MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Simexco Đắk Lắk: Việt Nam có thể xuất khẩu 10 tỷ USD cà phê trong 10 năm tới

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk nhận định, với vị trí thuận lợi về logistic, là trung tâm cửa ngõ của châu Á, dư địa ngành nông sản hay cà phê của Việt Nam còn rất lớn và kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 10 tỷ USD trong 10 năm tới.

Vốn sinh ra ở Đắk Lắk, gắn bó với miền đất nổi tiếng của cây cà phê, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk đã "dấn thân" vào ngành cà phê khi nhìn thấy độ "hot" của ngành này sau khi tốt nghiệp ngành kế toán, kiểm toán và marketing.

"Trong các ngành của nông nghiệp, cà phê là một thị trường giao dịch hết sức linh hoạt và sôi động, gắn chặt tài chính toàn, cầu đòi hỏi sự chuyên nghiệp để tồn tại", ông Huy chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn.

Là một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, Simexco Đắk Lắk đã nhìn thấy những khoảng hở trong ngành và ông tâm huyết chuyên nghiệp hóa ngành cà phê tại Đắk Lắk.

Ông Huy cho biết, thành lập năm 1993, từ việc đi bán hàng cho các đại lý cà phê ở TP.HCM, nay Simexco Đắk Lắk đã xây dựng được một mạng lưới thu mua trực tiếp từ các nông trại, kiểm soát chất lượng tại những vùng trồng cà phê trọng điểm, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê hiện đại và xuất khẩu trực tiếp cho các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

CEO Simexco Đắk Lắk: Việt Nam có thể xuất khẩu 10 tỷ USD cà phê trong 10 năm tới - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk - một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với bề dày 30 năm kinh doanh xuất khẩu cà phê và luôn đứng top đầu cả nước về xuất khẩu cà phê, Simexco Đắk Lắk đã có những chiến lược gì để đạt được thành quả và vị thế như hiện nay?

CEO Lê Đức Huy: Trong thời kì thành lập công ty, nền kinh tế Việt Nam chưa mở cửa, còn bị cấm vận nên gần như Simexco Đắk Lắk không có thị trường. Bên cạnh đó, ngành hàng cà phê cần kinh doanh xuất khẩu nên cần vốn rất là lớn, rủi ro biến động giá cao mà tỉ suất lợi nhuận lại thấp, thị trường cũng rất khó khăn. Vùng nguyên liệu cà phê ở Việt Nam chiếm diện tích trên đầu người rất nhỏ lẻ (dưới 1 ha/người), nên việc kiểm soát được chất lượng hay nâng cao chất lượng vô cùng khó khăn.

Nói chung gần như ngành cà phê thời điểm đó rất thô sơ so với các ngành hàng khác.

Tuy nhiên công ty luôn nhận thức rằng, chúng ta phải hiểu được nhu cầu của thị trường để chúng ta phát triển sản phẩm cùa mình. Tức là, chúng tôi xác định rõ cà phê Việt Nam sẽ là cà phê Robusta và vị thế của Robusta sẽ tăng lên vị thế đứng thứ nhất thế giới. Do đó, chất lượng cà phê phải cao, ổn định nhất thế giới.

Thứ nhất, trong quá trình sản xuất, công ty đã xác định việc tăng chất lượng là phải từ người nông dân nên làm trực tiếp với nông dân, dùng từ đúng là câu "lấy dân làm gốc". Sau khi làm việc với người nông dân thì hiện nay chúng tôi đã xây dựng được hệ thống 40.000 người nông dân.

Thứ hai, chúng tôi cũng đầu tư vào các thiết bị chế biến hiện đại nhất thị trường để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho nhà rang xay thế giới.

Hơn nữa, trong thế kỷ 21, yêu cầu về phát triển bền vững, cân bằng giữa yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường sẽ là một thách thức lớn mới đối với tất cả những cá nhân và tổ chức. Thế nhưng, chúng tôi không nghĩ đó là thách thức mà đó là trách nhiệm.

Trong 15 năm qua, khi làm việc với người nông dân, chúng tôi luôn nghĩ là phải làm những bộ tiêu chí đáp ứng được vấn đề đảm bảo bảo vệ môi trường, chẳng hạn như hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chất hoá học, trồng cây che bóng, tiết kiệm lượng phân bón, lượng tưới nước, giảm khí thải...

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, công ty đạt vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu 6.481 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 242,87 triệu USD. Công ty đặt kế hoạch 5 năm tới phấn đấu doanh thu đạt 10.000 tỷ/năm. Đây là con số doanh thu kỷ lục của công ty kể từ khi thành lập. Vậy, Simexco Đắk Lắk đang làm gì và có kế hoạch thế nào trong hành trình đi đến mục tiêu này?

CEO Lê Đức Huy: Với dư địa của Đắk Lắk, Tây Nguyên và với vị trí của Việt Nam rất thuận lợi về logistic, là trung tâm cửa ngõ của châu Á đối với thế giới, thì ngành nông sản hay cà phê vẫn còn dư địa phát triển rất lớn và kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 10 tỷ USD trong 10 năm tới.

Chúng tôi nghĩ rằng Simexco phải chuyển đổi nhanh hơn nữa, vận động nhanh hơn nữa để đáp ứng được xu thế đó.

"Ngành hàng cà phê Việt Nam còn hạn chế, làm truyền thông, tiếp thị còn yếu. Trong các gian hàng hội chợ triển lãm quốc tế, đa số chỉ thấy thương hiệu từ các quốc gia sản xuất cà phê như Indonesia, Ấn Độ, Myanma, Lào..."

CEO Lê Đức Huy


Hiện nay, công ty vẫn chủ yếu tập trung vào việc chế biến cà phê nhân với cà phê chưa rang cho các Tập đoàn rang xay trên thế giới, tuy nhiên để nâng cao giá trị, ngoài những gì chúng tôi đang làm với cà phê nhân thì việc phải đầu tư vào nhà máy chế biến rang xay và hoà tan cũng đã được sự chấp thuận của chủ sở hữu và chúng tôi cũng đang tiến hành. Trong 5 năm tới, công ty sẽ đưa vào sử dụng hệ thống nhà máy rang xay và hoà tan, và tăng 30% năng suất quy mô chế biến cà phê nhân.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở rộng trong mảng kinh doanh về kho vận, các khu công nghiệp, logistic. Hiện tại, chúng tôi đang liên kết với 40.000 người nông dân, sắp tới là 80.000 nông dân, chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ cung ứng, cánh đồng mẫu lớn, dịch vụ hậu cần cho bà con nông dân để giúp hiệu suất ngành hàng được tiết kiệm hơn và linh hoạt hơn, ứng phó tốt hơn trong những công cuộc chuyển đổi số cũng như chuyển đổi xanh.

Đặc biệt, công ty cũng đang triển khai mảng du lịch để kéo nhiều du khách đến với chúng tôi, hiểu được văn hoá Tây Nguyên, cảnh đẹp và cảnh sắc của con người Tây Nguyên.

CEO Simexco Đắk Lắk: Việt Nam có thể xuất khẩu 10 tỷ USD cà phê trong 10 năm tới - Ảnh 3.

Thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 25% sản lượng xuất khẩu của Simexco Đắk Lắk. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Là một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu, tới hơn 100 quốc gia, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc tìm hiểu thị hiếu và chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới.

CEO Lê Đức Huy: Hiện nay, ngành hàng cà phê Việt Nam còn hạn chế là chúng ta làm truyền thông, tiếp thị còn yếu. Trong các gian hàng hội chợ triển lãm quốc tế, đa số chỉ thấy thương hiệu từ các quốc gia sản xuất cà phê như Indonesia, Ấn Độ, Myanma, Lào... Việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn là nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp, sắp tới tôi mong nhìn thấy nỗ lực hơn nữa từ các hiệp hội ngành hàng.

Simexco luôn xác định phải xuất khẩu hoặc bán những gì mà khách hàng cần. Nếu như trước đây, chúng tôi chỉ bán qua các văn phòng đại diện ở TP.HCM, 13 năm nay chúng tôi đi gõ cửa trực tiếp các nhà rang xay để chào hàng với tâm huyết đa dạng hoá được các sản phẩm của Robusta. Công ty đã thuyết phục được họ chuyển từ sử dụng Robusta của nước khác sang sử dụng cà phê Việt Nam bằng cách chứng minh chất lượng và sự ổn định của cà phê Robusta Việt Nam.

Ví dụ như thị trường Nhật, trước đây cà phê Việt Nam chỉ chiếm 20% tổng sản lượng sử dụng Robusta của họ nhưng hiện nay con số này đã tăng lên trên 70%, chuyển dịch chỉ trong vòng 7 năm.

Đối với Simexco Đắk Lắk, khách hàng lớn nhất hiện nay là Nhật Bản, chiếm khoảng 25% sản lượng xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường châu Âu chiếm 30%.

Ngay sau khi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố thông tin El Nino xuất hiện, cà phê là mặt hàng phản ứng nhanh và mạnh nhất, vượt mọi kỷ lục về giá cả trong nước và thế giới. Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, ông dự báo giá cà phê sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới và công ty ứng phó ra sao với thời tiết cực đoan này?

CEO Lê Đức Huy: Nếu thực sự như dự báo thì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung nên khả năng giá sẽ quyết định bởi cung cầu. Và nếu thời tiết của các nước sản xuất như Brazil, Việt Nam ảnh hưởng bởi El Nino trong thời gian 6 tháng cuối năm sẽ dẫn tới tình trạng cung không đủ cầu.

Tuy nhiên, mức giá 70.000 đồng/kg như hiện nay đang là vùng giá cao. Mức giá này khá cao so với mức chịu đựng của nhà rang xay, dẫn tới họ sẽ chuyển một số vùng nước khác để thay thế nguồn hàng, hoặc chuyển các dòng sản phẩm khác có chất lượng thấp hơn nên khả năng giá cà phê thời gian tới có thể sẽ được điều chỉnh.

Bản thân Simexco Đắk Lắk, sau thành công của năm 2022, chúng tôi nhận thấy tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 đang chuyển biến hết sức phức tạp và chúng tôi đặt kế hoạch xuất khẩu khoảng 110.000 tấn. Tuy nhiên cũng may mắn rằng sau 9 tháng, từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023, công ty đã hoàn thành được kế hoạch đề ra và có thể đạt 125.000 tấn. Năm 2023 cũng sẽ tiếp tục là năm thành công nhất trong 30 năm thành lập công ty.

6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vượt mốc 2 tỷ USD. Với xu hướng tăng giá cà phê như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có được hưởng lợi không?

Ông Lê Đức Huy: Tôi nghĩ năm nay con số xuất khẩu 4 tỷ USD khó có thể đạt được, bởi sản lượng hiện nay đang bị giảm khoảng 15%. Mặc dù giá neo cao, nhưng sản lượng bị hụt do không còn hàng, nên khả năng năm nay xuất khẩu cà phê có thể chỉ đạt 3,7-3,8 tỷ.

Với doanh nghiệp xuất khẩu, khi mua cà phê của người nông dân cũng bán đi ngay, không có chuyện đầu cơ. Giá cao đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất cao hơn, nhà xuất khẩu cũng phải làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. Những năm trước thì chi phí tài chính chỉ khoảng 5-6 tỷ, năm nay có những tháng phải trả chi phí lên đến 13-14 tỷ, gấp 2,5 lần so với những năm trước. Do đó, kể cả giá cao kỷ lục như hiện nay, các nhà xuất khẩu cũng không được hưởng lợi nhiều.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Simexco Đắk Lắk còn hợp tác như thế nào với các HTX, nông dân trồng cà phê tại Đắk Lắk, hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận hướng canh tác bền vững?

Ông Lê Đức Huy: Việc phát triển bền vững là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức. Thế kỉ 20, con người đã lấy quá nhiều từ môi trường, sự công bằng xã hội để đổi lấy kinh tế thì đương nhiên muốn ổn định phải trả lại sự cân bằng đó. Đây là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trước sau gì cũng phải làm, nếu không làm thì sẽ không tồn tại được.

Do đó, từ sớm, chúng tôi đã phát triển bộ tiêu chí trong nội bộ doanh nghiệp về phát triển bền vững. Luôn luôn đảm bảo được cái yếu tố là trả lại sự cân bằng cho vùng nguyên liệu, để cây cà phê khoẻ hơn, chất lượng đầu ra tốt hơn, sản lượng ổn định hơn và ngược lại cũng sẽ có lợi cho doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Quân Trần

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên