Chi 2,1 tỷ mở quán cafe nhưng nhận kết đắng: Chàng trai đóng cửa hàng sau 9 tháng, đành quay lại làm nhân viên văn phòng
Sau khi vỡ mộng khởi nghiệp, anh chàng này đành phải quay lại công việc văn phòng.
- 02-05-2024'Ông trùm' gia vị Việt: Khởi nghiệp thành bại ở VỐN và CÁCH VẬN HÀNH, với 1,2 tỷ đồng ban đầu, đến nay vẫn chưa phải đi vay ngân hàng một đồng
- 10-04-202462 tuổi, trong khi người khác nghỉ hưu an nhàn, tôi khởi nghiệp: Tuổi già chẳng cần dựa dẫm vào ai vẫn vui sướng
- 09-04-2024Founder S&L's Diner - nhà hàng Mỹ đầu tiên tại Hà Nội: Bỏ 2 tỷ đồng mở cửa hàng đầu tiên, khóc rất nhiều trong những ngày đầu khởi nghiệp, nhớ nhất lần 'rút máy thở' cơ sở 2
Khởi nghiệp trong ngành F&B là lựa chọn hàng đầu của nhiều người, bởi họ cho rằng thị trường rộng lớn, không đòi hỏi vốn đầu vào cao và chuyên môn phức tạp. Sau vài năm đi làm, nhiều người trẻ chán nản với cuộc sống công sở chỉ mong muốn khởi nghiệp đã tìm đến lĩnh vực này và đặc biệt ưa chuộng mở quán cafe. Tuy nhiên, khi người gia nhập thị trường càng nhiều thì khả năng thất bại càng lớn.
Làm ông chủ khác với làm công ăn lương, vì bạn cần có kiến thức và kỹ năng quản lý ở lĩnh vực mong muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người trẻ chỉ nhận ra bài học này sau khi đã lỗ đậm vì ước mơ được làm chủ.
Vỡ mộng chỉ sau 9 tháng nghỉ việc để mở quán cafe
Cách đây 3 năm, khi Lưu Phàm chuyển giao các thiết bị pha chế trong quán cafe của mình để bù lỗ, anh vẫn chưa chấp nhận được hiện thực. Trong suốt 9 tháng chính thức trở thành chủ quán cafe, anh thấy mình như vừa trải qua một qua giấc mơ ngắn ngủi.
Trong giấc mơ đó, anh vừa thực hiện được ấp ủ bấy lâu nay, đó là nghỉ công việc văn phòng nhàm chán để khởi nghiệp. Thế nhưng, Lưu Phàm đã phải đối diện với hiện thực khắc nghiệt.
Trước khi mở quán cafe, Lưu Phàm đã dành 2 tháng chuẩn bị cho ngày khai trương. Anh chọn mở quán ở thành phố Thâm Quyến. Vào thời điểm đó, mô hình kinh doanh cafe rất thịnh hành ở thành phố này, đồng thời nơi đây tập trung đông đúc người yêu hương vị cafe.
Tuy nhiên, trong 3 tháng mở quán, anh chỉ bán được 25 cốc và chấp nhận tình cảnh có thể thua lỗ. "Lợi nhuận hàng ngày thu được còn thấp hơn số tiền bỏ ra mua nguyên liệu. Cửa hàng đã lỗ vốn liên tục", Lưu Phàm cay đắng thừa nhận.
Lưu Phàm chọn mở quán ở nơi đông đúc dân cư, gần các toà nhà văn phòng, tập trung nhiều người yêu thích cafe, kết hợp thêm việc tự tin vào hương vị sản phẩm của mình. Do đó, anh đã không chi tiền cho quảng bá quán và sản phẩm. Giờ ngẫm lại, Lưu Phàm cho rằng đó là điểm khởi đầu cho chuỗi ngày kinh doanh thất bại.
Bên cạnh đó, tiền thuê nhà và nhân viên quá cao cũng là nhân tố đẩy quán cafe của Lưu Phàm đến bờ vực đóng cửa. "Chỉ riêng tiền thuê mặt bằng hàng tháng đã hơn 20.000 NDT (~71 triệu đồng), nhưng quán của chúng tôi không kiếm được nhiều tiền đến thế.
Kinh doanh cafe khác biệt so với các loại đồ uống khác. Chi phí vận hành cao trong khi lợi nhuận trên mỗi cốc lại thấp. Chúng tôi chỉ có thể kinh doanh thắng lợi nếu đạt được hiệu quả về số lượng, tức là bán ra càng nhiều cốc cafe càng tốt", Lưu Phàm nói.
Một đòn giáng mạnh hơn vào quán cafe của Lưu Phàm khi chỉ vài tháng sau khi mở cửa hàng, dịch bệnh Covid-19 ập đến và lượng khách hàng ngày càng sụt giảm. Lúc đó, quán cafe không sinh lời nhưng cũng không thể nhượng lại, trong khi ông chủ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng.
"Tôi chưa tính toán cụ thể mức lỗ. Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ, vào thời điểm đóng cửa quán, tôi đã lỗ khoảng 500.000 - 600.000 NDT (1,7 - 2,1 tỷ đồng)", Lưu Phàm tổng kết.
Đừng ôm mộng nghỉ việc văn phòng rồi mở quán nước
Lưu Phàm tự nhận, anh là đại diện điển hình của việc lợi dụng mở tiệm kinh doanh để trốn tránh công việc văn phòng. Thay vì làm việc trong môi trường công sở, anh thích làm quản lý, thích nếm mùi vị cafe mỗi ngày, thích nhìn cảm giác đồng tiền sinh lời từ chính niềm đam mê của mình.
Trước khi khởi nghiệp, mục tiêu của anh không chỉ là đạt mức sinh lời tốt mà còn tạo dựng được thương hiệu cafe cho riêng mình, có nhóm khách hàng cố định và yêu thích mô hình kinh doanh cafe cá nhân. Nói cách khác, quán cafe của Lưu Phàm không chỉ ra đời để tạo lợi nhuận mà còn giúp ông chủ khẳng định gu cafe và kết nối với những người yêu cafe. Cũng vì thế, thay vì chi tiền cho các hoạt động quảng bá, anh lại muốn đầu tư thiết bị và nguyên liệu pha chế cafe, với mong muốn mang đến những cốc nước chất lượng.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã tan vỡ. Bởi vì không có hoạt động quảng bá nên dù chọn mặt bằng ở địa điểm đông đúc, tình hình kinh doanh của quán vẫn vô cùng ảm đạm. Mặc dù hương vị cafe ngon nhưng do cách điều hành mô hình kinh doanh không hiệu quả nên cũng ít khách hàng muốn quay lại.
Thời điểm phải đóng cửa quán, Lưu Phàm vừa cay đắng nhưng cũng nhận về nhiều bài học cho mình. "Tôi coi tiền lỗ vốn để mua lại những bài học. Suy cho cùng, một người chủ quán cafe tốt không phải là nhân viên pha chế.
Để một quán nước đạt hiệu quả, bạn không chỉ cần hương vị của sản phẩm mà còn phải chọn địa điểm kinh doanh, định vị thương hiệu, làm sao để quảng bá và duy trì khách hàng,... Nếu không có kinh nghiệm và kỹ năng, làm ông chủ quán cafe còn khó hơn làm nhân viên văn phòng".
Cho đến hiện tại, Lưu Phàm đã quay trở lại công việc văn phòng, đồng thời tích luỹ tiền bạc cho những lần khởi nghiệp tiếp theo. Mặc dù Lưu Phàm biết khởi nghiệp vô cùng khó khăn, chưa chắc đã có nhiều người kiếm được tiền từ đây nhưng anh cũng muốn cho mình thêm cơ hội.
"So với làm công ăn lương và chủ cửa hàng, điều khác biệt chính là tâm thế cần làm chủ cuộc sống của mình. Bởi khi khởi nghiệp, bạn đang đánh cuộc tất cả cuộc sống và sức lực của mình để kiếm tiền. Nó là một cuộc chơi khó khăn và nếu có sơ sẩy, tổn thất lớn là điều rõ ràng", Lưu Phàm kết luận.
Nguồn: Toutiao
Nhịp sống thị trường