Chân dung, vai trò của kế toán trưởng Công ty AIC vừa ra đầu thú
Trong vụ án “thông thầu”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Đỗ Văn Sơn bị cơ quan truy tố cáo buộc với nhiệm vụ là kế toán trưởng Công ty AIC, Sơn đã giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu của dự án, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền đặc biệt lớn.
- 24-05-2023Không chấp nhận Công ty AIC bồi thường hơn 103 tỉ đồng thay Nguyễn Thị Thanh Nhàn
- 21-05-2023Vụ Công ty AIC thông thầu: Phán quyết nào cho những lá đơn kháng cáo thay cho bị cáo đang bỏ trốn?
- 17-05-2023Cựu giám đốc bỏ trốn trong vụ Công ty AIC tiếp tục bị khởi tố vì gây thiệt hại 400 tỉ đồng
Giữ vai trò giúp sức
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/7, đại diện Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) vừa tiếp nhận Đỗ Văn Sơn (SN 1977, nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế - AIC), đối tượng truy nã trong đại án AIC đã về đầu thú. Hiện C03 tiến hành các thủ tục tố tụng và tích cực đấu tranh khai thác với Sơn để làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án.
Ngoài Đỗ Văn Sơn , 7 bị cáo khác trong đó có cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn, Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các đối tượng sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng cũng như thoát khỏi cảnh sống chui lủi, nơm nớp lo sợ và bất an.
Trong vụ án “thông thầu”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Đỗ Văn Sơn bị cơ quan truy tố cáo buộc với nhiệm vụ là kế toán trưởng Công ty AIC, Sơn đã giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu của dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 95,9 tỷ đồng.
Theo Viện kiểm sát, hành vi của Đỗ Văn Sơn vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013, có đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Song quá trình điều tra, bị cáo Sơn bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Ngày 18/8/2022, C03 Bộ Công an ra quyết định truy nã quốc tế, đồng thời, phát thư kêu gọi ra đầu thú.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2022, TAND TP Hà Nội, mở phiên xét xử sơ thẩm vắng mặt bị cáo Sơn và đồng phạm. Tại phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Sơn bản án 6 năm tù.
HĐXX cho rằng việc bị cáo Nhàn, Sơn và 6 người khác không ra đầu thú là từ bỏ quyền lợi của mình, dù luật sư chỉ định bào chữa nêu quan điểm đưa các bị cáo ra xét xử là không phù hợp, nhưng HĐXX xét thấy việc xử vắng mặt họ là cần thiết, đúng quy định của pháp luật.
Vai trò của nhóm bị cáo bỏ trốn
Liên quan đến vụ án ‘thông thầu’ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai , bản án sơ thẩm nhận định, năm 2003, với cương vị chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy) và ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), nhằm mục đích để AIC được chỉ định tham gia đấu thầu, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng bệnh viện, với tổng giá trị 665 tỷ đồng.
Bà Nhàn sau đó trực tiếp đưa hối lộ và chỉ đạo Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà nhiều lần đưa cho các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái mỗi người 14,5 tỷ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện) 14,8 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Ngọc Thu 1 tỷ đồng.
Theo HĐXX, trong vụ án, bị cáo Nhàn là người điều hành mọi hoạt động của Công ty AIC, đồng thời, chỉ đạo nhân viên “móc nối” với cán bộ thuộc sở ban ngành tại Đồng Nai thiết lập công ty “quân xanh”, “quân đỏ” để thông thầu. Ngoài ra, bà Nhàn còn chỉ đạo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc AIC) thông đồng với công ty thẩm định giá đảm bảo cho AIC đấu thầu.
Sau khi trúng thầu, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp chi tiền cho những người liên quan. Hành vi của bà Nhàn giúp AIC hưởng lợi trái phép hơn 140 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.
Trong khi đó, bị cáo Trần Mạnh Hà (đang bỏ trốn, bị truy nã cùng bà Nhàn) với cương vị Phó Tổng giám đốc, được giao phụ trách mảng thiết bị y tế trên toàn quốc của Công ty AIC đồng phạm giúp sức đắc lực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bị cáo nhiều lần cùng Nhàn, gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Đình Thành, Định Quốc Thái, đặt vấn đề chỉ đạo thực hiện “tạo điều kiện” cho AIC trúng thầu trái pháp luật; chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để “làm đẹp hồ sơ” đấu thầu.
Đối với nhóm 5 bị cáo còn lại, cơ quan truy tố xác định họ giữ vai trò phạm tội khác nhau, góp phần gây thiệt hại lớn tài sản nhà nước.
Cụ thể, bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa đã thực hiện hành vi "thông thầu" thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá. Sau đó, Công ty AIC và các Công ty “quân đỏ” trúng 13 gói thầu theo mức giá của các báo giá trên, qua đó, bị cáo Hạnh hưởng lợi số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Tích, Giám đốc Công ty Mopha, giúp Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc ký khống 2 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho các đơn vị tư vấn thẩm định giá và làm “quân xanh” để Công ty AIC và Công ty “quân đỏ” khác trúng 5 gói thầu.
Bị cáo Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Công ty Thiết bị y tế và Môi trường, ký khống 1 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho các đơn vị tư vấn thẩm định giá làm "quân xanh" giúp Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC thực hiện hành vi thông thầu thông trúng 1 gói thầu.
Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Việt Tiên đã làm “quân xanh” giúp Công ty AIC trúng 10 gói thầu. Bị cáo Vinh được hưởng lợi hơn 120 triệu đồng do bán 11 thiết bị.
Còn bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, thông qua việc làm “quân đỏ”, “quân xanh” giúp AIC trúng 5 gói thầu, qua đó, hưởng lợi hơn 1,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quá trình xét xử, luật sư bào chữa đã công bố nội dung "tâm thư" ông Nguyễn Đăng Thuyết đang ở Mỹ gửi đến tòa.
"Thông qua báo chí Việt Nam tôi mới biết mình bị Tòa án TP Hà Nội xét xử vào ngày 21/12 vì liên quan đến việc Công ty Thành An Hà Nội tham gia thầu một số gói thầu thuộc dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai", mở đầu bản tường trình của ông Thuyết được công bố tại tòa.
Về kết luận bị cáo bỏ trốn phải xử lý nghiêm, trong thư ông Thuyết phân trần “mình không bỏ trốn và luôn muốn sống, làm việc, cống hiến tại quê hương". Lý giải việc không ở Việt Nam khi bị khởi tố, nội dung đơn của ông Thuyết được công bố tại tòa thể hiện "Ngày 29/4/2022 Bộ Công an khởi tố vụ án trong khi trước đó gần một năm tôi được Cục Xuất nhập cảnh cho phép sang Mỹ vì điều kiện riêng. Hai con tôi ở tuổi vị thành niên đang theo học tại Mỹ nên bắt buộc phải có người giám hộ. Tôi là người duy nhất giám hộ…Ở Mỹ nhà chức trách chưa làm việc gì với tôi, thời gian quá ngắn và bất khả kháng cho tôi thu xếp về dự phiên tòa quan trọng này".
Ông Thuyết cho rằng, do "thời gian gấp mà điều kiện quá khó khăn không thể về Việt Nam trình bày trực tiếp tại tòa" nên gửi bản tường trình mong được tòa xem xét. Bị cáo và gia đình cũng liên hệ với luật sư để hỗ trợ tư pháp và bào chữa tại phiên tòa.
"Nay trước ngày xét xử, tôi tôn trọng bản kết luận điều tra, bản cáo trạng bởi đó là kết quả mà các cơ quan tư pháp làm việc theo thẩm quyền và pháp luật", ông Thuyết viết trong tường trình và cho biết đã nhờ luật sư cùng công ty tạm nộp 2 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án. Đồng thời, ông Thuyết nêu "khoản tiền này sẽ thực thi theo phán quyết cuối cùng có hiệu lực của tòa án".
Với những sai phạm trên, đầu tháng 1/2023, HĐXX TAND TP Hà Nội (cấp sơ thẩm) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn tổng mức án 30 năm cho hai tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và “Đưa hối lộ”. Cùng hai tội, bị cáo Trần Mạnh Hà bị phạt 25 năm tù.
Trong khi đó, các bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh bị phạt 5 năm tù; Ngô Thế Vinh và Nguyễn Thị Tích mỗi người lĩnh 4 năm tù; Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Thị Sen cùng nhận mức phạt 30 tháng tù ở nhóm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến cuối tháng 5/2023, HĐXX TAND Cấp cao (phúc thẩm) cũng ra phán quyết: "Với phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo đang bỏ trốn, chính thức có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm".
tienphong.vn