giáo chủ nhiệm (tiếp tục đọc đúng tên cô giáo). Sau đó mượn xe đạp điện của em học sinh để đi lấy đồ.
Học sinh này tin tưởng và đồng ý cho mượn xe đạp. Chờ mãi không thấy người này quay lại, em học sinh đã gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm và nhận được thông tin là gần đây không có ai gọi điện. Mẹ của bạn cùng lớp học sinh này (bị kẻ xấu mạo danh) cũng báo không hề đến trường đón con. Đến lúc này, học sinh mới xác định đã bị lừa lấy mất xe đạp điện.
Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh để nhắc nhở con nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo. Các học sinh được khuyến cáo không nhận quà của người lạ, không nghe lời người lạ đi theo họ. Học sinh cũng được khuyên báo ngay cho giáo viên khi thấy người lạ tiếp cận một cách bất thường.
Lừa đảo học sinh nợ tiền hàng
Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã sử dụng chiêu thức mới là gọi điện cho phụ huynh học sinh báo rằng con em mình mua hàng nhưng thiếu tiền cần chuyển tiền gấp.
Thông tin từ trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giáo viên chủ nhiệm của lớp đã nhận được cuộc gọi từ phụ huynh học sinh báo rằng con mua mỹ phẩm nhưng chưa trả đủ tiền, phải để lại thẻ học sinh nên đối tượng yêu cầu phụ huynh này gửi tiền vào số tài khoản mà đối tượng cung cấp để thanh toán nốt số tiền còn thiếu cho con mình.
Khi phụ huynh này gọi lại vào số điện thoại nhắn tin thì không liên lạc được. Ngay sau đó, phụ huynh đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để xác minh nên không sập bẫy của kẻ lừa đảo.
Gần đây, các đối tượng lừa đảo thường xuyên nhắm vào phụ huynh học sinh để thực hiện những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản tinh vi. Vì vậy phụ huynh học sinh cần phải nâng cao cảnh giác để tránh sa vào bẫy của các đối tượng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin giấy tờ tùy thân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho người lạ hoặc kẻ tình nghi. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo cho cơ quan công an hoặc đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp ví dụ như nhà trường để được giải quyết kịp thời tránh những tổn thất không đáng có xảy ra.
Trước đó, Bộ Công an và nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo người dân về chiêu lừa “con đang cấp cứu” gọi điện thông báo con em chủ thuê bao phải nhập viện cần chuyển tiền gấp.
Bộ Công an khuyến cáo, trong trường hợp phụ huynh nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, nhất là nhận thông tin từ người lạ thông báo "con đang cấp cứu" thì cần phải bình tĩnh, không nên lo sợ, mà nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em mình để được tư vấn.
Đại đoàn kết