MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu loay hoay đi tìm nguồn cung khí đốt mới: nơi bán với giá quá đắt, nơi lại không thể khai thác để bù đắp 'khoảng trống' của Nga

14-10-2022 - 07:38 AM | Thị trường

Ảnh: Bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng đặt các nước châu Âu vào tình thế khó khăn khi buộc phải đi tìm các nguồn cung mới. Tuy nhiên, không phải nguồn cung nào cũng hoàn hảo, vừa nhiều, vừa rẻ như của Nga.

Nước Pháp kêu gọi Mỹ giảm giá khí đốt

Tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, ông Le Maire cho biết, Pháp mong đợi nhiều hơn từ Mỹ để có được LNG với giá rẻ hơn trong dài hạn.

Bình luận của ông Le Maire được đưa ra một tuần sau khi Đức cáo buộc Mỹ và các quốc gia khác tính giá quá cao đối với khí đốt.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 5/10 cáo buộc các nước, trong đó có Mỹ, áp giá khí đốt quá cao trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang vật lộn để tái cân bằng năng lượng trong bối cảnh không có nguồn cung từ Nga.

Bộ trưởng Habeck kêu gọi EU hợp tác mua khí tự nhiên nhằm giảm giá cả. Theo ông, khối này nên “tập hợp sức mạnh thị trường của mình và đặt lệnh mua một cách thông minh, kết hợp giữa các quốc gia để từng nước thành viên không phải trả giá cao hơn nước khác”.

Châu Âu loay hoay đi tìm nguồn cung khí đốt mới: nơi bán với giá quá đắt, nơi lại không thể khai thác để bù đắp khoảng trống của Nga - Ảnh 1.

Châu Âu đã tăng nhập khẩu từ Mỹ với LNG của Mỹ hiện chiếm 45% lượng nhập khẩu LNG của lục địa này, so với 28% của năm ngoái. (Ảnh: Bssnews)

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Mỹ đang bán khí đốt với giá cao hơn "ba hoặc thậm chí bốn" lần so với khí đốt Nga, đồng thời cho biết thêm rằng châu Âu đang làm cho nền kinh tế của họ kém cạnh tranh hơn khi phải trả số tiền lớn như vậy cho các nhà cung cấp Mỹ.

Giá khí đốt ở châu Âu tăng đầu năm nay, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Giá mặt hàng năng lượng này tăng lên mức kỷ lục sau khi châu Âu áp đặt loạt lệnh trừng phạt với Moskva và bắt đầu chiến dịch giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga, tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Mỹ.

Châu Âu loay hoay đi tìm nguồn cung mới

Theo Aljazeera, một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi có thể chỉ mới hoàn thành 80%, nhưng triển vọng về nhà cung cấp năng lượng mới nhằm thay thế Nga đã thu hút các chuyến thăm của giới lãnh đạo Ba Lan và Đức tới đây.

Horatius Egua, phát ngôn viên của Bộ trưởng dầu khí Nigeria cho biết, Nigeria có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi, mặc dù sản lượng do nước này cung cấp chỉ chiếm 14% tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu qua đường tàu biển.

Châu Âu loay hoay đi tìm nguồn cung khí đốt mới: nơi bán với giá quá đắt, nơi lại không thể khai thác để bù đắp khoảng trống của Nga - Ảnh 2.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Algeria tới Tây Ban Nha. Ảnh: Morocco Times

Các quốc gia triển vọng khác như Mozambique có trữ lượng khí đốt lớn nhưng nhiều dự án của nước này bị trì hoãn do một số vấn đề liên quan tới các phần tử cực đoan.

Châu Âu đang vật lộn tìm kiếm các nguồn cung thay thế sau khi Moscow cắt giảm nguồn khí đốt tự nhiên đến các nước EU, khiến giá năng lượng tăng vọt. Bộ trưởng năng lượng của 27 quốc gia EU sẽ họp mặt trong tuần này để thảo luận về việc áp trần giá khí đốt.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ‘đổ xô’ đến Na Uy, Qatar, Azerbaijan và đặc biệt là các nước ở Bắc Phi như Algeria – quốc gia vốn đã có sẵn đường ống khí đốt dẫn tới Italia và Tây Ban Nha.

Italia đã ký hợp đồng khí đốt trị giá 4 tỷ USD với Algeria vào tháng 7 năm nay, một tháng sau khi Ai Cập đạt được thỏa thuận với EU và Israel nhằm thúc đẩy cung cấp khí đốt hóa lỏng. Nước này cũng đã ký thêm thỏa thuận khí đốt với Angola.

Mỏ đầu tiên, nằm gần bờ biển Senegal và Mauritania, dự kiến sẽ chứa khoảng 425 tỷ mét khối khí đốt, gấp 5 lần so với lượng khí đốt mà Đức từng sử dụng trong cả năm 2019. Tuy nhiên, quá trình sản xuất khí đốt tại mỏ này phải tới cuối năm sau mới bắt đầu.

Mặc dù không thể giúp giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hiện nay nhưng diễn tiến này được đánh giá là “vô cùng kịp thời” trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga.

Trữ lượng khí đốt tự nhiên của châu Phi vốn rất lớn, các quốc gia Bắc Phi như Algeria thậm chí đã có đường ống dẫn tới châu Âu nhưng tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và các thách thức an ninh từ lâu đã cản trở các nhà sản xuất ở lục địa này mở rộng quy mô xuất khẩu.

Tham khảo: AFP, Aljazeera

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên