MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặn cho vay tuần hoàn, TCTD sẽ phải từ bỏ một loạt các nghiệp vụ?

22-09-2016 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Thẻ tín dụng và thấu chi là hai ví dụ điển hình trong số những loại hình cho vay tuần hoàn.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Ngày 16/9/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn số 6960/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng dừng thực hiện việc cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn (revolver) tại tổ chức tín dụng đúng theo nội dung chỉ đạo tại công văn số 7059/NHNN-TTGSNH ngày 26/9/2014.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thu hồi toàn bộ nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng với khách hàng, không được tái tục toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay.

Lý do của việc ban hành công văn trên được cho là do việc cho vay tuần hoàn có thể khiến vùng nhận diện nợ xấu, việc phân loại tài sản và trích lập dự phòng của các ngân hàng có phần không trung thực hoặc không đầy đủ, theo các quy định mới mà Ngân hàng Nhà nước ban hành những năm gần đây, dẫn đến chất lượng tín dụng và tình hình doanh nghiệp vay vốn có thể không được phản ánh chính xác.

Quan ngại trên hoàn toàn là hợp lý nếu nhìn từ góc độ nhiều ngân hàng dùng thủ thuật cho vay đảo nợ, tức cho vay mới để trả nợ cũ, để tạo nên một hồ sơ tín dụng đẹp với tăng trưởng tín dụng cao và tỷ lệ nợ xấu thấp. Bởi thế, ngăn chặn việc dùng thủ thuật này là một điều bắt buộc phải làm đối với cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, trong trường hợp này là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Và nếu NHNN ban hành quy định cấm cho vay mới trả nợ trước hạn (tức đảo nợ) như nói ở trên thì quyết định này là hợp lý.

Tuy nhiên, quyết định cấm trên còn liên quan đến việc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn. Nói cách khác, dường như nghiệp vụ cho vay tuần hoàn đã được hiểu như một dạng thức cho vay để đảo nợ để rồi từ đó mới có lý do cần thiết chặn các ngân hàng cấp các khoản tín dụng tuần hoàn (revolving loans). Nếu đúng vậy thì cần hiểu rằng cho vay tuần hoàn về khái niệm và bản chất là khác với cho vay đảo nợ.

Về khái niệm, một khoản cho vay tuần hoàn cho phép người vay rút tiền vay và/hoặc tiêu bất cứ lúc nào có nhu cầu, trong phạm vi một hạn mức tín dụng tối đa được ngân hàng cấp cho người vay. Một khi người vay đã trả đầy đủ số tiền gốc, lãi và các loại phí phát sinh từ hình thức cho vay này thì người vay này tiếp tục được quyền tiếp tục rút/tiêu tiền trong hạn mức tín dụng như trước.

Khoản cho vay tuần hoàn rất hữu dụng với cá nhân hoặc công ty thường xuyên đối mặt với biến động lớn về số dư tiền mặt có trong tay hoặc các khoản phải chi bất thường. Vì tính tiện dụng và linh hoạt nên các khoản cho vay tuần hoàn thường có lãi suất biến động (có thể điều chỉnh được) và cao hơn so với các khoản cho vay có thời hạn cố định. Thẻ tín dụng và thấu chi là hai ví dụ điển hình trong số những loại hình cho vay tuần hoàn.

Như vậy, có thể nói rằng nếu yêu cầu các tổ chức tín dụng dừng cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn thì việc này vô hình trung cũng tương tự như việc yêu cầu các tổ chức tín dụng từ bỏ các nghiệp vụ như thẻ tín dụng và thấu chi và những nghiệp vụ tương tự, là những nghiệp vụ không thể thiếu trong hoạt động ngân hàng cả truyền thống và hiện đại, cả trong nước và quốc tế.

Về nguyên tắc, một khi khách hàng vay tiền của ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và phí phát sinh đúng thời hạn thì khách hàng vay này là khách hàng tốt (đủ điều kiện để vay tiền), và ngân hàng không có lý do gì mà không tiếp tục cho vay các khách hàng này, kể cả dưới hình thức cho vay tuần hoàn (nếu ngân hàng mong muốn tiếp tục cho vay).

Vì vậy, yêu cầu trên của NHNN sẽ là hợp lý hơn nếu nêu rõ là các tổ chức tín dụng không được phép cho người vay đang có khoản vay tuần hoàn được tái tục khoản vay đó NẾU người vay chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và phí phát sinh đúng theo hợp đồng tín dụng ký với ngân hàng tại khoản vay tuần hoàn hiện thời. Đồng thời, cũng nghiêm cấm ngân hàng tiếp tục cho vay các khoản vay mới với khách hàng đang có nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và phí liên quan đến các khoản vay hiện tại, bao gồm cả các khoản vay theo hình thức vay tuần hoàn, đã vượt quá hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp, hoặc đã quá hạn thanh toán (mục đích của việc cấm cho vay mới này là để ngăn chặn khả năng ngân hàng cho khách hàng vay để đảo nợ).

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên