MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ có thể bán nội tạng lợn cho Trung Quốc, ngành chăn nuôi lợn của Mỹ thiệt hại nặng vì trade war

24-07-2018 - 09:18 AM | Tài chính quốc tế

Việc xuất khẩu nội tạng lợn sang Trung Quốc là một cỗ máy in tiền vì những sản phẩm này chẳng thể bán được ở nơi khác nhưng người tiêu dùng tại Trung Quốc lại rất thích chúng.

Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc nổ ra, các nhà chế biến thịt lợn của Mỹ cứ 10 con lợn thì có đến 9 con sẽ được xuất khẩu đầu và chân sang thị trường Trung Quốc, với mức giá cao hơn so với bất kỳ nơi nào khác.

Thủ lợn và móng lợn cùng những cơ quan nội tạng mà hầu hết người Mỹ sẽ không ăn - tim, lưỡi, dạ dày, ruột, đuôi  - có một vị trí đặc biệt trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc, cũng như trong biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu thịt lợn của Mỹ.

"Bạn vẫn thường nghe nói rằng các sản phẩm này là những gì giữ cho các nhà máy chạy", Erin Borror, nhà kinh tế của Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ, cho biết.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh này đang giảm sút nhanh chóng sau khi Trung Quốc áp đặt hai mức thuế mới đối với thịt lợn của Mỹ, tổng cộng lên đến 50%. Điều đó buộc các nhà chế biến Mỹ phải bán tháo với giá rẻ để có thể quay vòng vốn vào thức ăn cho vật nuôi và gia súc.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các lô hàng phụ phẩm bị ảnh hưởng bởi thuế giảm khoảng 1/3 trong tháng 4 và tháng 5, sau khi Trung Quốc áp thuế 25% lên thịt lợn Mỹ trong tháng Tư. Vào ngày 6/7, Bắc Kinh đã tăng thêm 25% thuế khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt thuế quan trị giá 34 tỷ USD lên hàng hóa của nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng mức thuế của Mỹ - thứ là nguồn cơn của những sự trả đũa tương đương của Trung Quốc - nhằm mục đích giảm mức thâm hụt thương mại hàng năm trị giá 335 tỷ USD với Trung Quốc.

Việc xuất khẩu nội tạng lợn sang Trung Quốc là một cỗ máy in tiền vì người tiêu dùng tại Trung Quốc rất thích những sản phẩm này. Ví dụ, chân lợn hầm với đậu trắng là món ăn nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên, một trong những thủ đô ẩm thực của đất nước.

Thậm chí một sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc có giá trị gần như bằng 0 ở bất kỳ quốc gia nào khác: chân sau của lợn. Dermot Hayes, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Iowa cho biết, chân sau gần như không thể bán ở nơi khác vì chúng bị đục một lỗ khi lợn bị treo ngược trong các xưởng chế biến.

Nguồn cung cấp thay thế

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ dễ dàng tìm ra nguồn cung cấp để thay thế nội tạng lợn của Mỹ. Từ trước khi những căng thẳng thương mại nổ ra, ngành công nghiệp thịt lợn của nước này đã được mở rộng, khiến người mua ít phụ thuộc hơn vào thịt lợn Mỹ.

Người mua hàng Trung Quốc cũng có thể mua thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu, nơi giá heo đã được giao dịch ở mức thấp nhất trong ít nhất hai năm, các nhà phân tích cho biết.

"Người Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều này", ông Ken Maschhoff, chủ tịch The Maschhoffs, sở hữu nhà máy sản xuất thịt lợn lớn nhất của Mỹ. "Chile hay châu Âu hay ai đó khác sẽ nói, 'À, chúng tôi có một đống dạ dày hoặc gan hoặc chân mà chúng tôi không dùng ...'"

Tuy các nhà chế biến lớn tại Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại, chẳng hạn như Smithfield Foods; Seaboard Foods và JBS USA. Trong năm 2017 lượng phế phẩm mà các công ty này xuất khẩu đạt giá trị 1,1 tỷ USD.

Biên lợi nhuận cho các nhà chế biến thịt lợn của Mỹ đang chịu áp lực do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại và tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm.

Giá cổ phiếu của WH Group đã giảm 28% trong năm nay. Cổ phiếu của Tyson giảm 19% và cổ phiếu Seaboard giảm 13%.

860 triệu USD đã bốc hơi

Giá trị trung bình xuất khẩu nội tạng lợn của Mỹ sang Trung Quốc vào năm 2017 là khoảng 76 cent/pound, theo Hiệp hội xuất khẩu thịt của Mỹ.

Nếu các công ty không thể bán chúng ở nơi khác, các sản phẩm này sẽ được chế biến lại thành thức ăn chăn nuôi hoặc các sản phẩm khác và bán ở Mỹ với giá khoảng 18 cent/pound - tương đương với mức tổn thất 1,55 USD/con lợn. Toàn ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ có thể thiệt hại 860 triệu USD trong năm tới. Và những người nông dân nuôi lợn sẽ phải chịu thiệt hại.

Công ty đóng gói JH Routh có trụ sở tại Ohio bán phần lớn nội tạng để nuôi động vật với giá dưới 20 cent/pound, giám đốc kinh doanh Tony Stearns cho biết.

Phạm Cường

Reuters

Trở lên trên