Chàng trai 21 tuổi tự tay xây nhà cho mẹ dưỡng già, nhận loạt giải thưởng về kiến trúc: Không gian 'tự đóng mở', 'di chuyển' đến bất kỳ đâu trên thế giới
Từ ý tưởng về căn nhà dành cho mẹ dưỡng già, chàng trai đã biến công trình của mình trở nên nổi tiếng. Căn nhà với cấu trúc cabin được thiết kế linh hoạt có thể chuyển được từ không gian kín sang không gian mở. Thậm chí, nó còn có thể "di chuyển" đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
- 14-05-2023Mang chiếc bình mẻ đến hỏi chuyên gia, người phụ nữ mừng như bắt được vàng: Giá trị ngang ngửa nửa căn chung cư, suýt thì đem bán phế liệu
- 13-05-2023Xu hướng mặc sang 'thầm lặng': Chiến thuật có tính toán để giấu giàu, đem lại nhiều lợi ích ít ai biết cho giới thượng lưu
- 13-05-2023Khi nhà trở thành nơi vỗ về cảm xúc, là chìa khoá cho “liệu pháp tâm hồn” của gia chủ
- 12-05-2023Khánh Vy làm nhà toàn màu trắng vì thấy mình không có gu, chuyên gia lại chỉ ra đây là hiểu nhầm mà nhiều người mắc phải
Caspar Schols là người Hà Lan, từng là một sinh viên ngành Vật lý. Năm 21 tuổi, anh quyết định xây một ngôi nhà cho mẹ mình bên cạnh một cái hồ tại nhà ở Eindhoven của bà. Đây là căn nhà để mẹ anh có thể thoải mái ở một mình, vẽ tranh, thiền định sau khi nghỉ hưu hay ăn uống ngoài trời với bạn bè và gia đình.
Trong 10 tháng thi công, Caspar đã thiết kế linh hoạt với 2 lớp cho căn nhà cabin 45m² dành cho mẹ. Lớp đầu tiên là lớp vỏ bên trong, sử dụng kính hai lớp để chống gió và mưa. Lớp thứ hai là lớp vỏ ngoài, làm bằng gỗ linh sam, có tác dụng cách nhiệt cho ngôi nhà vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Ngôi nhà cabin này có thể chuyển được từ không gian kín sang không gian mở. Sau khi hoàn thành, căn nhà thu hút được lượng lớn người chú ý. Thậm chí còn giành được một số giải thưởng kiến trúc.
Một năm sau, Caspar nhận được học bổng từ Hiệp hội kiến trúc London. Anh quyết định phát triển phiên bản nâng cao của căn nhà và đặt tên là "Anna Cabin" (ANNA). Từ diện tích 45m² thu hẹp còn 30m², công năng được mở rộng. Anna Cabin có 4 chế độ chế độ khác nhau được chuyển đổi theo nhiệt độ, gió và thời tiết. Nó cũng có thể được đưa đến các khu rừng và hồ trên khắp thế giới.
Khởi nguồn ý tưởng từ căn nhà để mẹ dưỡng già
2015 là một năm không thể quên với Caspar. Năm đó, cha anh qua đời, cả nhà lúc nào cũng chìm trong nỗi buồn. Lúc ấy, anh 21 tuổi, đang làm việc trong một công ty sản xuất chip ở Amsterdam, chuẩn bị hoàn thành kỳ thực tập năm cuối để lấy bằng vật lý. Cho đến một ngày, mẹ anh nói rằng bà muốn mua một ngôi nhà kính lắp ghép sẵn ở quê hương Eindhoven, anh đã nảy ra ý tưởng tự làm nhà cho mẹ.
Bố của anh là một kỹ sư xây dựng, trong trí nhớ của anh, bố luôn đi sớm về muộn, trên người toàn mùi bê tông. Có lẽ là do ảnh hưởng từ cha, khi anh và các anh, em trong nhà còn nhỏ, trò giải trí yêu thích là vẽ lại bản phác thảo xây dựng mà bố để lại ở nhà. Chỉ cần là lúc cha của anh rảnh rỗi, cả nhà sẽ được đi cắm trại, leo núi.
“Một lần đến miền nam nước Pháp, buổi tối dựng lều ở ngoài, cả nhà ngủ trong túi ngủ, ngắm sao, lắng nghe tiếng thú nhỏ và trò chuyện cùng nhau. Lúc đó nằm bên mẹ, tôi nghe tiếng gió lùa qua kẽ lá bên tai. Mẹ quay lại, ghé sát vào và nói với tôi: "Con có để ý không? Cái cây đó, nó đang nói đấy”. Ngẫm lại, có lẽ chính những điều này đã tạo nên sức nặng của thiên nhiên trong lòng tôi”, Caspar nói.
Bà Anna - mẹ của Caspar là một bác sĩ trị liệu. Sau khi biết được ý tưởng của mẹ, anh đã thuyết phục mẹ để anh chịu trách nhiệm thiết kế và thi công nhà để mẹ dưỡng già. Vị trí của căn nhà được đặt bên hồ ở sân sau nhà chính, bên cạnh một cây sồi cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Bằng cách này, khi người mẹ đang nghỉ ngơi trong nhà kính, bà có thể ngước nhìn lên những mảng cây xanh.
Ngay từ đầu, mẹ anh đã giải thích với anh về những nhu cầu của bà: tổng ngân sách nên được kiểm soát với con số cụ thể, nhà phải có sân thượng để ngắm chim và ngắm sao; mẹ vẽ tranh, viết sách và ngồi thiền nhưng khi cần thiết có thể phục vụ cùng lúc từ 20 đến 30 người ăn tối.
Caspar đã nảy ra ý tưởng thiết kế và bắt đầu tiến hành làm nhà cho mẹ. “Tôi học chuyên ngành vật lý, và mặc dù vật lý đã định hình cách tôi nhìn thế giới, nhưng xét cho cùng thì cái gì và làm như thế nào cũng là một nghề thủ công. Sau khi lấy bằng vật lý, tôi chỉ đơn giản là nghỉ việc và bắt đầu tự học, tôi cũng thuê hai người bạn giúp đỡ: một người là thợ mộc, người giúp tôi lựa chọn và đóng gỗ, bố của người kia là một kỹ sư, và chúng tôi giao tiếp Skype hai lần một tháng”, Caspar chia sẻ.
Quá trình tự xây dựng nhà cho mẹ
Và khi mọi thứ đã sẵn sàng, quá trình xây dựng kéo dài 10 tháng đã chính thức bắt đầu. Không có người giúp đỡ, những công việc nặng nhọc như đắp đất, đắp móng… Caspar chỉ có thể tự mình làm. Trong 2 tuần tiếp theo, anh phải ngủ trên công trường, ngày nào cũng đẩy xe đẩy chở bê tông, chạy không biết bao nhiêu lượt từ sáng đến tối.
Căn nhà cabin chỉ rộng 45m², để tốn ít công sức nhất mà đạt được hiệu quả giữ nhiệt, chống lạnh, Caspar đã thiết kế 2 lớp “áo khoác” cho nó. Lớp bên ngoài được làm bằng gỗ linh sam, có thể cách nhiệt vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông. Lớp bên trong là một lớp kính.
Để việc thay hai "lớp áo" dễ dàng hơn, Caspar đã lắp hệ thống bánh xe ròng rọc ở chân tường. Khi thời tiết đẹp, lớp tường gỗ bên ngoài có thể được mở ở giữa và đẩy ra dọc trượt theo các rãnh theo để lộ mái kính, và đóng lại khi thời tiết lạnh, giống như một chiếc "áo khoác".
Caspar chia sẻ: “Phần này khiến tôi bận tâm nhất, và tôi đã mắc rất nhiều lỗi. Đôi khi do sai số vài milimet mà vách di chuyển sang bên này khó hơn sang bên kia rất nhiều, phải lật đi lật lại nhiều lần. Ray trượt cũng được chọn đi chọn lại, sau khi chọn không dưới 100 loại, tôi mới tìm được chiếc duy nhất chịu được 500 kg”.
Thời gian mất gấp ba lần so với dự kiến, ngôi nhà được hoàn thiện với sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình. Sau khi ngôi nhà hoàn thành, gia đình anh rất hài lòng. “2 anh trai tôi, những người thích ngủ trong cabin quanh năm; 6 đứa cháu nhỏ của tôi, những người thích để cabin mở hoàn toàn và sử dụng nó như một sân khấu để biểu diễn; và mẹ tôi, người thích viết, vẽ và đôi khi đặt một chiếc bàn dài và mời bạn bè đến ăn tối đều rất thích căn nhà”.
Trong những tháng tiếp theo, anh tiếp tục nhận được sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới. “Mọi người gửi email và viết thư cho tôi biết họ yêu thích căn nhà đến nhường nào và tại sao họ lại xúc động trước nó”, Caspar nói.
Căn nhà cũng đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trong giới kiến trúc. Ngay khi ra mắt vào năm 2016, căn nhà cũng thu hút lượng lớn người chú ý. Sau đó giành được một vài giải thưởng kiến trúc.
Căn nhà cabin trở nên nổi tiếng, có thể đóng mở không gian và di chuyển đến mọi nơi
Vào năm 2016, Caspar đã nhận được học bổng từ Hiệp hội Kiến trúc ở London để bắt đầu học tại Học viện Hiệp hội Kiến trúc AA. Sau đó, anh quyết định nâng cấp ý tưởng của căn nhà. “Từ đó, tôi dần nhận ra một không gian 30m² hoàn toàn có thể tương đương với một ngôi nhà 6, 7 phòng về chất lượng trải nghiệm. Nếu nó cũng có thể đáp ứng các đặc tính có thể di chuyển và lắp ráp thì có thể di chuyển đến bất kỳ đâu trên thế giới. Tôi quyết định sử dụng nhà của mẹ làm mẫu để thiết kế phiên bản 2.0: Cabin Anna”, Caspar nói.
Phiên bản nâng cấp của căn nhà bắt đầu được thực hiện. Căn nhà khi nâng cấp có thể di chuyển và biến đổi hình dạng, thiết kế phù hợp để thích nghi với các điều kiện thời tiết khác nhau. Việc tiêu thụ điện nước của ngôi nhà có thể được giải quyết thông qua các thiết bị như tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, bếp đun, máy bơm nước, máy lọc nước mưa.
Bằng cách di chuyển bức tường bằng hệ thống bánh xe ròng rọc, 4 chế độ đóng mở lớp tường kính, tường gỗ có thể được linh hoạt theo nhiệt độ, gió và thời tiết. Ví dụ những ngày nhiệt độ chỉ 5-10°C, gió cấp 1-8, giông bão hoặc tuyết rơi dày sẽ đóng cửa nhà, tạo hiệu ứng nhà kính, giữ nhiệt và chống lạnh.
Một nâng cấp lớn khác là tính di động và tính bền vững. Nhiều vật dụng có thể tái chế và tái sử dụng. Theo thiết kế mô-đun, tất cả các bộ phận có thể tháo rời và di chuyển dễ dàng, sử dụng cần trục điện nhỏ, 3 người có thể hoàn thành quá trình tháo và lắp ráp trong vòng 5 ngày.
Không gian cũng chỉ rộng khoảng 30m2, tuy nhỏ hơn nhưng lại có nhiều chức năng hơn. Bồn tắm, giường ngủ và rất nhiều đồ lưu trữ được giấu đi; không gian được tối ưu và chiếc giường khi không dùng để ngủ sẽ trở thành ghế sofa, và gác lửng phía trên nhà bếp có thể chứa một chiếc giường cỡ lớn ác cho một gia đình bốn người. Sau khi lớp mái trên của ngôi nhà được mở ra, không gian đa chức năng còn trống có thể tổ chức nhiều hoạt động khác nhau: yoga, tiệc tùng, ngắm sao...
Đến nay nhà đã cập nhật phiên bản thứ mười, Caspar cũng đã thành lập nhóm, dự định đưa nhà Anna đi khắp thế giới. Giờ đây, có 7 nhà cabin mở cửa và luôn được đặt kín chỗ. Vào đêm đầu tiên, mọi người nhìn chung vẫn cảm thấy không an toàn và ngủ thiếp đi trong tình trạng đóng kín cabin. Ngày thứ hai, thử mở lớp tường gỗ và kính. Họ thực sự đang sống gần gũi với thiên nhiên.
Caspar đặt tên cho phiên bản 2.0 của nhà cabin theo tên của mẹ anh ấy là "Anna". Chia sẻ về cabin ANNA, Caspar nói: “Thông thường, một kiến trúc sư đến một địa điểm và xây dựng một căn nhà tại địa điểm đó. Tôi muốn làm điều ngược lại: thiết kế của tất cả các cabin ANNA có thể được đặt ở bất cứ đâu".
Thiết kế của cabin ANNA có thể chuyển từ không gian kín sang không gian mở cùng lớp tường được sử dụng bằng kính có thể giúp bạn nhìn ngắm thiên nhiên ngay trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy. Đó cũng là dụng ý của Caspar khi thiết kế căn nhà.
"Trong thời đại hiện nay, khi mối quan hệ giữa con người ngày càng trở nên xa cách, cơ hội để một gia đình ngủ ngoài trời và nhìn lên bầu trời đầy sao là đặc biệt hiếm có. Ngôi nhà này bắt đầu từ những suy nghĩ của tôi về cha tôi, cũng như cảm xúc của tôi về thiên nhiên trong những năm qua: nó sẽ luôn chữa lành cho bạn và cho bạn biết điều gì thực sự có ý nghĩa.
Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều sự chú ý đổ dồn vào tôi, tôi sẽ quay trở lại căn nhà gỗ của Anna, ngủ dưới những vì sao và cảm nhận sự thay đổi của bốn mùa: động vật sẽ di chuyển như thế nào? Cây lớn khi rụng lá và khi có lá đều giống nhau hay đẹp hơn?
"Tôi nhớ khoảng thời gian xây nhà kính cho mẹ, tôi ngủ trên công trường, có khi nửa đêm tỉnh giấc, mở mắt ra thì trên đầu không có mái nhà, chỉ có cây sồi khổng lồ. Gió xuyên qua ngọn cây thổi qua, mặt lạnh buốt, nhưng dưới chăn dày thân thể lại rất ấm áp. Tôi nằm thao thức một lúc, lắng nghe âm thanh xung quanh, tận hưởng khoảnh khắc, tận hưởng sự bình yên đến với mình. Có vẻ như không có gì khác quan trọng, tôi hoàn toàn quên đi mọi lo lắng, bất an và sợ hãi, biết mình là ai, mình đang đi đâu và tại sao tôi tiếp tục làm những điều này", Caspar nói thêm.
Theo Toutiao
Thể thao & Văn hóa