Cha mẹ nên làm gì khi con nghiện game?
Tình trạng nghiện game online trong giới trẻ đang ngày càng phổ biến, nhất là vào mùa hè khi trẻ không phải đến trường. Hậu quả của chứng bệnh này rất lớn, ngoài ảnh hưởng đến kết quả học tập, trẻ nghiện game có thể mắc các vấn đề về thị lực và cơ xương khớp như: khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do phải ngồi quá lâu ở một tư thế.
- 14-05-2024Có bạn trai '10 điểm', cô gái trẻ vẫn ‘đau đầu’: Không biết có nên cưới vì em trai của người yêu là ‘báo thủ’ nghiện game, lười làm
- 21-09-2023Nghiện game, tiến sĩ lương nghìn USD mất trắng sự nghiệp, nhập viện tâm thần
- 30-06-2023Người mẹ gây tranh cãi vì đưa con gái đi phẫu thuật thẩm mỹ để ‘cai nghiện’ game
Bác sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa (Bệnh viện ĐH Y) cho biết: Nghiện game online hay nghiện game nói chung là một bệnh lý về rối loạn hành vi. Hiện, nghiện game đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là bệnh và xếp vào danh mục bệnh cần điều trị của chuyên khoa tâm thần.
Đối với câu hỏi làm sao phân biệt ranh giới giữa “sở thích” và “nghiện”, giữa “hoạt động giải trí” và “một loại bệnh” khi trẻ chơi game, bác sĩ Hoa giải thích: “Chơi giải trí là chơi có kiểm soát, dành thời gian vừa đủ để chơi và biết kiểm soát hành vi. Còn nghiện game có những biểu hiện sau: Thứ nhất, chơi một cách quá mức, không biết gì khác ngoài game; thứ hai là độ dung nạp càng ngày càng tăng, thời gian chơi có thể từ 12 đến 20 tiếng/ ngày, không có thời gian để ngủ; thứ ba là nghiện hành vi, biết hại nhưng vẫn chơi, gây ra những rối loạn về mặt tâm thần, có thể xuất hiện những triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, buồn chán, không có hứng thú gì khác ngoài chơi game, thậm chí có những ảo giác, hoang tưởng, dẫn đến gây ra những hành vi nguy hiểm”.
Bác sĩ Hoa cũng nói thêm, nghiện game nếu không được điều trị sớm mà để kéo dài sẽ khiến người bệnh khó hồi phục. Ngoài ra, chơi game nhiều còn ảnh hưởng tới thị lực, tới cột sống, nhất là dinh dưỡng. Người nghiện game hay bị rối loạn giấc ngủ, gầy sút cân rất nhanh, thậm chí không quan tâm tới vệ sinh cá nhân, hình thức bên ngoài. Chưa kể hiện nay có nhiều loại hình game nguy hiểm như game cờ bạc, game sex… nếu chơi lâu sẽ làm méo mó toàn bộ nhân sinh quan và tâm sinh lý của trẻ. Về mặt xã hội, trẻ nghiện game thường ít tham gia vào hoạt động xã hội, hạn chế giao tiếp với người xung quanh, lâu dần dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Thậm chí, để có tiền chơi game, một số trẻ còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản của người khác.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 70-80% số trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online , trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10-15%. Nghiên cứu cho thấy ở những người nghiện game, nồng độ serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng - sẽ bị sụt giảm đáng kể. Sự sụt giảm này tương tự như ở những người mắc bệnh trầm cảm, dẫn đến các triệu chứng như: lo âu, buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động khác.
Bác sĩ Hoa cảnh báo nghiện game không khó để phòng tránh. Tuy nhiên, khi trẻ đã nghiện thì mất rất nhiều thời gian và công sức để giáo dục tâm lý và hành vi. Vì vậy, phụ huynh nên có những can thiệp kịp thời cũng như chủ động phòng ngừa việc trẻ nghiện game online.
Trước hết, theo bác sĩ Hoa, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu được những tác hại của nghiện game , hỗ trợ trẻ điều chỉnh hành vi ngay từ khi có dấu hiệu nghiện chơi game. Tuy nhiên, phụ huynh không nên cấm cản trẻ, bởi vì càng cấm trẻ lại càng muốn khám phá nhiều hơn, khao khát được chơi game hơn. Do đó, điều quan trọng nhất là giúp trẻ hiểu được những tác hại của nghiện game, đồng thời điều chỉnh hành vi ngay từ khi trẻ có dấu hiệu ham chơi game.
Việc theo sát những hoạt động hằng ngày của trẻ cũng như có sự quan tâm kịp thời của bố mẹ là vô cùng cần thiết. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều bậc phụ huynh đôi khi quá bận rộn mà không nhận ra rằng chính sự thiếu quan tâm dành cho trẻ đã khiến trẻ dành thời gian vào game, hoặc khi trẻ đã có dấu hiệu nghiện game rồi mà không hề hay được giúp đỡ.
Song song đó, các gia đình cần tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ bằng cách tham gia các trò chơi vận động ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như: bơi lội, đá bóng, chạy bộ… Từ đó, các gia đình hạn chế thời gian chơi game và giúp trẻ quên dần cảm giác thích thú với game.
Tiền Phong