MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Grab Việt Nam: Sáng tạo nhiều khi là thứ nghe lại, không cần thông minh!

“Trong kinh doanh, sáng tạo nhiều khi là cái mình được nghe lại, chứ không phải do thông minh hay như thế nào, đó phải là văn hoá… chứ không phải là thứ tự dưng một ngày được “đẻ”, nghe thì hay nhưng không làm được, ý tưởng nhiều nhưng không biến thành hiện thực thì cũng vô dụng”.

CEO Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, văn hoá sáng tạo trong doanh nghiệp phải là việc diễn ra hàng ngày, hàng giờ của từng cá nhân trong công ty, chứ không phải chỉ ở một nhóm nhỏ.

Ông định nghĩa như thế nào về văn hoá sáng tạo trong doanh nghiệp?

Nghe văn hoá sáng tạo nó có vẻ gì đó to lớn, như kiểu mình ngồi nghĩ ra một vài ý tưởng để doanh nghiệp mình có đổi mới sáng tạo. Nhưng nó không phải chỉ là một vài câu chuyện đem đi kể.

Điều quan trọng là làm sao để nó diễn ra từng ngày từng giờ chứ không phải chỉ một hai lần. Không phải là họp xong nghĩ ra cái này rồi mình tập trung “đánh” rồi thất bại. Tất nhiên thất bại là không tránh được nhưng không nên quá kỳ vọng vào một sáng tạo lớn. Thành công đến từ nhiều sáng tạo nhỏ rồi từ nhiều cái nhỏ bùng lên thành công lớn, đấy mới là kết quả nên mong đợi. Nếu dựa hết vào một cái, có khả năng sẽ ảnh hưởng đến cả tính mạng của công ty.

Tôi cho rằng tất cả mọi người, từ CEO đến nhân viên lúc nào cũng phải thường trực nghĩ xem mình có thể làm gì tốt hơn, làm sao để tốt hơn đối thủ, nếu tốt hơn đối thủ rồi thì nghĩ xem làm gì để tốt nhất cho thị trường, nếu làm tốt nhất với thị trường rồi thì phải làm tốt hơn cái mình làm hôm qua.

CEO có thể nghĩ ra vài thứ “trên trời”, lâu lâu có thể có, nhưng các nhân viên cũng phải thường xuyên nghĩ, nếu chỉ có CEO hay một nhóm nhỏ nghĩ thôi thì không tốt, đại khái “chính sách trên trời, nhân viên dưới mặt đất”, người nghĩ không hiểu, người làm sẽ không làm theo...

Hãy trao quyền sáng tạo cho nhân viên của bạn, nếu ý tưởng đến từ họ, họ sẽ làm việc rất nhiệt tình vì thứ nhất họ hiểu rõ cái họ đang làm. Đồng thời, họ cảm nhận được họ có quyền lực. Bạn có quyền thử và sai, không sao cả, sai thì quay lại làm cái cũ và nghĩ tiếp. Tinh thần đó phải được thấm nhuần từ trên xuống dưới.

Ở Grab có ví dụ cụ thể nào về sáng tạo nhỏ, thành công lớn?

Trong một buổi làm việc với nhóm focus group để nghiên cứu thị trường, có bạn chia sẻ là cuối tuần muốn đi xe đẹp, tài xế không mặc đồng phục để có thể đi chơi cho thoải mái, người khác không biết là đi xe ôm. Thế là Grab thử một loại hình mới, GrabBike Premium, là những tài xế đi xe SH, Exciter, Airblade,… không mặc đồng phục. Giá tất nhiên cao hơn, từ 30 – 40%, thậm chí lên đến 50% nhưng người dùng vẫn rất nhiều. Chứng tỏ nhu cầu của thị trường là có.

Sáng tạo nhiều khi là cái mình được nghe lại, chứ không phải do thông minh hay như thế nào, đó phải là văn hoá… chứ không phải là thứ tự dưng một ngày được “đẻ”, nghe thì hay nhưng không làm được, ý tưởng nhiều nhưng không biến thành hiện thực thì cũng vô dụng. Và văn hoá là làm sao mọi người đều được quyền nghĩ ra ý tưởng, được áp dụng, được chấp nhận khi thất bại.

Ý tưởng về GrabBike Premium rất hay, công ty liệu có định mở rộng ra Hà Nội không?

Trong tháng 4 này sẽ có.

Nói thêm về câu chuyện của Grab ở Đà Nẵng, anh có chia sẻ gì về việc này?

Grab vẫn sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền. Có những hiểu lầm, có những ý kiến khác nhau nhưng Grab tin là khách hàng có quyền được lựa chọn, nếu giá cao, phục vụ kém thì sẽ bị thị trường đào thải, không cần ai can thiệp cả. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực làm việc và chia sẻ với chính quyền các ví dụ đã làm với các thành phố khác.

Với vấn đề thuế, công ty Grab Việt Nam khẳng định là đóng thuế đầy đủ. Chúng tôi được Chi cục Thuế quận 10 tuyên dương về nghĩa vụ thuế.

Còn việc Grab gây tắc đường kẹt xe, tôi cho rằng khi khách đang có nhu cầu, không chúng tôi thì là người khác. Sắp tới, nhờ vào công nghệ, chúng tôi có giải pháp chia sẻ xe với người lạ, giá xe sẽ rẻ hơn rất nhiều, lượng xe cũng nhờ thế giảm hơn. Trong vài tháng tới, chúng tôi có thể cho ra mắt ứng dụng này. Còn hiện tại chúng tôi đang tiếp tục làm việc với Đà Nẵng và hi vọng nhận được những tín hiệu tích cực.

Giữa GrabBike và xe ôm truyền thống có mâu thuẫn khá gay gắt, Grab định giải quyết vấn đề này như thế nào?

Lượng xe ôm truyền thống chính là lực lượng tham gia GrabBike. Thật ra không phải ai cũng ghét bên chúng tôi đâu. Có những người thấy tham gia vào Grab thì ổn định lượng khách hơn, nhưng làm việc ở Grab thì sẽ khổ hơn, mười mấy chuyến/ngày còn ngồi ở bến thì nhàn hơn, 1 – 2 chuyến thôi nhưng lấy giá đắt hơn.

Thực tế, chúng tôi luôn muốn làm việc với các xe ôm truyền thống để giải quyết mâu thuẫn. Nhưng có một chuyện là chúng tôi không chấp nhận bạo lực. Nếu bạo lực xảy ra, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền để bảo vệ tài xế và khách hàng của mình.

Nói thì các bạn hơi ngạc nhiên nhưng làm việc với chính quyền Việt Nam khá đơn giản. Bộ Giao thông Vận tải rất tiến bộ, bên Grab đã có giấy phép hoạt động thí điểm… Tất nhiên, thay đổi một ngành công nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn mâu thuẫn, nhưng đó không phải là khó khăn nhất. Trở ngại lớn nhất là chính bản thân mình, làm sao để mình của hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, con người luôn phải thay đổi!

CEO Grab Việt Nam - Nguyễn Tuấn Anh

CEO Grab Việt Nam: "Đà Nẵng sợ Grab làm kẹt xe là lý do không thuyết phục"

Đức Minh (ghi)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên