CEO các ngân hàng nhận định gì về năm 2023?
Ngành tài chính – ngân hàng vốn nhạy cảm với mọi biến động trên thị trường, đi qua năm 2022 đầy khó khăn, lãnh đạo các ngân hàng dự báo thế nào về năm 2023 và các ngân hàng đã chuẩn bị những gì để “sẵn sàng 2023”?
Năm 2022 nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trải qua không ít khó khăn. Dẫu vậy, nhờ linh hoạt trong điều hành, biến khó khăn thành cơ hội, không ít các nhà băng vẫn vững vàng hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh được cổ đông giao phó.
Năm 2023, dự đoán nền kinh tế vẫn còn khó khăn, đặc biệt kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với khủng hoảng, qua đó tác động ít nhiều tới Việt Nam. Vốn là ngành nhạy cảm với mọi biến động trên thị trường, các ngân hàng từ cuối năm trước đã xây dựng những chiến lược bài bản để bước sang năm 2023 với một tinh thần sẵn sàng vượt qua khó khăn, sẵn sàng tận dụng cơ hội và sẵn sàng bứt phá.
Kinh tế thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát. Thương mại toàn cầu giảm do tổng cầu suy giảm, tắc nghẽn nguồn cung.
Với bối cảnh kinh tế thế giới đầy khó khăn, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 đan xen giữa thách thức và cơ hội. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ sự ổn định của khu vực FDI, đầu tư công mở rộng. Tuy nhiên, thách thức đối với nền kinh tế do biến động của thị trường bất động sản, lạm phát tiềm ẩn, lãi suất còn ở mức cao. Trước viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát; Điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ.
Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2023 và Chỉ thị 01 của NHNN, kết nối với mục tiêu chiến lược phát triển Vietcombank và quán triệt phương châm hành động: "Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững", quan điểm chỉ đạo điều hành "Trách nhiệm – Quyết liệt – Sáng tạo", chúng tôi sẽ quyết tâm triển khai thành công các mục tiêu kinh doanh.
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài như FED có thể duy trì tiến trình tăng lãi suất, lạm phát, suy thoái kinh tế, bất ổn địa chính trị và thách thức bên trong như áp lực lạm phát gia tăng, xuất khẩu giảm tốc, lãi suất duy trì ở mức cao…nhưng từ những thách thức đó cũng mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng tăng trưởng bền vững, nền tảng vững chắc.
Năm 2023, ACB kỷ niệm 30 năm thành lập cũng là lúc ACB đặt ra cho mình những mục tiêu phát triển cao hơn nhằm nắm bắt được những vận hội mới đang mở ra cho ACB. ACB tiếp tục hành động để duy trì vị thế hàng đầu trong mảng bán lẻ, đồng thời phát triển, hoàn thiện các năng lực trong hoạt động ngân hàng số, sử dụng dữ liệu và mảng hoạt động khách hàng doanh nghiệp. Năm 2023, ACB sẽ đẩy mạnh đầu tư có các hoạt động nền tảng phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số như hạ tầng đám mây, hạ tầng dữ liệu,…và đội ngũ nhân sự cho chiến lược chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ACB tiếp tục mong muốn đồng hành với các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân và thực hiện các chủ trương của Chính phủ, NHNN bằng các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, miễn giảm các loại phí nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. ACB sẽ tiếp tục duy trì chính sách giảm 1% lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân vay và có giao dịch chính tại ACB.
Thế giới bước sang năm 2023 với nhiều dự báo về nguy cơ suy thoái tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó là nỗi lo về căng thẳng Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết gây ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng toàn cầu và gây sức ép bất ổn với an ninh năng lượng của các quốc gia, của giá dầu. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 đã tăng mạnh trở lại ở một số nước ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy mối lo đình lạm của kinh tế toàn cầu có thể không nặng nề như các dự báo, khi lạm phát hạ, kỳ vọng lãi suất hạ, kỳ vọng tỷ giá sẽ không còn căng như 2022. Trung Quốc mở cửa trở lại cũng giải tỏa nỗi lo suy thoái bởi quốc gia tỷ dân này là động lực tăng trưởng, chiếm tới 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
2023 vì vậy sẽ là một năm vẫn có nhiều thách thức, nhưng kinh tế thế giới đã có dấu hiệu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Song hệ thống tài chính toàn cầu vẫn sẽ phải ứng phó với thách thức mới của một thời kỳ "tiền dễ" (easy money) đã đi qua.
Trong nước, với bệ phóng tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam 2022, tuy chúng ta sẽ còn phải đối mặt với khó khăn trong điều kiện lãi suất còn cao, các thị trường xuất khẩu thu hẹp, thì cơ hội từ đầu tư công, các chương trình hỗ trợ và kích thích nâng đỡ đầu tư, chi tiêu, vẫn sẽ là trụ cột cho tăng trưởng. Theo đó, ngành ngân hàng với nội lực và sức chống chịu đã được củng cố trong năm 2022, sẽ vượt qua các thách thức, tiếp tục là bệ đỡ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Năm qua, HDBank đạt các chỉ tiêu kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay. Uy tín và vị thế của HDBank ngày một nâng cao, thuộc nhóm các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả nhất toàn ngành. Năm 2023, HDBank sẽ không chậm lại việc thực hiện mục tiêu chiến lược của giai đoạn 2021-2025, mà tập trung mọi nguồn lực, bám sát định hướng điều hành chính sách của NHNN để xây dựng và triển khai nhiệm vụ kinh doanh, nâng cao hiệu quả, phát triển an toàn, kiểm soát chất lượng tín dụng. Chúng tôi sẽ phát huy giá trị của chuyển đổi số đã được ngân hàng đầu tư mạnh mẽ trong nhiều năm qua để có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ sáng tạo, văn minh, vừa tiết giảm chi phí vừa đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng, hiện thực hóa mục tiêu không ngừng tăng trưởng đột phá, bền vững.
Với vị thế của HDBank trên trường quốc tế và mối quan hệ cùng các đối tác, định chế lớn toàn cầu, HDBank đa dạng hóa nguồn vốn có chi phí hợp lý, đặc biệt là tài chính khí hậu, tài chính xanh, qua đó sẽ tiếp tục tiên phong hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi xanh, kinh tế số của 2023 cũng như các năm tới đây. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân theo lựa chọn của NHNN, đóng góp cho việc xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh.
Chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng 2023 sẽ là năm nhiều thách thức với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo đó, do ảnh hưởng từ tình hình chung, sản xuất kinh doanh sẽ thu hẹp trong nửa đầu năm, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn cả về kinh doanh lẫn tài chính. Mặt bằng lãi suất sẽ sớm giảm trở lại khi mà lạm phát thế giới gần đây đã giảm nhiệt và chuỗi cũng ứng cũng bớt căng thẳng hơn sau khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương dự kiến cũng sẽ thay đổi và có thể đảo ngược trong năm nay chuyển từ thắt chặt để kiềm chế lạm phát sang nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng và chống suy thoái
Điểm tích cực là các nước tại khu vực Đông Nam Á đã xử lý bệnh dịch khá tốt, đồng thời không phải chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng Ukraine-Nga nên sẽ có mức tăng trưởng kinh tế khả quan hơn phần lớn các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam có chính sách điều hành kinh tế quyết liệt, chính sách đối ngoại đa phương, linh hoạt nên sẽ trở nên tự chủ hơn cũng như có nhiều cơ hội để thích ứng với bối cảnh thay đổi liên tục. Việt Nam cũng được giới chuyên gia nhận định là một trong những nền kinh tế khả quan nhất hậu COVID-19 ở Đông Nam Á. Dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam khi nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Với ngành ngân hàng thì các khó khăn sẽ bắt đầu nảy sinh. Chi phí vốn của các ngân hàng tăng cao do mặt bằng lãi suất nửa cuối 2022 và đầu 2023 cao hơn nhiều so với cùng kỳ và tỷ lệ Casa giảm mạnh. Điều này kéo theo NIM và thu lãi thuần giảm nhanh trong khi dự phòng tăng lên. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng có đệm thanh khoản dày và cấu trúc vốn đa dạng sẽ có lợi thế lớn do không bị cuốn theo cuộc chạy đua lãi suất. Điều này giúp hạn chế việc chi phí vốn tăng cao. Ở đầu ra, ngân hàng nào có danh mục cho vay thận trọng tập trung nhiều ở hệ khách hàng có sức khỏe tài chính ổn định sẽ ít bị nợ xấu hơn.
Năm 2023, Sacombank cũng như các ngân hàng bạn sẽ phải đối diện với những khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động sẵn sàng trước những thách thức của thị trường như: Đa dạng hóa các nguồn vốn trong và ngoài nước để phục vụ hoạt động kinh doanh; Danh mục khách hàng lớn, đa dạng ở cả hai lĩnh vực Cá nhân và Doanh nghiệp; Lộ trình chuyển đổi số được sẵn sàng cách đây hai năm và năm 2023 sẽ là năm những sản phẩm số của Sacombank tiếp tục được đẩy mạnh ra thị trường, giúp gia tăng trải nghiệm và tối ưu về hiệu quả kinh doanh; Tiếp tục nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tập trung và quá trình tái cấu trúc bộ máy đang dần hoàn thiện. Yếu tố này giúp Sacombank đi nhanh hơn, hiệu quả hơn và kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Nhìn lại năm 2022, các ngân hàng đã bị ảnh hưởng lớn bởi lãi suất và tỉ giá, đầu ra thì không tăng được, đầu vào thì cao dẫn tới biên lợi nhuận mỏng đi rất nhiều. Chỉ có các ngân hàng nào thích ứng được, gia tăng được các nguồn thu khác để bù lại thì mới có thể trụ được. Đặc biệt là thời gian cuối năm, thị trường hai đóng băng, thị trường một thì căng thẳng, thanh khoản và lãi suất đều tăng vọt, nảy sinh các cuộc đua về lãi suất.
Với năm 2023, thị trường nửa đầu năm sẽ vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chẳng hạn như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn còn có chủ trương tăng lãi suất, tạo những áp lực nhất định tới nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Thương mại thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch cũng gây ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, tình hình bất động sản vẫn trong trạng thái đóng băng và các ngành liên quan như sắt thép, vật liệu xây dựng, nhân công tiếp tục bị đình đốn có thể làm nợ xấu gia tăng, chưa kể tới các nhu cầu tiêu dùng giảm tương ứng.
Với TPBank trong năm 2023, chúng tôi chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục xoay chuyển và thích nghi với tình hình thực tế khó khăn đã được dự báo trước. Dựa trên nền tảng quản trị rủi ro chặt chẽ, nợ xấu trong tầm kiểm soát để có hướng đi vững chắc. Đặc biệt là sử dụng tín dụng hợp lý, khi room tín dụng đã có nhiều dư địa, không căng thẳng như trước nhưng lãi suất lại ở mức cao, việc lựa chọn được các khách hàng tốt sẽ khó hơn, thị trường sẽ có sự thanh lọc khách hàng.
Dẫu vậy, chiến lược năm nay của TPBank vẫn là đảm bảo được hiệu quả, giữ được chất lượng tài sản, vẫn có các ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng trong bối cảnh lợi nhuận kỳ vọng sẽ không còn cao, tốc độ tăng trưởng không còn lớn như năm trước.
Trong năm 2023, thách thức lớn nhất vẫn liên quan đến vấn đề tín dụng khi có nhiều yếu tố làm gia tăng nợ xấu.
Thứ nhất, dù lãi suất đã bình ổn trở lại và kỳ vọng sẽ hạ nhiệt từ giữa năm nay nhưng vẫn ở mức cao. Và hậu quả của thời kỳ lãi suất cao sẽ là nợ xấu khi khả năng trả nợ của người vay bị ảnh hưởng.
Yếu tố thứ hai là xung đột giữa Nga và Ukraine, đi cùng với những diễn biến khó lường từ căng thẳng địa chính trị tại các điểm nóng trên thế giới. Các căng thẳng địa chính trị sẽ tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng.
Về vấn đề thanh khoản hệ thống, tôi nghĩ rằng đây sẽ là một dấu hỏi sau các biến cố liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2023 sẽ có một yếu tố hỗ trợ thanh khoản hệ thống như hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ đang rất quyết liệt đẩy mạnh hoạt động đầu tư công. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư công sẽ giống như đòn bẩy thúc đẩy dòng tiền thị trường quay vòng nhanh hơn, qua đó giải bài toán thanh khoản cho doanh nghiệp và ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất cao hơn cũng sẽ giúp dòng tiền trên thị trường chảy về hệ thống ngân hàng, qua đó củng cố thanh khoản hệ thống. Trong khi đó, với nhu cầu tín dụng năm 2023 dự kiến chậm lại sẽ cũng giúp hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng.
Theo tôi, khả năng chống chịu của các ngân hàng trong năm 2023 đã tốt hơn rất nhiều. Khả năng điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phù hợp và linh hoạt hơn, đồng thời lãnh đạo các ngân hàng có tâm thế vững vàng, từng trải hơn trước. Ngoài ra, những sóng gió của năm 2022 cũng đã tạo điều kiện để các ngân hàng rút ra các bài học và rèn luyện về khả năng chống chịu trước các rủi ro.
Năm 2023 sẽ là một năm khá khó khăn từ những áp lực của 2022 kéo dài, thị trường bất động sản, trái phiếu làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi vẫn quan sát mặt bằng lãi suất cả 2 đầu từ đó đưa ra các quyết định tăng trưởng thận trọng và chọn lọc. Một cách tích cực chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội tại mảng tín dụng nhỏ lẻ đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp, đây sẽ là động lực tăng trưởng chính.
Đối với Ngân hàng Bản Việt, định hướng chung trong hoạt động năm 2023 của chúng tôi là Thận trọng và Tăng trưởng có chọn lọc. Do vậy, Bản Việt tiếp tục bám sát định hướng bán lẻ; Chuẩn bị nguồn lực cho các kịch bản chất lượng tín dụng không thuận lợi.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Sẵn sàng 2023
Xem tất cả >>- Cơ cấu cổ đông của Traphaco "lợi hại" như thế nào?
- Thị trường nhà thuốc cạnh tranh gay gắt, Traphaco tăng cường đồng hành cùng các nhà thuốc truyền thống
- Tái cấu trúc Traphaco: Động lực tăng trưởng mới ngoài “con bò sữa” đông dược
- Traphaco nâng tầm các sản phẩm quốc dân Boganic, Hoạt huyết dưỡng não bằng phiên bản cao cấp
- Traphaco vượt thử thách trong quá trình chuyển giao công nghệ dược phẩm từ Daewoong