CEO BIDV MetLife: Tôi muốn đạp xe đi vòng quanh các con phố, chụp ảnh và làm một album ảnh về Tết Hà Nội!
2020 là năm đầu tiên Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV Metlife ăn Tết ở Việt Nam. CEO người Ấn Độ nói với báo Trí thức trẻ: “Các năm trước tôi cùng gia đình trở về Ấn Độ để nghỉ ngơi vì quanh năm đã ở Việt Nam rồi. Nhưng Tết năm nay tôi quyết định ở lại để cảm nhận nhịp sống, cảm nhận cái Tết ở Hà Nội”.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2016, đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của BIDV MetLife khi ấy mới được hơn…2 tuổi, ông Gaurav Sharma, một người Ấn Độ có nhiều năm kinh nghiệm tại hệ thống của Metlife toàn cầu, đã góp phần xây dựng nên một công ty bảo hiểm đậm dấu ấn trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện nay. Ông chia sẻ, nền kinh tế với những nét văn hóa lâu đời, lại dễ tiếp nhận những làn gió mới, còn có cả những nét tương đồng với Ấn Độ đã giúp ông trở nên gắn bó hơn với đất nước và con người việt Nam.
Làm việc tại Việt Nam đã 4 năm, có năm nào ông đón Tết Nguyên đán ở đây chưa?
Tôi chưa khi nào ăn Tết ở Việt Nam, các năm trước tôi cùng gia đình trở về Ấn Độ để nghỉ ngơi vì quanh năm đã ở Việt Nam rồi. Nhưng Tết năm nay tôi quyết định ở lại để cảm nhận nhịp sống, cảm nhận cái Tết ở Hà Nội. Tôi muốn đạp xe đi vòng quanh các con phố, chụp ảnh và làm một album ảnh về Tết Hà Nội làm kỷ niệm và chia sẻ với gia đình, bạn bè.
Người Việt có văn hóa lì xì, người lớn lì xì trẻ em, người trẻ lì xì cho người già, lãnh đạo doanh nghiệp thì lì xì cho nhân viên, ông nhận xét thế nào về phong tục này?
Đây là một cử chỉ rất đẹp để tỏ lòng cảm ơn của người lớn tuổi hơn chúc may mắn cho người nhỏ tuổi hơn, sự cảm ơn của người lãnh đạo đối với nhân viên của mình trong suốt một năm qua và mong muốn những điều tốt đẹp hơn trong công việc ở năm mới.
Từ khi gia nhập thị trường Việt Nam tôi đã biết phong tục này rồi. Năm nào cũng vậy, trong ngày đầu tiên làm việc của năm mới âm lịch, tôi cũng lì xì cho cán bộ nhân viên của mình để cảm ơn họ.
Tết cổ truyền ở Ấn Độ thì sao thưa ông?
Ở hầu hết các nước châu Á, ngày năm mới đều theo lịch âm. Ở Ấn Độ cũng có lễ tương tự là năm mới của người Hindu, khoảng tháng 10-11 trong năm. Tết này cũng có những nét tương đồng với Việt Nam khi đây là dịp để tỏ lòng kính trọng với người già, để gia đình quây quần bên nhau còn ở công ty thì là sự biết ơn đối với những người đã làm việc cho mình.
Ở Ấn Độ có rất nhiều chùa, vậy khi làm việc ở Việt Nam có khi nào ông đến chùa để lễ chưa?
Tôi đi rất nhiều chùa ở Hà Nội và các địa phương khác ở Việt Nam, thường là cố gắng kết hợp các chuyến công tác. Tôi rất thích chùa ở Việt Nam mà thích nhất là sự thanh bình. Ở Ấn Độ, người ta đến chùa thường không vì lý do gì cả. Nhiều khi chỉ là ngủ dậy cảm thấy mình muốn đi chùa, và ở đó thường rất đông.
Cơ duyên nào mang ông đến Việt Nam?
Tôi đã làm việc ở MetLife 13 năm, đây là tập đoàn toàn cầu và MetLife tạo cơ hội để cán bộ được luân chuyển qua các thị trường khác nhau, từ đó xây dựng một văn hóa đa quốc gia. Tôi đến Việt Nam theo chương trình đó của MetLife.
Từ khi đến Việt Nam tới nay ông có thấy khó khăn gì khi làm quen với công việc mới, thị trường mới?
Tôi nghĩ rằng việc chưa vượt qua hết mọi thách thức chính là động lực để mình phấn đấu. Nhưng hơn 3 năm qua tôi tự hào về những gì mình và công ty đã làm được. Công ty đã có mặt trên thị trường hơn 5 năm, còn tôi gắn bó hơn 3 năm là đã đủ dài để mang lại sự thay đổi cho công ty. Nếu nhìn lại thì chúng tôi đã bước khá nhanh và dài, nhưng phía trước còn nhiều điều cần phải làm.
Cụ thể đó là những gì thưa ông?
Đầu tiên là hơn 3 năm qua chúng tôi duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn 60%/năm. Tiếp theo là chúng tôi duy trì được mục tiêu là cung cấp các giải pháp bảo vệ dài hạn cho khách hàng. Chúng tôi cũng đã thực hiện bước đi mạnh bạo, trong khi toàn bộ thị trường bancassurance còn bán sản phẩm ngắn hạn thì chúng tôi bán sản phẩm dài hạn. Thứ 3 là chúng tôi nhất quán mục tiêu hướng đến khách hàng. Việc lấy khách hàng làm trọng tâm giúp chúng tôi có kết quả tốt là tỷ lệ duy trì hợp đồng của khách hàng rất cao, tới hơn 90% - một trong những công ty cao nhất thị trường.
Là một công ty liên doanh của BIDV, vậy BIDV MetLife đã đóng góp thế nào vào hoạt động của ngân hàng BIDV?
BIDV là ngân hàng lớn mạnh của Việt Nam. Việc chúng tôi đưa bảo hiểm nhân thọ tới khách hàng của BIDV đồng nghĩa là mang đến nhiều giải pháp tài chính hơn cho khách hàng của BIDV. Bảo hiểm nhân thọ còn giúp khách hàng trở nên gắn bó hơn với BIDV trong thời gian dài. Hiện nay chúng tôi còn đào tạo, cấp chứng chỉ cho hơn 3.000 cán bộ của BIDV để có thêm kỹ năng bán hàng bảo hiểm. Như vậy rõ ràng là chúng tôi đã có những đóng góp nhất định vào hoạt động chung của ngân hàng và thấy rằng sự hợp tác này vẫn còn rất, rất nhiều cơ hội.
Đã 4 năm làm kinh doanh tại Việt Nam, ông nhận xét thế nào về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam?
Có 3 điều tôi ấn tượng với văn hóa doanh nghiệp Việt. Đầu tiên đó là đồng nghiệp thân thiện, cởi mở, làm việc với nhau vui vẻ, tức là ngoài công việc họ còn xây dựng quan hệ cá nhân. Đây là điều tôi rất thích ở doanh nghiệp Việt. Thứ hai là lực lượng lao động luôn muốn học hỏi.
Điều thứ 3 tôi muốn nói mà cũng là sự khác biệt với văn hóa doanh nghiệp ở các nước khác đó là người lao động còn chưa sẵn sàng đón nhận rủi ro nhiều, các bước đi đều rất thận trọng. Nếu mình chấp nhận rủi ro thì sẽ có bước tiến nhảy vọt còn thận trọng quá thì chỉ đi được các bước ngắn. Đây là điểm mà tôi rất muốn thay đổi, xây dựng ở doanh nghiệp mình là khuyến khích mọi người thử nghiệm và chấp nhận thất bại, phải thử mới có cơ hội để thành công còn hơn là không bao giờ.
Theo ông vì sao lại có sự khác biệt đó?
Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố và có từ ngày xưa, đã truyền qua nhiều thế hệ. Nếu ông bà cha mẹ đã trải qua nhiều khó khăn thì sẽ khuyên nhủ con cái mình thận trọng để ổn định. Tôi hi vọng văn hóa này sẽ có sự thay đổi trong tương lai và chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy sự thay đổi đó. Là lãnh đạo trong công ty, tôi cũng sẽ cố gắng truyền cảm hứng để cho mọi người dám thử thách và sẵn sàng đón nhận thất bại để trưởng thành.
Cá nhân ông đã có những bài học nào đáng nhớ về sự thất bại khi thử điều mới?
Năm nào tôi cũng thử nghiệm làm một điều mới, cả đời sống cá nhân lẫn công việc.
Năm ngoái, tôi đã thử nghiệm một thứ rất mới.. Đó là chúng tôi đã đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để triển khai bán online sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn – công ty bảo hiểm đầu tiên bán một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn hoàn toàn online. Bán online thì nhiều công ty đã thực hiện, họ kết nối với một trang thương mại điện tử để làm, còn chúng tôi xây dựng nền tảng bán hàng riêng của mình.
Đến cuối năm 2019, chúng tôi đã có bước đi táo bạo là đẩy mạnh hơn nữa bán online vì tin rằng thị trường đã sẵn sàng cho việc này và nó rất tiềm năng. Đối tượng mà chúng tôi hướng tới là khách hàng trẻ, đặc biệt là phụ nữ, có thu nhập nhưng thời gian hạn hẹp, không muốn tiếp xúc tư vấn viên trực tiếp mà tự tìm hiểu online, đồng thời họ tin vào quyết định mình và sẽ tự ra quyết định đối với hợp đồng online.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang bán hàng online, việc dám thử thách và đến giờ này có thể coi là một bước đi trước, các ông sẽ có lợi thế gì?
Mỗi doanh nghiệp có một lợi thế. Như BIDV MetLife thì kênh bancassurance vẫn là chủ đạo. Năm 2019 chúng tôi đã xây dựng nền tảng online và đang phát triển mạnh kênh đại lý.
Tỷ lệ sử dụng Internet ở Việt Nam cao nhất khu vực, nên việc ứng dụng công nghệ số là bước đi chính xác. Nhưng khi nói đến công nghệ số, nói đến bán hàng online thì chúng tôi còn muốn nâng cao nhận thức của khách hàng (cả những người mua bảo hiểm của chúng tôi và cả khách hàng của đơn vị bảo hiểm khác hoặc người chưa mua bảo hiểm) về bảo hiểm nhân thọ qua các kênh online và đó là sự khác biệt.
Dựa trên kinh nghiệm cùng nền tảng của MetLife toàn cầu, chúng tôi đã xây dựng trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin cho khách hàng về bảo hiểm, với nội dung tập trung là cùng định hướng với khách hàng về hạnh phúc tương lai như thế nào. Dựa trên nghiên cứu thị trường chúng tôi thấy cơ sở để làm cho khách hàng vui vẻ hạnh phúc đó là ăn lành mạnh, sức khỏe tốt và lên kế hoạch tài chính, và kết hợp 3 yếu tố này, với việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao để có sức khỏe tốt và có kế hoạch tài chính phù hợp cho mọi giai đoạn, mọi lứa tuổi sẽ giúp con người ta trở nên hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Ông nhận định thế nào về thị trường bảo hiểm năm nay?
Tiếp tục tăng trưởng! Tất nhiên sẽ có những thách thức nhất định, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là làm sao để nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm. Làm sao để mở rộng, chia sẻ ý thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ và an toàn tài chính, nhất là khi có vấn đề về sức khỏe, thì sẽ vô cùng quan trọng.
Cách đây mấy tháng tôi có đi đến Ninh Thuận. Và tôi có ghé thăm một gia đình nông dân, người vợ bị bệnh ung thư và họ cần 200 triệu nhưng anh nông dân này không có nguồn thu nhập nào cũng không có bảo hiểm nên buộc phải bán đất.
Số liệu năm 2018 cho thấy mỗi ngày ở Việt Nam phát hiện ra hơn 450 ca ung thư, tức là mỗi ngày có hơn 450 gia đình cần tiền để chữa ung thư. Ở Việt Nam và các nước châu Á khác, nguồn phúc lợi xã hội để hỗ trợ chữa bệnh hiểm nghèo hầu như là không có hoặc rất ít, vì thế ở góc độ tài chính cần có biện pháp bảo vệ.
Đối với các gia đình nhiều tiền thì khoản tiền đó không đáng nhưng với người nghèo thì vô cùng lớn. Vấn đề trên thị trường là chưa ai có thể giải thích cho những người nghèo như vậy hiểu được, họ mới chỉ quan tâm đến người giàu, đến khách vip, đến người có điều kiện trong khi những người cần tiền thực sự thì lại không. Vì thế trọng trách của các công ty bảo hiểm là phải mở rộng thị trường và kết nối, tiếp cận được với các khách hàng như vậy.
Các ông đã có động thái cụ thể nào để góp phần thay đổi thị trường bảo hiểm?
Chúng tôi đã thay đổi xu hướng thị trường. Ví dụ khi bán ở thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh mức phí bảo hiểm trung bình một năm khoảng30 – 35 triệu/hợp đồng. Số lượng hợp đồng không lớn nhưng giá trị mỗi hợp đồng lại cao. Năm vừa qua chúng tôi thay đổi chiến lược bán hàng đến 10 – 12 tỉnh xung quanh. Hiện nay mức phí trung bình năm của một hợp đồng bảo hiểm khoảng 18 – 20 triệu, giảm so với các thành phố lớn, nhưng chúng tôi đã tăng được lượng khách hàng thêm 40% so với năm 2018. Như vậy là chúng tôi bảo vệ được nhiều khách hàng hơn. Cùng với sản phẩm chính, chúng tôi còn có sản phẩm bổ trợ, trong đó sản phẩm bổ trợ chủ yếu là bệnh hiểm nghèo và viện phí. Chúng tôi đã đào tạo cho nhân viên kỹ năng để tư vấn tốt hơn, rộng hơn tới các đối tượng khách hàng.
Những chia sẻ của ông cho thấy BIDV MetLife không những tích cực trong thị trường bảo hiểm mà còn tích cực trong việc đóng góp vào cộng đồng?
Việc đóng góp cho cộng đồng là con đường rất dài, những đóng góp của chúng tôi với thị trường là rất nhỏ bé. Bản thân cán bộ của chúng tôi cũng rất tích cực tham gia vào các dự án cộng đồng.
Tôi rất nhớ câu chuyện về một con dê đã thay đổi cuộc sống của một gia đình. Khi ấy chúng tôi có đến thăm một số gia đình ở miền Trung và miền Nam trong khuôn khổ dự án làm sao để phụ nữ độc lập về tài chính – dự án của Quỹ MetLife toàn cầu. Người phụ nữ ấy nhận được một con dê do Quỹ MetLife tài trợ, sau đó chị ấy đã gây dựng thành đàn dê, sau đó bán đi có thể cho con đi học và sau đó xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Khi tận mắt chứng kiến điều này, được họ chia sẻ tôi cảm thấy rất tự hào, dù rằng những việc mình làm là điều nhỏ bé với vài trăm hộ gia đình chứ không phải toàn thể cộng đồng, nhưng nó đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi cuộc sống của họ.
Thế còn trong nội bộ công ty, ông thể hiện trách nhiệm với họ thế nào và truyền cảm hứng ra sao?
Như tôi đã nói, tôi khuyến khích cán bộ nhân viên của mình thử và sẵn sàng cho họ cơ hội để thất bại, chấp nhận thất bại.
Trong hoạt động ngày thường, chúng tôi cũng rất tích cực chia sẻ cùng nhau, cùng nhau thắp lên niềm tin và truyền cảm hứng cho nhau mỗi ngày và đặc biệt là qua thể thao. Tôi có niềm đam mê với thể thao, nhất là bộ môn tennis. Đây là môn thể thao tôi yêu thích từ ngày xưa nhưng sang Việt Nam thì dường như nó có đất để phát triển hơn vì tôi thấy đây là môn thể thao gắn kết mọi người, vì tôi có thể chơi với nhân viên, với Hiệp hội bảo hiểm, với các doanh nghiệp, với cán bộ ngân hàng BIDV…và tennis gắn kết mọi người với nhau. Hiện nay ở doanh nghiệp, chúng tôi cũng tham gia các môn thể thao để gắn kết mọi người hơn với nhau, cùng nhau nâng cao sức khỏe như là câu lạc bộ từ tennis, bóng đá, zumba, yoga, …Tôi thấy thể thao rất tuyệt vời, nó không chỉ mang lại sức khỏe cho mọi người mà còn là tính hữu nghị và gắn kết mọi người với nhau hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Amazing Vietnam
Xem tất cả >>- Chủ tịch CMG.ASIA Randy Dobson: Việt Nam là một thị trường tuyệt vời, nhưng cũng rất phức tạp!
- Người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt: “Việt Nam đủ ‘hợp tính hợp nết’ về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống để tôi muốn ở lại”
- “Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời”
- Food blogger 9X Hàn Quốc coi Việt Nam như quê hương thứ hai: Đồ ăn Việt món nào cũng ngon, lại còn tốt cho sức khỏe nữa!
- 9X Nhật quyết tâm làm rể Việt Nam: Học tiếng Quảng để nói chuyện với người thương và lời cảm ơn của cô giáo Mỹ vì được thấy một Việt Nam mới!