MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO VIB Hàn Ngọc Vũ: “Nới room tín dụng là cơ hội để ngân hàng khai thác tốt hơn tiềm năng của mình”

08-09-2017 - 09:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện để VIB đóng góp nhiều hơn cho xã hội, thông qua việc cấp tín dụng cho các nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp và nhân dân.

Ngân hàng TMPCP Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán VIB) vừa được NHNN chấp thuận nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Việc nới room này diễn ra trong bối cảnh nửa đầu năm 2017, VIB đã tăng trưởng tín dụng gần 16% - gần như hết room mà NHNN giao cho, đồng thời Chính phủ cũng vừa yêu cầu ngành ngân hàng nỗ lực để tín dụng cả năm tăng trưởng khoảng 21-22% - vượt xa so với kế hoạch 18% mà NHNN đưa ra đầu năm.

Xoay quanh câu chuyện về nới room tín dụng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB.

Thưa ông, VIB vừa được NHNN chấp thuận nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Việc nới chỉ tiêu này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động ngân hàng?

Ông Hàn Ngọc Vũ: Căn cứ năng lực nguồn vốn và khả năng quản trị hệ thống, đầu năm 2017, HĐQT ngân hàng chúng tôi đã đề ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho VIB ở mức từ 25% tới 32%. Trên thực tế, VIB đã tăng trưởng tín dụng ở mức 25% trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, với các tỉ lệ an toàn và tỉ lệ nợ quá hạn luôn duy trì ở mức tốt, nên việc tiếp tục duy trì tăng trưởng như mức HĐQT đề ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, sau đó NHNN chỉ phê duyệt mức 16%.

Việc NHNN chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho VIB hẳn nhiên có ý nghĩa tích cực cho VIB trong việc:

Thứ nhất, khai thác tốt hơn tiềm năng tăng trưởng và quản trị rủi ro mà VIB đã đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua. Với quy mô vốn chủ sở hữu 9.000 tỉ trong khi dư nợ cuối 2016 mới chỉ trên 70.000 tỉ thì việc tăng trưởng 25-32% trong vài ba năm tới vẫn khá an toàn cho VIB.

Thứ hai, việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện để VIB đóng góp nhiều hơn cho xã hội, thông qua việc cấp tín dụng cho các nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp và nhân dân.

Thứ ba và cũng rất quan trọng đó là việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã tạo ra cơ hội cho VIB đóng góp nhiều hơn cho việc thực hiện định hướng của Chính phủ trong việc thực hiện tăng trưởng tín dụng 21%-22% nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung?

Theo nhận định của chúng tôi, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất nhiều dư địa. Việc Việt Nam là quốc gia dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á trong 8 tháng đầu năm về hấp dẫn dòng vốn FDI, và sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong nước hiện nay, tạo thêm sự tự tin cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển các dự án kinh doanh mới, mạnh dạn gọi thêm vốn mới và vay thêm tín dụng mới để có thêm đòn bẩy tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Điều đáng lưu tâm nữa là tốc độ tăng trưởng nhanh về thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam cũng tạo ra một thị trường tiêu dùng lớn hơn, tạo năng lực vay nợ trả nợ cao hơn của người tiêu dùng, và cũng tạo ra sự hấp dẫn hơn đối với các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng trong mảng ngân hàng bán lẻ.

Việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong những tháng cuối năm có khiến lãi suất cho vay về mặt bằng thấp hơn không, thưa ông?

Nói về quy luật chung thì giá giảm cầu sẽ tăng, nên nếu hạ lãi suất xuống mức thấp hơn thì sẽ đẩy được tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn. Tuy nhiên, tín dụng lãi suất quá thấp sẽ khuyến khích các nhu cầu vay tín dụng cho kinh doanh đầu cơ hoặc kinh doanh các dự án hiệu quả thấp. Tôi cho rằng, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay hoặc thấp hơn một chút là phù hợp và đã đủ để đẩy mạnh tín dụng cho những hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hoặc tiêu dùng lành mạnh trong những tháng cuối năm.

Ông có thể đánh giá chi tiết hơn về bối cảnh kinh tế hiện tại và cơ hội tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm nay?

Về bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án có hiệu quả cho kinh tế xã hội thì chi phí vốn lưu động hiện nay là hợp lý.

Đối với các dự án cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư dài hạn, theo tôi, doanh nghiệp nên tìm thêm nguồn vốn trên thị trường vốn thay vì chỉ có nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại. Duy trì hệ số đòn bẩy hợp lý thông qua quản trị tỉ lệ giữa nguồn vốn chủ sở hữu có được với nguồn vốn tín dụng sẽ giúp cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, và giúp cho tín dụng giữ vững đà tăng trưởng một cách an toàn.

Với người dân nói chung, mức lãi suất hiện nay là khá hấp dẫn. Mức lãi suất hiện nay cũng giúp các ngân hàng duy trì tốt hơn sự hấp dẫn với nguồn tiền gửi ổn định để phục vụ cho tăng trưởng tín dụng trong một cấu trúc vốn an toàn.

Còn một điều đáng nói nữa, tôi cho rằng việc cung cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các nhu cầu tiêu dùng chính đáng của nhân dân như mua nhà để ở, mua xe để đi, hay tiêu dùng thiết yếu nên được xem trọng, vì tăng trưởng tiêu dùng chính là động lực cho việc tăng trưởng sản xuất kinh doanh.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên