Cetia - Tái chế rác thải thời trang từ công nghệ AI
Một dự án của Pháp mang tên Cetia đã sử dụng máy móc trí tuệ nhân tạo để phân loại rác thải quần áo, giày dép, mở ra triển vọng mới cho ngành tái chế rác thải thời trang.
- 24-09-2023Cách sử dụng tính năng Personal Voice để tạo "Giọng nói điện tử" của chính bạn trong iOS 17
- 24-09-2023Nhận tài liệu lạ, mở ra liền mất nhiều tài khoản quan trọng, tiền trong ngân hàng cũng “bay màu”
- 24-09-2023Những quốc gia có nhiều camera giám sát nhất thế giới
Từ tháng 1/2025, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên phải tách hàng dệt may khỏi các loại rác thải khác. Điều này đang đặt các nước thành viên EU và các nhà sản xuất thời trang trước thách thức lớn, trong bối cảnh toàn khối chỉ có khoảng 1-3% rác thải thời trang được tái chế. Cetia - một dự án của Pháp đã sử dụng máy móc trí tuệ nhân tạo để phân loại rác thải quần áo, giày dép, mở ra triển vọng mới cho ngành tái chế rác thải thời trang.
Ra mắt tại Hendaye ở Tây Nam nước Pháp, Cetia là nền tảng đầu tiên trên thế giới có thể tự động tháo đế giày và thân giày để thực hiện việc tái chế. Trên dây chuyền đầy quần áo cũ kỹ bỏ đi, chiếc máy này còn có thể phân loại khá chính xác vật liệu của từng chiếc áo cho dù đó là 80% cotton, 20% polyester hay 50/50.
Nhờ sử dụng 1 cảm biến hồng ngoại, cỗ máy có thể phân loại quần áo theo màu sắc. Quần áo được phân loại sẽ đi qua 1 máy khác để tách các vật cứng trên đó (khóa kéo hay khuy áo) trước khi di chuyển tới khu vực tái chế lại thành nguyên liệu thô. Một cỗ máy hỗ trợ sử dụng trí tuệ nhân tạo khác có thể phân biệt túi với cổ áo hoặc tay áo với đáy quần. Thiết bị tiên tiến này có giá gần 2 triệu euro.
Theo bà Véronique Allaire-Spitzer, Giám đốc bộ phận tái sinh của Tổ chức sinh thái Refashion, dự án này là rất cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều tổ chức môi trường mong muốn tái chế rác thải thời trang. “Cho đến khi chúng tôi có giải pháp này, ở Pháp chưa có ngành tái chế dệt may. Quần áo và giày dép rất khó tháo dỡ và phân loại, trước nay thường được xử lý ở dạng nhựa đường hay một số tấm lợp mái nhà. Tuy nhiên ngày nay, các nhà công nghiệp thời trang muốn điều này thay đổi, họ muốn rác thải thời trang phải được tái chế để trở thành nguyên liệu trở lại cho ngành thời trang”, bà Véronique Allaire-Spitzer cho hay.
Theo giám đốc dự án Cetia, nếu tính theo bài toán kinh tế, việc tái chế rác thải từ quần áo, giầy dép tốn kém hơn nhiều so với việc sản xuất mới. Tuy nhiên, trước thách thức về môi trường hiện nay, Cetia đang tính tới những bước đi tương lai bằng việc hợp tác với các hãng sản xuất thời trang, trong đó có thương hiệu thời trang thể thao nổi tiếng Decathlon.
Ủng hộ kế hoạch này, tổ chức dệt may tuần hoàn của Pháp đang có kế hoạch rót 900.000 euro để tài trợ cho các dự án của Cetia. Vùng Nouvelle-Aquitaine của Pháp - nơi Cetia đặt trụ sở cũng đang đóng góp gần 1 triệu euro với mong muốn loại bỏ rác thải thời trang ra môi trường vào năm 2030.
VOV