Chế độ ăn toàn thịt, không tinh bột, không rau: Lợi ra sao, hại thế nào mà hàng triệu người quan tâm?
Ăn nhiều thịt đỏ từ lâu đã được chứng minh gây hại cho sức khỏe nhưng trên thực tế, chế độ ăn toàn thịt lại đem đến một số lợi ích bất ngờ.
- 15-08-2023Chất quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ nhưng thường bị ngó lơ: Người từ U50 chú ý càng sớm càng tốt
- 15-08-2023Cụ bà 103 tuổi nhưng mạch máu như người 60: Bí quyết không phải tập thể dục mà là 3 điều đơn giản
- 13-08-2023Chè xanh rất tốt nhưng lại ‘đại kỵ’ với những người này
Xu hướng ăn kiêng Carnivore (chế độ ăn toàn thịt, cả chín và sống cùng trứng, bơ) đang gây chú ý trên Tiktok, thu về 200 triệu lượt xem video khi một số người sáng tạo nội dung cho biết nhờ Carnivore, họ giảm được lượng mỡ đáng kể và cải thiện sức khỏe. Vậy chế độ ăn này đem lại những lợi ích nào và liệu có tồn tại “mặt trái” không?
Chế độ ăn toàn thịt dồi dào chất dinh dưỡng
Theo Tiến sĩ Simon Theobalds, bác sĩ đa khoa tại Pall Mall Medical (Anh), chế độ ăn toàn thịt hoàn toàn không có tinh bột, loại trừ tất cả các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Một trong những lý do lớn nhất khiến mọi người theo đuổi chế độ ăn này là để giảm cân. Một số nghiên cứu đã cho thấy chế độ ăn giàu đạm, ít tinh bột có khả năng giảm cân hiệu quả nhờ chất đạm khiến bạn no lâu, ít thèm ăn hơn và thâm hụt calo.
“Thịt đỏ là nguồn protein hoàn chỉnh, cung cấp tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần cho các chức năng khác nhau, giúp xây dựng và sửa chữa các mô. Thịt cũng là nguồn cung cấp sắt tốt và hấp thụ dễ dàng hơn so với sắt có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật. Sắt rất cần thiết để vận chuyển oxy trong máu và hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng”, Tiến sĩ Theobalds cho biết.
Không những vậy, thịt đỏ chứa nhiều vitamin B12 và dồi dào kẽm. Vitamin B12 là chất dinh dưỡng chủ yếu có trong các sản phẩm từ động vật, có vai trò quan trọng với chức năng thần kinh, giúp tổng hợp DNA và hình thành các tế bào hồng cầu. Kẽm giúp tăng cường chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, bổ trợ cho sự phát triển và sửa chữa của tế bào.
Tiềm ẩn một số nguy cơ cho sức khỏe
Tuy cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng Tiến sĩ Theobalds cũng chỉ ra một số tác hại của Carnivore. “Thịt đỏ, đặc biệt là thịt mỡ chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Tiêu thụ một lượng lớn chất béo bão hòa và cholesterol có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ”, bác sĩ này cho biết.
Tương tự, các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội đã bị Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là chất gây ung thư Nhóm 1. “Như vậy là đã có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa việc ăn thịt đã qua chế biến với việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi bạn bị ốm, bạn sẽ khó khỏe lại hơn xuất hiện tình trạng kháng thuốc kháng sinh”, ông Theobalds nói.
Tiến sĩ người Anh nhận định, thịt thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như chất xơ, một số loại vitamin như vitamin C và khoáng chất như kali. Vậy nên chỉ ăn thịt trong thời gian dài dẫn đến việc cơ thể thiếu chất và dẫn đến một số vấn đề sức khỏe liên quan. Vậy nên các chuyên gia y tế luôn khuyến khích chế độ ăn đa dạng để thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh.
Chuyên gia dinh dưỡng, Bếp trưởng Anna Tebbs khuyên mọi người nên kết hợp 30 loại thực vật khác nhau vào chế độ ăn uống mỗi tuần của bản thân. “Ăn nhiều loại thực vật trong chế độ ăn uống sẽ đảm bảo bạn đang cung cấp năng lượng cho các hệ vi sinh vật đường ruột khác nhau trong cơ thể. Chế độ ăn dựa trên thực vật có xu hướng chứa nhiều prebiotic hơn, cung cấp thêm nhiên liệu cho vi khuẩn tốt trong đường ruột của bạn và có tác dụng chống viêm”, bà Tebbs cho biết.
Vậy bạn có nên thử áp dụng chế độ ăn này hay không?
“Mặc dù ăn toàn thịt có thể cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng nhưng việc chỉ dựa vào một loại thực phẩm và loại trừ các nhóm thực phẩm khác có thể gây ra một số rủi ro. Chế độ ăn uống cân bằng mới là sự lựa chọn tốt hơn, giúp cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu và hỗ trợ sức khỏe tổng thể”, Tiến sĩ Theobalds.
Nếu bạn vẫn muốn trải nghiệm chế độ ăn còn khá mới mẻ này hay thực hiện bất cứ thay đổi lớn nào trong việc ăn uống, Tiến sĩ Theobalds khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng uy tín. Họ sẽ có đánh giá toàn diện, hướng dẫn chi tiết và phát triển kế hoạch ăn uống phù hợp với mục tiêu của bạn.
Theo Independent
Trí thức trẻ