MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu hỏi hóc búa "rơi vào thinh không" ở hội nghị BRICS: Nam Phi lắc đầu; Trung Quốc không trả lời thẳng

18-09-2023 - 12:52 PM | Tài chính quốc tế

Lời kêu gọi của Brazil về một đồng tiền chung của khối BRICS tại hội nghị thượng đỉnh Johannesburg vào tháng trước đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc phi đô la hóa.

Câu hỏi hóc búa "rơi vào thinh không" ở hội nghị BRICS: Nam Phi lắc đầu; Trung Quốc không trả lời thẳng - Ảnh 1.

Đề xuất của Brazil

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã chuyển sang thực hiện giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ.

Trước tiên, đây không phải là chủ đề mới. Quyền lực tối cao của đồng đô la ngày càng bị nhiều nước đặt dấu chấm hỏi – từ các quốc gia Mỹ Latinh như Brazil đến các quốc gia Đông Nam Á – kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng xu hướng này cần phải được đánh giá khách quan: đồng đô la vẫn đang chiếm ưu thế trong dự trữ ngoại hối toàn cầu, chiếm 59% trong quý đầu tiên của năm, theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Phi đô la hóa là quá trình giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la như một loại tiền dự trữ, phương tiện trao đổi hoặc đơn vị tài khoản trong nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những tác động to lớn mà việc này mang lại đối với thị trường tài chính toàn cầu và thương mại quốc tế - với sự thống trị của Mỹ trong hệ thống kinh tế toàn cầu - nó còn có những tác động chính trị quan trọng.

Câu hỏi hóc búa "rơi vào thinh không" ở hội nghị BRICS: Nam Phi lắc đầu; Trung Quốc không trả lời thẳng - Ảnh 2.

Một số quốc gia tìm cách phi đô la hóa để đa dạng hóa dự trữ ngân hàng trung ương của họ - nghĩa là bằng cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la, về mặt lý thuyết, các nước này có thể quản lý rủi ro tiền tệ hiệu quả hơn và duy trì quyền kiểm soát tốt hơn đối với chính sách tiền tệ của mình. Tuy nhiên, những quốc gia khác có thể có động cơ chính trị; chẳng hạn, bằng cách giảm bớt ảnh hưởng của đồng đô la đối với nền kinh tế trong nước, họ có thể giảm sự phụ thuộc vào các chính sách của Mỹ.

Đầu năm nay, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đặt câu hỏi “tại sao tất cả các quốc gia đều phải giao thương dựa trên đồng đô la”. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào tháng trước, ông Lula một lần nữa kêu gọi tạo ra một loại tiền tệ chung cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên của khối – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – như một phương tiện để giảm bớt sự thiệt hại đối với biến động tỉ giá với đồng đô la.

Mặc dù ông Lula không chỉ rõ loại tiền tệ chung này có thể là gì hoặc nó có thể xuất hiện như thế nào, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng các lựa chọn sẽ bao gồm một rổ tiền tệ từ các quốc gia BRICS, sử dụng vàng làm cơ sở cho một loại tiền tệ mới, hay thậm chí là một loại tiền kỹ thuật số phổ biến phát hành bởi ngân hàng trung ương. Nhưng dù dưới hình thức nào, các chuyên gia đều đồng ý rằng sẽ khó đạt được một đồng tiền chung do sự khác biệt giữa cả 5 thành viên BRICS, bao gồm cả về kinh tế và chính trị.

Phản hồi của các nước

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, các nhà lãnh đạo có rất ít phản hồi về lời kêu gọi của ông Lula về một đồng tiền chung – phía Trung Quốc không bình luận về ý tưởng này. Thay vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ kêu gọi thúc đẩy “cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế”. Chủ nhà Nam Phi cho biết đồng tiền chung BRICS không có trong chương trình nghị sự.

Ý tưởng về một loại tiền kỹ thuật số BRICS phổ biến có khả thi nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Vào năm 2019, các quốc gia BRICS đã thảo luận về khả năng dùng tiền kỹ thuật số và các kế hoạch đã được sửa đổi với sự gia tăng các nỗ lực phi đô la hóa. Nhưng để làm được như vậy, khối sẽ cần thành lập một liên minh ngân hàng và liên minh tài chính, đồng thời đạt được sự nhất quán về vĩ mô.

Hơn nữa, một loại tiền tệ BRICS duy nhất sẽ khiến khối bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất, đó là Trung Quốc. Điều này khiến một số nước ngần ngại khi phải liên kết chính sách tiền tệ và các mặt của chính sách tài khóa của họ với nền kinh tế Trung Quốc.

Câu hỏi hóc búa "rơi vào thinh không" ở hội nghị BRICS: Nam Phi lắc đầu; Trung Quốc không trả lời thẳng - Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng một ý tưởng khả thi hơn là mỗi quốc gia BRICS sẽ ra mắt loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương của riêng mình và sau đó hướng tới khả năng tương tác.

Có một số dự án đã thử nghiệm khả năng tương tác như vậy. Ví dụ, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã triển khai Dự án mBridge để tìm hiểu cách kết nối các nền kinh tế thông qua các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương tham gia dự án bao gồm Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Mục đích là xây dựng một nền tảng chung cho thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới hiệu quả, chi phí thấp.

Vì hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn chưa đưa ra loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương của riêng mình, nên có vẻ như vấn đề về khả năng tương tác chủ yếu vẫn là vấn đề của tương lai.

Tóm lại, mặc dù xu hướng phi đô la hóa ngày càng tăng, nhưng thời điểm này dường như chưa chín muồi để tạo ra một loại tiền tệ Brics chung, kỹ thuật số hay cách khác. Một ý tưởng khả thi hơn là mỗi quốc gia này sẽ ra mắt CBDC của riêng mình và sau đó hướng tới khả năng tương tác.

Trung Quốc đang ở giai đoạn thử nghiệm khi tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Điều này có thể thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu, với Sáng kiến Vành đai và Con đường và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể trở thành những nền tảng phù hợp. Trong việc thúc đẩy việc áp dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số xuyên biên giới, những trao đổi kinh tế như vậy có thể mở đường cho các ngân hàng trung ương châu Á khác. Tới nay, mặc dù vẫn khó có thể dự đoán quá trình phi đô la hóa sẽ diễn ra như thế nào, nhưng đó là một xu hướng có vẻ sẽ ngày càng mạnh mẽ.

Tham khảo: SCMP

Tất Đạt

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên