CEO Dome Hospitality lý giải hiện tượng khách sạn trăm tỷ rao bán ‘nhan nhản’, nhiều nhà đầu tư muốn mua nhưng đều đi vào ‘ngõ cụt’
Thời gian vừa qua, hiện tượng hàng loạt chủ khách sạn hạng sang tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… đang phải rao bán khách sạn từ chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng ngày càng nhiều. Trên sàn giao dịch bất động sản, hàng trăm khách sạn ở mọi phân khúc, thậm chí cả khách sạn 5 sao đều đang được rao bán.
- 28-07-2021Chuyên gia quốc tế chỉ ra điểm đặc biệt trong chiến lược vaccine Việt Nam và cơ hội phục hồi ngay trong đại dịch
- 14-07-2021Founder Grant Thornton Vietnam: ‘Việt Nam làm rất tốt ở giai đoạn đầu đại dịch, và sẽ đạt thành tích tương tự với vaccine!’
Trao đổi với Trí thức trẻ, ông Eric A. Baumgartner, sáng lập và CEO của Dome Hospitality, đơn vị chuyên kết nối đầu tư ngành khách sạn, nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng lần này đã khiến thị trường khách sạn Việt Nam trở nên "mong manh" hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, ông Eric cho hay, đây là lần đầu tiên, chủ khách sạn Việt Nam phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề như vậy.
"Chúng ta đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, bởi toàn cầu đều bị tác động cùng một lúc. Biên giới các nước buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng liên tiếp. Ngay cả bây giờ, không ai có thể dự báo trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài giảm mạnh. Hiện tại, các khách sạn Việt Nam cũng không thể nào dựa vào khách nội địa. Bên cạnh đó, nhiều khách sạn còn tương đối mới, chưa hoạt động đủ lâu để có tỷ suất hoàn vốn cao, do đó họ đang ở tình thế "mong manh" hơn bao giờ hết.
Sau lần bùng dịch này, các thủ phủ du lịch như Đà Nẵng, Quy Nhơn hay Nha Trang đều phải chứng kiến cảnh khách sạn rao bán "nhan nhản" trên thị trường. Mỗi ngày, trên các trang tin có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù vậy, hầu hết các thương vụ này đều rơi vào "ngõ cụt".
Ông Eric đưa ra hai kịch bản chính với các thương vụ rao bán khách sạn quy mô vừa và nhỏ như sau:
Thứ nhất, nếu chủ sở hữu khách sạn là doanh nghiệp gia đình lâu năm, và họ có nhiều nguồn thu khác nhau, thì họ sẽ không sẵn sàng bán với mức giá thấp.
Thứ hai, đối với khách sạn mới và chủ khách sạn thường đầu tư từ tiền vay vốn ngân hàng, đồng nghĩa với việc nguồn thu chính của chủ khách sạn là từ khách sạn, thì họ buộc phải bán với mức giá rẻ bèo lúc này.
Nhiều nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng sẽ đạt được các khoản lợi nhuận trong việc mua lại các khách sạn đang gặp khó khăn với mức giá thấp. Tuy nhiên, các chủ khách sạn không muốn giảm giá hay thậm chí bán với mức giá trên các thị trường quốc tế khác.
"Thực chất, các khách sạn hiện nay vẫn có thể tồn tại nhờ vào hỗ trợ của ngân hàng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây đó là: Điều này sẽ có thể kéo dài trong bao lâu?", ông Eric nói.
Vị CEO này cho biết, các khách sạn dự kiến mở từ tháng 11 năm ngoái thì cho đến nay vẫn đang phải tạm dừng. Song, bất chấp tình hình không khả quan ở thời điểm hiện tại, đại diện Dome Hospitality vẫn tin tưởng vào triển vọng ngành du lịch Việt Nam thời gian tới.
"Tuy vậy, tôi kỳ vọng các dự án khách sạn mới sẽ mở cửa vào cuối năm 2022 và sau đó vẫn được triển khai, ngay cả khi việc giãn cách xã hội ở thời điểm hiện tại buộc các nhà đầu tư phải xem xét lại tiến độ dự án".
Nhìn chung, xu hướng các nhà đầu tư hiện này đều vẫn sẵn sàng "tiến về phía trước".
Đánh giá về "khẩu vị" của nhà đầu tư vào ngành khách sạn ở Việt Nam hiện này, vị CEO cho hay, phần lớn các nhà đầu tư tập trung vào khu vực cũng như địa điểm được đánh giá là cao cấp ở thời điểm hiện tại. Một số nhà đầu tư khác cũng sẽ có những chiến lược khác biệt và đặt cược vào các điểm đến chưa được đánh giá là cao cấp ở thời điểm hiện tại, đồng thời đặt kỳ vọng trong tương lai đây sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Nhu cầu của các nhà đầu tư hầu hết tập trung ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Bởi đây đều là những điểm đến hấp dẫn đối với cả khách hàng doanh nghiệp, cũng như khách du lịch. Một lý do khác chính là khả năng tiếp cận dễ dàng, với phương tiện giao thông thuận lợi. Những điểm đến này cũng sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Hàng loạt thương hiệu quốc tế cũng đang tìm cách mở rộng danh mục đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Theo Báo cáo Triển vọng Đầu tư Khách sạn Toàn cầu năm 2021 của JLL, 70% nhà đầu tư cho biết họ sẽ nhắm mục tiêu vào các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Giải thích về điều này, ông Eric A. Baumgartner khẳng định, dù phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, "nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ có thể thoát khỏi giai đoạn khó khăn này".
Thực tế, dựa trên những thành tựu mà Việt Nam đạt được trước đó, và nếu nghĩ về dài hạn, rõ ràng triển vọng của Việt Nam hiện đang rất tươi sáng. Ông cũng đưa ra các yếu tố để nhà đầu tư tin tưởng vào điều này, bao gồm:
- Hỗ trợ từ Chính phủ đối với các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
- Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng: đường sá, sân bay, bến cảng…
- Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đã tác động giúp các tổ chức chăm sóc sức khoẻ phát triển.
- Trình độ giáo dục ngày càng tăng.
- Tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, dẫn đến nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao hơn.
"Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần tạo nên sự năng động, cũng như hấp dẫn cho nền kinh tế Việt Nam", lãnh đạo Dome Hospitality kết luận.