Châu Phi nếm vị đắng từ đầu tư Trung Quốc
Công ty bảo hiểm thế chấp Hong Kong Mortgage Corporation (HKMC) vừa đề xuất kế hoạch mua lại nợ cơ sở hạ tầng ở châu Phi để chuyển sang chứng khoán và bán cho các nhà đầu tư. Kế hoạch này làm dấy lên nghi ngờ sẽ đẩy châu Phi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất hơn hiện nay.
Đặt chân sâu vào lục địa đen
Theo kế hoạch của HKMC, việc chuyển nợ sang hình thức chứng khoán để bán cho giới đầu tư cho phép có thêm thanh khoản để tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng hơn. Giám đốc điều hành của HKMC tại Trung Quốc, bà Helen Wong cho biết, kế hoạch giúp mở rộng thị trường vốn để phát triển cơ sở hạ tầng theo sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc đang triển khai tại nhiều quốc gia châu Phi.
Kế hoạch mua nợ dự kiến có sự tham gia của hơn 90 nhà phát triển hoặc nhà điều hành dự án, ngân hàng thương mại và đầu tư, các tổ chức tài chính đa phương, chủ sở hữu tài sản, người quản lý và các công ty dịch vụ chuyên nghiệp từ Hồng Công, Trung Quốc và nước ngoài. Một số công ty đã nắm trong tay các dự án và các khoản vay cơ sở hạ tầng mà HKMC muốn rao bán.
Kế hoạch được công bố vào thời điểm nhiều nước châu Phi lâm vào cảnh nợ nần muốn Trung Quốc tái cấu trúc nợ vì không có khả năng trả khoản vay theo hợp đồng. Vì thế, nó được ví như phao cứu sinh giúp một số nước châu Phi tạm thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy nợ. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ The East African, nếu được triển khai, kế hoạch này thực chất là “bình mới, rượu cũ” vì đây là hình thức huy động vốn từ giới tài chính để cung cấp nguồn vốn mới cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp Trung Quốc có thêm cơ hội tài trợ cho các nước châu Phi.
Chính những “món quà tỷ USD” này đã tạo thêm cơ hội đưa doanh nghiệp Trung Quốc đặt chân sâu vào lục địa đen, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư tại châu Phi - nơi nguồn tài nguyên dồi dào đã tiếp lực cho quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc.
Châu Phi không phải ngẫu nhiên trở thành trọng tâm với những gói nợ khổng lồ mà còn bởi gắn liền với một chủ nợ “phi truyền thống”, đó là Trung Quốc. So với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Câu lạc bộ chủ nợ Paris (22 thành viên), các gói nợ đến từ Trung Quốc hào phóng hơn, dễ dàng hơn, nhanh gọn hơn, lãi suất thấp hơn. Điều đáng nói, phía truyền thông Trung Quốc vẫn thường xuyên nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp chính trị và xem đây là nền tảng ngoại giao mà chính quyền Bắc Kinh thi hành ở châu lục này.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, hoạt động đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào châu Phi đã hứng chịu nhiều chỉ trích. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc khai thác ồ ạt khoáng sản và nguyên liệu thô tại châu Phi vốn không giúp ích nhiều cho kinh tế địa phương, cũng như kèm theo ý đồ khác về chiến lược và chính trị trong các dự án đã gây nhiều lo ngại. Châu Phi - bên cần vốn đầu tư để phát triển kinh tế lại ngập trong hàng loạt khoản nợ do các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư bị dội vốn, trở thành các dự án đắt đỏ.
Theo nhóm vận động hành lang của Anh Jubilee Debt Campaign, tính từ năm 2006 đến 2017, Trung Quốc đã cho châu Phi vay 132 tỷ USD để đầu tư dự án giao thông, nhà máy điện và khai thác mỏ. Với con số trên, Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong đó phải kể tới Djibouti, khi Bắc Kinh nắm tới 77% tổng nợ của nước này, tính đến cuối năm 2016, hay Ethiopia (13,7 tỷ USD), theo sau là Kenya (9,8 tỷ USD) và Zambia - quốc gia vay mượn hơn 8 tỷ USD.
IMF lên tiếng cảnh báo châu Phi đang tiệm cận một cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng với số lượng các quốc gia ở nhóm nguy cơ cao, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Viện Phát triển hải ngoại (Anh) ước lượng con số cụ thể hơn, với 40% khu vực hạ Sahara (vùng Nam châu Phi), tức vào khoảng 18 quốc gia đã trượt vào mức nguy hiểm. Giới chính khách Mỹ đã cảnh báo, chính sách “bẫy nợ” này có thể được Bắc Kinh sử dụng để buộc các quốc gia nào không có khả năng thanh toán nợ phải ký vào những thỏa thuận không có lợi.
Trong khi đó, Trung Quốc lại bác bỏ mọi cáo buộc việc làm gia tăng khối nợ của các nước châu Phi. Tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra vào tháng 9 năm nay tại Bắc Kinh, Trung Quốc cam kết đầu tư thêm 60 tỷ USD giúp châu Phi phát triển, trong số đó có 15 tỷ USD được dành cho viện trợ không hoàn lại và vay không có lãi.
Dựng rào cản đầu tư
Đứng trước nguy cơ bị bẫy nợ bủa vây, một số nước châu Phi không còn dễ dãi như trước vì cái giá phải trả của mọi thứ. Việc Trung Quốc tìm cách khai thác cạn kiệt khoáng sản của châu Phi và tình trạng ngược đãi công nhân địa phương của doanh nghiệp Trung Quốc càng khiến người dân bản địa bất bình.
Tuy thu nhập của người tiêu dùng châu Phi không cao, nhưng họ cũng không thích nhìn thấy vật liệu không đủ tiêu chuẩn trong các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư, hoặc phải mạo hiểm mua thuốc giả giá rẻ của Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp các nước châu Phi cũng không thích hàng dệt may và các mặt hàng thương phẩm giá rẻ khác của Trung Quốc tiến vào châu Phi, cạnh tranh với sản phẩm địa phương.
Sierra Leone là một ví dụ. Quốc gia châu Phi này dưới thời Tổng thống Ernest Bai Koroma đã nợ Trung Quốc 224 triệu USD. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống đương nhiệm Julius Maada Bio đã xem lại những thỏa thuận tài chính của người tiền nhiệm và quyết định hủy bỏ dự án xây dựng một sân bay có tổng chi phí lên đến 318 triệu USD ở ngoại ô thủ đô Freetown.
Dự án này có vốn đầu tư từ Trung Quốc và do một nhà thầu cũng từ nước này thực hiện. Bộ Vận tải và Hàng không Sierra Leone tuyên bố, sau khi đã xem xét và nghiên cứu nghiêm túc, quan điểm của Chính phủ Sierra Leone đó là việc tiếp tục xây dựng sân bay mới khi sân bay hiện tại vẫn chưa hoạt động hết công suất là không hợp lý về mặt kinh tế. Đây là quốc gia châu Phi đầu tiên hủy một dự án với Trung Quốc vì lo ngại khối nợ khổng lồ vượt quá khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, do giá khoáng sản ngày càng tăng, nhiều nước châu Phi bắt đầu dựng rào cản nhằm hạn chế làn sóng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc. Chính phủ CHDC Congo đã quyết định tăng thuế và buộc các công ty nước ngoài chuyển giao bớt cổ phần cho doanh nghiệp nội.
Trong khi đó, Chính phủ Zambia chuẩn bị truy thu thuế với các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực khai thác đồng và mangan. Giới nghị sĩ Kenya cũng lên tiếng yêu cầu đảng cầm quyền đề xuất mức giới hạn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng vì lo ngại sự can thiệp của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tại Nam Phi, chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp chủ động nhằm quản lý tài nguyên, trong đó có việc tăng tỷ lệ công ty nội trong lĩnh vực khai khoáng, từ đó làm giảm vai trò của các nhà đầu tư Trung Quốc. Chính phủ Tanzania cũng mới ban hành đạo luật yêu cầu doanh nghiệp nội phải sở hữu ít nhất 5% cổ phần trong các công ty khai khoáng nước ngoài.
Sài gòn giải phóng