MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặn bốn nguy cơ “tham nhũng quyền lực”

18-06-2018 - 10:59 AM | Xã hội

Cho rằng việc xây dựng bộ máy, chính sách, công tác cán bộ và quản lý tài sản công là bốn lĩnh vực có nguy cơ “tham nhũng quyền lực”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị phải minh bạch hóa vào trong luật để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.

Dùng quyền lực xây dựng bộ máy

Vừa qua dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đã thu hẹp lại đối tượng người thân nằm trong diện phải kê khai tài sản, từ phạm vi rất rộng, bây giờ chỉ còn lại vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này tạo ra kẽ hở và sẽ bất lực khi tài sản được tẩu tán cho người thân?

Vấn đề cốt tử trong chống tham nhũng là hàng rào pháp lý về tài chính, ngân sách và quản lý tài sản công. Nếu những điều này được quản lý chặt chẽ thì cho dù mở rộng hay thu hẹp giới hạn kê khai tàn sản cũng không quan trọng. Chính vì hàng rào pháp lý về tài chính, ngân sách, về quản lý tài sản công chưa chi tiết, chưa đủ sức phòng ngừa nên chúng ta mới kỳ vọng vào việc ngăn chặn trong dự luật này.

Từ đó mới hình thành hai loại ý kiến, một cho rằng cần mở rộng, vì thực tế đã xuất hiện tình trạng tẩu tán tài sản, vì thế đối tượng có khả năng tẩu tán tài sản buộc phải kê khai. Nhưng nếu như không ngăn chặn các quy định của pháp luật về quản lý tài sản, tài chính, khi mở rộng đối tượng, họ lại có cách đối phó khác.

Và ngược lại, thu hẹp lại cũng có lý lẽ, vì những tài sản thông qua con đường thừa kế từ người thân, từ trong xã hội mà chính đáng thì buộc người ta kê khai cũng không ổn. Hai ý kiến này đều có những lý lẽ khác nhau. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là phải rà soát lại các quy định của hệ thống pháp luật, đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn từ xa. Đó mới là cái gốc rễ của vấn đề, và như vậy sẽ không lo tẩu tán tài sản nữa, vì nó đã được phòng ngừa, ngăn chặn từ trước rồi.

Chặn bốn nguy cơ “tham nhũng quyền lực”  - Ảnh 1.
ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: Như Ý.

Cho ý kiến về dự án này, vì sao ông lại đề xuất việc quy định vấn đề “tham nhũng quyền lực” vào trong luật?

Qua thực tiễn cho thấy bốn lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Một là trong việc xây dựng bộ máy. Chẳng hạn, nếu anh là người chủ trì soạn thảo thì sẽ có khuynh hướng ôm đồm quyền lực vào mình. Rồi tính cục bộ, bản vị của ngành mình, địa phương mình nên khi xây dựng bộ máy, anh muốn được trao cho mình thật nhiều quyền.

Đó là một dạng tham nhũng quyền lực. Cho nên bằng quy định của Luật Phòng chống tham nhũng phải ngăn ngừa. Việc xây dựng tổ chức nhà nước phải khách quan, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn chứ không phải từ ý chí chủ quan để xây dựng khung sườn số lượng chức năng nhiệm vụ quyền hạn.

Vấn đề thứ hai, đó là việc xây dựng chính sách cũng rất dễ bị lạm dụng, chi phối bởi lợi lộc từ nguồn vốn của nhà nước, để tác động theo ý muốn của anh cho vùng này, địa phương kia, rồi người ta sẽ “lại quả” cho anh. Đó là một xu hướng lợi dụng chính sách.

Kế đến là trong công tác cán bộ, hiện quá nhiều vấn đề dư luận bức xúc, đó là lợi dụng chức vụ quyền hạn đưa người thân, người có tiền vào bộ máy, dẫn đến người tài hết cửa. Rồi trong tổ chức biên chế, đôi khi công việc chỉ đòi hỏi một số lượng nhất định, nhưng anh lại dùng quyền lực đề xuất xây dựng bộ máy với một số lượng cán bộ công chức lớn hơn quy định, để đưa người nhà người thân vào, để có “đất” mua bán, trao đổi. Đây là một xu hướng mà xã hội đã cảnh báo rất nhiều.

Cuối cùng là lĩnh vực quản lý tài sản công, khi được nắm giữ tài sản, anh có xu hướng sử dụng nó không đúng mục đích, sử dụng việc riêng theo hướng có lợi cho anh. Đó là bốn lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng, cho nên phải đưa vào luật một cách minh bạch.

Trong khi đó dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng lại quy định rất tản mạn, còn rất bề bộn. Quy định hàng rào pháp lý để ngăn ngừa cấm đoán chưa đạt, cho nên tôi mới đề xuất bốn lĩnh vực như vậy, với một nhóm quy phạm phòng ngừa và một nhóm quy phạm ngăn cấm.

Không phải “phép thần” diệt trừ tham nhũng

Nói về Luật Phòng chống tham nhũng, có người cho rằng phải làm sao để có thể “diệt trừ” được tham nhũng như diệt trừ sâu mọt. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng đừng quá kỳ vọng, vì luật này cũng chỉ mang tính phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Cá nhân ông thiên về hướng diệt trừ, hay phòng ngừa tham nhũng?

Phải nhìn nhận rằng, luật này không phải “phép thần” để diệt trừ tham nhũng, nó lại càng không phải công cụ để trừng trị tham nhũng. Sứ mệnh của nó chỉ để phòng ngừa, ngăn chặn, còn trừng trị tội phạm tham nhũng đã có Bộ luật Hình sự rồi. Và như vậy phải đưa ra quy tắc xử sự để đảm bảo tính liêm chính của cán bộ, đó là giải pháp về giáo dục thuyết phục. Thứ nữa là đưa ra giới hạn để cấm đoán những hành vi mà cán bộ công chức không

được làm.

Cho nên tôi có đưa ra hình mẫu của “Từ thụ yếu quy”, quyển sách có giá trị vượt thời gian, tổng kết rất sâu sắc những quy định điển hình nhất của thời đại, đưa ra những quy tắc xử sự cho quan lại thời xưa. Ở đó có mấy nhóm quy định, một quy định cho tất cả công dân (xưa gọi là thần dân) để răn dạy đức liêm chính, từ việc không vụ lợi, ứng xử cho đúng đạo, đúng nghĩa đến tiết chế lòng tham. Cùng với đó là quy định đạo đức của người làm quan lại. Ở đó răn dạy những điều phải gương mẫu liêm chính, biết tôn trọng nhà nước, nhân dân.

Đặc biệt, có 104 nhóm quy định để ngăn chặn hành vi tham nhũng là cấm không được nhận quà trong 104 tình huống, và có 5 điều quy định có thể được nhận quà trong trường hợp liên quan đến nhân nghĩa, hiếu hạnh của con người, phù hợp với truyền thống người Việt. Ví dụ như học trò được thầy tiến cử, thăng quan, bổ nhiệm thì tạ ơn thầy, hay một người đã giải quyết xong một vụ việc cho người khác, khi đó quan hệ chi phối không còn nữa thì người ta đến cảm ơn.

Nhưng đó là những cái “có thể” chứ không phải “được”, tùy theo giá trị món quà cũng như tình huống quan hệ. Điều này giống như quy định về nhận quà của nhiều nước trên thế giới. Có nhiều nước quy định, anh chỉ được phép nhận món quà với giá trị dưới 200 đô la, còn trên 200 đô la, anh phải sung công quỹ, muốn nhận quà đó anh phải bỏ tiền ra mua, nộp thuế đầy đủ.

Nếu minh bạch được những vấn đề đó vào trong luật, theo ông tình trạng tham nhũng quyền lực kiểu “nâng đỡ không trong sáng”, hay “cả họ làm quan” như thời gian qua có được ngăn chặn không?

Nếu chúng ta chế định bằng những điều pháp luật ngăn cấm thì hạn chế được rất nhiều. Ví dụ: Một người được bổ nhiệm làm cấp trưởng ở một đơn vị mới mà vợ hay con người đó đang làm kế toán trưởng, hoặc đứng đầu về tổ chức nhân sự thì lập tức người đó phải chuyển đi chỗ khác. Đó chính là sự ngăn ngừa.

Rồi công tác thi tuyển minh bạch, chế độ tiến cử và chịu trách nhiệm cần phải được đề cao. Để quan chức không muốn, không dám, không thể tham nhũng, nếu làm tốt khâu thi tuyển, thì người thực đức thực tài, cho dù là con ông cháu cha vẫn đường hoàng làm quan được, vì đã có sự minh bạch rồi.

Cảm ơn ông!

"Trong công tác cán bộ, hiện quá nhiều vấn đề dư luận bức xúc, đó là lợi dụng chức vụ quyền hạn đưa người thân, người có tiền vào bộ máy, dẫn đến người tài hết cửa. Rồi trong tổ chức biên chế, đôi khi công việc chỉ đòi hỏi một số lượng nhất định, nhưng anh lại dùng quyền lực đề xuất xây dựng bộ máy với một số lượng cán bộ công chức lớn hơn quy định, để có "đất" mua bán, trao đổi" .

ĐBQH Lê Thanh Vân

Việc xây dựng chính sách cũng rất dễ bị lạm dụng, chi phối bởi lợi lộc từ nguồn vốn của nhà nước, để tác động theo ý muốn của anh cho vùng này, địa phương kia, rồi người ta sẽ "lại quả" cho anh. Đó là một xu hướng lợi dụng chính sách.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên