Chỉ còn 1 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%
Nếu như cuối năm 2022 có đến 6 ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở dưới 1% thì đến cuối quý 3/2023 chỉ còn lại một ngân hàng.
Những ngân hàng từng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% trong nhiều năm liền như ACB, Vietcombank, Techcombank đều đã ghi nhận tỷ lệ này tăng lên trong năm nay và vượt 1%.
Tại Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 44.700 tỷ trong 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,9%. Nợ xấu cuối quý 3 là 14.393 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,68% cuối năm 2022 lên 1,21% (tháng 9/2023). Tỷ lệ này cũng cao hơn đáng kể so với mức 0,82% ghi nhận vào cuối quý 2/2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank vẫn rất cao, đạt 270%, là mức cao nhất toàn ngành. Theo đó, cứ mỗi đồng nợ xấu thì Vietcombank đã trích lập 2,7 đồng.
Tại Techcombank, nợ xấu tăng 113% trong 9 tháng đầu năm lên 6.467 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,74% (cuối năm 2023) lên 1,07% (quý 2/2023) và tiếp tục lên 1,4% (quý 3/2023). Tính chung nợ vay và trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ này ở mức 1,3%. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ nợ xấu của khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME, trong khi nợ cấu của doanh nghiệp lớn vẫn ở mức 0%. Mặc dù nợ xấu tăng nhưng chi phí tín dụng của ngân hàng nhìn chung ổn định ở mức 0,7% trước hoàn nhập và 0,5% sau hoàn nhập, phản ánh giá trị lớn của tài sản đảm bảo.
Techcombank cho biết, điểm tích cực là tỷ lệ nợ xấu tuy tăng lên nhưng tỷ lệ nợ nhóm 2 đã giảm mạnh từ 2,1% ( quý 2/2023) xuống 1,3%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tại Techcombank đạt 93%, tức cứ mỗi một đồng nợ xấu thì ngân hàng cũng đã trích lập gần 1 đồng.
Còn tại ACB, nợ xấu ngân hàng cũng tăng 77,4% trong 9 tháng đầu năm lên 5.401 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 136% lên 1.045 tỷ; nợ nhóm 4 tăng 132% lên 1.014 tỷ; nợ nhóm 5 tăng 54% lên 3341 tỷ đồng. Theo đó tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,7% (cuối năm 2022) lên 1,06% (quý 2/2023) và 1,2% (quý 3/2023). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 95%.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng Vietcombank, ACB, Techcombank vẫn đang là những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp trong hệ thống. Đồng thời, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của những ngân hàng này cũng thuộc top đầu.
Các ngân hàng từng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% hồi cuối năm 2022 như MB, TPBank cũng đều đã ghi nhận vượt 1% trong quý trước.
Theo ghi nhận trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, hiện chỉ còn BacABank công bố tỷ lệ nợ xấu ở dưới 1%. Báo cáo tài chính của ngân hàng này cho thấy, nợ xấu cuối quý 3/2023 ở mức 762 tỷ đồng, tăng 48% so với hồi đầu năm chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng mạnh. Trong khi đó, nợ nhóm 5 ở mức 424 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của BacABank tăng từ 0,55% (cuối năm 2022) lên 0,7% (quý 2/2023) và 0,77% (quý 3/2023). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu BacABank cũng khá ấn tượng, đạt 144%.
Hầu hết những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống hiện nay là các ngân hàng lớn hàng đầu, chẳng hạn như ACB, Techcombank, Vietcombank,…Riêng BacABank là ngân hàng nhỏ hiếm hoi thường xuyên nằm trong nhóm những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu thấp, thậm chí hiện là ngân hàng thấp nhất. Trong khi phần lớn các ngân hàng nhỏ khác đã chứng kiến nợ xấu tăng mạnh trong năm nay, nhiều nơi lên gần 3%.
Việc nợ xấu tăng mạnh trong năm nay là điều mà các ngân hàng đã dự báo từ trước, trong bối cảnh dư nợ tín dụng tăng rất chậm và khách hàng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến quá hạn trả nợ.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023, tương đương hơn 440.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.
Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này là 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng).
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay cũng hết sức khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao. Kết quả hoạt động năm 2023 và năm 2024 của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ sụt giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là tổ chức tín dụng quy mô nhỏ, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân.
Nhịp sống thị trường
- Nhiều tín hiệu tích cực trong quý 3, Techcombank trên đà về đích
- Top 10 ngân hàng về tỷ lệ CASA: Thứ hạng của một nhà băng nhảy vọt, số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng
- Tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng ngay ngáy lo đọng vốn
- Các ngân hàng trên sàn thu về 17 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm: Nhà băng nào tăng trưởng doanh thu mạnh nhất?
- Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất trong quý 3/2023?