Các ngân hàng trên sàn thu về 17 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm: Nhà băng nào tăng trưởng doanh thu mạnh nhất?
Sau 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt 418.837 tỷ đồng, tương đương gần 17 tỷ USD. Trong đó, có 14 nhà băng tăng trưởng so với cùng kỳ 2022.
- 03-11-2023Ngành ngân hàng phát hành 94.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm: Những nhà băng nào dẫn đầu?
- 03-11-2023Ngân hàng nào tăng trưởng cho vay cao nhất trong 9 tháng đầu năm?
- 02-11-2023Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất trong quý 3/2023?
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, tổng doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UpCoM đạt 418.837 tỷ đồng, tương đương gần 17 tỷ USD. Dù sụt giảm trong quý 3, tổng doanh thu thuần của các ngân hàng này vẫn cao hơn 8.900 tỷ (tương đương tăng 2,2%) so với 9 tháng đầu năm 2022.
BIDV dẫn đầu về quy mô doanh thu thuần
BIDV tiếp tục là ngân hàng có doanh thu lớn nhất 9 tháng đầu năm với 54.442 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần mang về BIDV hơn 41.266 tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng thu nhập hoạt động.
Bám sát BIDV là hai ông lớn VietinBank (52.183 tỷ đồng) và Vietcombank (51.765 tỷ đồng). Tương tự BIDV, nguồn thu chính của hai ngân hàng này cũng đến từ thu nhập lãi thuần và sự mở rộng nguồn thu này là động lực giúp VietinBank và Vietcombank duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Tổng cộng, 3 ngân hàng khối quốc doanh đã thu về 156.370 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, chiếm hơn 37% tổng doanh thu thuần của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán.
Với kết quả trên, doanh thu thuần của nhóm Big3 vẫn bỏ khá xa các ngân hàng tư nhân. Đây là điều có thể hiểu được do quy mô tài sản sinh lời cũng như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch giữa hai nhóm này vẫn có sự chênh lệch lớn.
Bên khối tư nhân, VPBank tiếp tục đứng đầu với doanh thu thuần 9 tháng đạt 36.402 tỷ đồng, dù giảm sâu so với cùng kỳ 2022. Nguyên nhân chính khiến thu nhập hoạt động của VPBank lao dốc đến từ sự thu hẹp của thu nhập lãi thuần. Bên cạnh đó, nguồn thu từ mảng chứng khoán và kinh doanh ngoại hối cũng đi lùi so với năm ngoái.
Trong khi đó, MB vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng với tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng đạt 35.556 tỷ đồng, tăng 1.715 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022. Với kết quả trên, doanh thu thuần của MB chỉ còn thấp hơn VPBank khoảng 850 tỷ đồng, thu hẹp đáng kể với con số hơn 11.000 tỷ trong cùng kỳ năm 2022.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Techcombank đạt 29.044 tỷ đồng, giảm 6,8%. Cũng giống VPBank, sự thu hẹp của thu nhập lãi thuần là nguyên nhân chính khiến thu nhập hoạt động của Techcombank đi xuống.
Ngược lại, ACB ghi nhận doanh thu tăng tới 16,8% nhờ sự mở rộng của thu nhập lãi thuần cùng với sự bứt tốc mảng kinh doanh chứng khoán và ngoại hối.
Ngoài những ngân hàng nói trên, Top10 ngân hàng có doanh thu thuần cao nhất trên sàn chứng khoán còn có Sacombank (19.465 tỷ đồng), HDBank (18.156 tỷ đồng) và VIB (16.318 tỷ đồng). Tính chung, 10 nhà băng này có tổng thu nhập hoạt động đạt 335.678 tỷ đồng, chiếm 80% tổng doanh thu thuần của các ngân hàng trên sàn chứng khoán.
VIB là "quán quân" tăng trưởng
Thống kê cho thấy có 14/27 ngân hàng trên sàn ghi doanh thu thuần 9 tháng tăng trưởng so với cùng kỳ 2022. Trong đó, VIB đứng đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 22%; riêng quý 3, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này tăng hơn 30%.
Động lực tăng trưởng chính của VIB đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn. Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động.
Sự tăng trưởng vượt trội của các nguồn thu cùng với khả năng quản trị chi phí hoạt động tốt đã giúp lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý 3 đạt 4.300 tỷ đồng – mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay.
Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt cả ông lớn VPBank (8.279 tỷ đồng).
Ngoài VIB, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thuần trên 10% là NamABank (20%), MSB (19,2%), OCB (17,6%), ACB (16,8%), HDBank (12,8%) và VietinBank (10,2%).
Ở chiều ngược lại, VPBank có mức sụt giảm doanh thu thuần cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2023, lên tới 19,2% so với cùng kỳ 2022. Cùng với VPBank, nhiều ngân hàng khác cũng có mức giảm trên 10% là Eximbank (-18,4%), Ngân hàng Bản Việt (-17%), LPBank (-12,9%), VietBank (-11%).
An ninh Tiền tệ
- Nhiều tín hiệu tích cực trong quý 3, Techcombank trên đà về đích
- Top 10 ngân hàng về tỷ lệ CASA: Thứ hạng của một nhà băng nhảy vọt, số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng
- Tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng ngay ngáy lo đọng vốn
- Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất trong quý 3/2023?
- Trái chiều lợi nhuận ngân hàng quý III