Chi hàng tỷ USD cho chuyển đổi số, các ngân hàng Việt nhận 'trái ngọt'
Với sự đầu tư lớn về công sức, tiền của… đến nay, nhiều ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu gắt hái "quả ngọt" từ chuyển đổi số.
Ngành ngân hàng chi 'khủng' cho chuyển đổi số
Trong vài năm trở lại đây, chuyển đổi số đã trở thành một trong những chiến lược trọng yếu của ngành tài chính – ngân hàng trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, yêu cầu từ khách hàng về các dịch vụ ngân hàng nhanh chóng, tiện lợi và cá nhân hóa ngày càng gia tăng. Những yếu tố này đã thúc đẩy các ngân hàng rót hàng tỷ USD vào quá trình số hóa nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình vận hành, và cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số.
Ước tính, số tiền mà ngành ngân hàng Việt Nam đầu tư cho chuyển đổi số mỗi năm lên tới hàng trăm triệu USD, trải đều tại nhiều ngân hàng. Các khoản đầu tư này không chỉ nằm ở việc xây dựng hệ thống ngân hàng trực tuyến mà còn bao gồm việc nâng cấp hạ tầng bảo mật, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain,....
Chẳng hạn, trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, Techcombank dự kiến chi hơn 500 triệu USD (khoảng 11.500 tỷ đồng) cho chuyển đổi số và phát triển hạ tầng công nghệ, nhằm tạo ra một hệ sinh thái tài chính số toàn diện. VPBank và MB cũng đã chi hàng nghìn tỷ đồng vào việc triển khai hệ thống ngân hàng lõi, nâng cấp nền tảng kỹ thuật số và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trực tuyến. Trong khi lãnh đạo ACB tiết lộ, thời gian qua, ngân hàng này đã đầu tư rất nhiều trong cuộc cuộc chuyển đổi số với khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên phía các ngân hàng cổ phần nhà nước, Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng không kém cạnh khi tích cực phát triển các ứng dụng di động và hạ tầng trực tuyến, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài việc đầu tư vào hệ thống, các ngân hàng còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên công nghệ số. Điển hình là việc phát triển các ứng dụng AI để hỗ trợ trong quy trình phân tích dữ liệu và ra quyết định tín dụng, giúp tối ưu hóa quy trình xét duyệt khoản vay và giảm thiểu rủi ro.
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc cải tiến giao diện hay tính năng của các ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Nó còn mở ra cơ hội tái cấu trúc quy trình hoạt động của ngân hàng, giúp tối ưu hóa từ giai đoạn vận hành nội bộ cho đến phục vụ khách hàng. Điều này không chỉ giảm thiểu chi phí mà còn tăng cường tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường.
Một trong những ứng dụng quan trọng của chuyển đổi số là số hóa các quy trình vận hành, từ việc mở tài khoản, giao dịch trực tuyến cho đến phê duyệt khoản vay. Trước đây, việc mở một tài khoản ngân hàng hay xin cấp tín dụng yêu cầu khách hàng phải đến chi nhánh, điền hàng loạt giấy tờ và chờ đợi trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhờ số hóa, quy trình này đã trở nên tự động và nhanh chóng hơn rất nhiều. Khách hàng có thể mở tài khoản, xin cấp thẻ tín dụng hay đăng ký các dịch vụ ngân hàng trực tuyến chỉ trong vài phút mà không cần rời khỏi nhà.
Ngoài ra, ứng dụng AI và dữ liệu lớn (Big Data) còn cho phép ngân hàng phân tích hành vi và nhu cầu của khách hàng để từ đó đưa ra những giải pháp tài chính phù hợp, tối ưu. Điều này giúp gia tăng sự hài lòng và gắn kết của khách hàng với ngân hàng, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho vay nhờ khả năng dự đoán tín dụng chính xác hơn.
Nhờ chiến lược bài bản và nguồn vốn đầu tư khổng lồ, nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện nay có tỷ lệ giao dịch thực hiện trên kênh số đạt trên 90%. Trong đó, các nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...).
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả trên đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.
Trái ngọt của chuyển đổi số
Kết quả của sự đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số là các ngân hàng đã và đang gặt hái những "trái ngọt" cả về số lượng số lượng khách hàng lẫn hiệu quả kinh doanh.
Đơn cử, với hệ sinh thái số VPBank NEO, VPBank đã ghi nhận lượng giao dịch trực tuyến tăng vọt và doanh thu từ dịch vụ số hóa chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh thu của ngân hàng. Theo số liệu được ngân hàng này công bố, tính tới cuối năm 2023, số lượng khách hàng của VPBank đã vươn tới hơn 30 triệu người. Con số này tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2019-2023 với tốc độ tăng trưởng kép 21%/năm.
Tương tự, Techcombank cũng đã chứng kiến lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng mạnh, đồng thời lợi nhuận từ các dịch vụ không dùng tiền mặt đã tăng lên đáng kể. Năm 2023, Techcombank thu hút thêm 2,6 triệu khách hàng mới, cao hơn gấp đôi số lượng khách hàng mới của những năm trước. Trong đó, khoảng 94% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trực tuyến, và nền tảng ngân hàng số của ngân hàng nhận được hiện ghi nhận hơn 50 lượt đăng nhập cho mỗi khách hàng mỗi tháng.
Tại ACB, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát cho biết, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ trong 10 năm qua, quy mô ACB tăng gấp 4 lần, lợi nhuận tăng gấp 17 lần trong khi quy mô nhân sự chỉ tăng 0,3 lần. 5 năm gần đây ngân hàng đón bước ngoặt lớn trong hoạt động chuyển đổi số, khi số lượng giao dịch và doanh số giao dịch tăng đến 12 lần. Quy mô tín dụng ACB tăng 50% trong 3 năm gần đây, nhưng không tăng thêm nhân sự.
Không chỉ tăng trưởng về mặt số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, chuyển đổi số còn giúp tiết giảm chi phí vận hành, cải thiện tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR). Thống kê từ báo cáo các ngân hàng, tỷ lệ CIR của nhiều ngân hàng trong năm 2023 đã xuống dưới mức 40%, trong đó có một số ngân hàng xuống dưới ngưỡng 30% tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Đáng chú ý, những ngân hàng đầu tư mạnh mẽ nhất cho hoạt động chuyển đổi số cũng chính là những ngân hàng giảm được tỷ lệ CIR nhanh nhất như VIB, ACB, OCB, MB,Techcombank,…
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng tối ưu hóa khả năng quản lý rủi ro. Nhờ vào việc áp dụng các công nghệ mới như AI và blockchain, ngân hàng có thể phát hiện sớm các dấu hiệu gian lận, tăng cường bảo mật cho hệ thống và đảm bảo an toàn cho khách hàng trong mỗi giao dịch.
Đặc biệt, lợi ích xã hội của chuyển đổi số trong ngành ngân hàng cũng rất đáng kể. Số hóa không chỉ giúp ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn mà còn góp phần vào sự phát triển của kinh tế số. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ tài chính hơn nhờ vào các nền tảng số. Điều này giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững và cân bằng giữa các khu vực kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, lợi ích của chuyển đổi số với bản thân các NHTM cũng được nhìn thấy rõ ràng. Quá trình chuyển đổi số đã giúp tăng tốc xử lý hoạt động của hệ thống; giúp nhiều TCTD tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập, gia tăng CASA,… Qua đó góp phần giúp các ngân hàng gia tăng ổn định thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và tăng hiệu quả hoạt động.
Xét về tổng thể, chuyển đổi số đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, thách thức phía trước đối với chuyển đổi số của ngân hàng vẫn còn nhiều.
Theo chia sẻ của một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, thách thức đầu tiên là việc thiếu nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số. Việc thu hút và giữ chân nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số là một trong những khó khăn lớn nhất.
Thách thức nữa là cùng với việc số hoá, các ngân hàng phải nâng cao công tác bảo đảm an toàn thông tin cá nhân và thông tin quốc gia. Bảo mật thông tin là yếu tố tác động trực tiếp đến lòng tin của khách hàng nhất là người gửi tiền. Ở Việt Nam, rủi ro bảo mật thông tin thuộc nhóm 10 nước bị xâm phạm nhiều nhất trên thế giới. Vì vậy, cần có một hệ thống luật pháp hướng tới môi trường số hoá đồng bộ để hỗ trợ cho quá trình số hoá ngân hàng.
Better Choice Awards 2024
Better Choice Awards là giải thưởng tôn vinh, đề cao giá trị Đổi mới sáng tạo phục vụ lợi ích thiết thực của người tiêu dùng, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp tổ chức cùng Công ty cổ phần VCCorp, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Better Choice Awards có 3 hệ thống giải thưởng lớn bao gồm: Smart Choice Awards, Car Choice Awards và Innovative Choice Awards.
Năm 2024, Innovative Choice Awards lần đầu tiên mở rộng tới các lĩnh vực Nhà thông minh, Thời trang, Dịch vụ vận chuyển và đặc biệt là Tài chính - Ngân hàng, với bộ tiêu chí chấm giải được các chuyên gia tới từ PwC Việt Nam phối hợp xây dựng.
Giải thưởng đã bắt đầu nhận đề cử thông qua website: https://betterchoice.vn/ và sẽ công bố chính thức thông tin cũng như mở cổng bầu chọn vào ngày 9/9/2024, sau buổi họp báo tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6B Hoàng Diệu.
Nhịp sống Thị trường
Sự kiện: Green Banking
Xem tất cả >>- Ngân hàng duy nhất nhận giải Báo cáo phát triển bền vững tại Hội nghị Doanh nghiệp Niêm yết 2024
- Chuyển hướng đầu tư xanh sang các ngành ít carbon tại Việt Nam
- MSB đề xuất xây dựng bộ tiêu chí mới đánh giá và chính sách phát triển dự án xanh
- Green Cần Giờ Marathon HDBank 2024: Hành trình tạo dựng những di sản xanh
- Cần cơ chế khuyến khích để tăng tốc cho vay xanh