Chỉ mạnh tay 'đốt tiền' giảm giá cho khách hàng mua cà phê hay vào cửa hàng tiện lợi, MoMo tự tin 'nhà nghèo' vẫn sẽ thắng được Grab, ZaloPay trong trận chiến ví điện tử ở Việt Nam
Vì sao MoMo chỉ tập trung khuyến mại với khách hàng dùng ứng dụng của họ để mua ở các chuỗi cà phê và cửa hàng tiện lợi?
Với startup công nghệ tài chính MoMo, nhân tố chủ chốt để giành chiến thắng trong trận chiến với Grab, Sea và những đối thủ cạnh tranh khác để phục vụ 100 triệu người dùng ở Việt Nam rất đơn giản: MỘT LY CÀ PHÊ!
Trước đây, MoMo đã chạy quảng cáo ở một vài chuỗi cà phê lớn nhất cả nước gồm cả Highlands Coffee - với hơn 300 cửa hàng. Người dùng MoMo nhận được mã giảm giá khi sử dụng ứng dụng để đặt và thanh toán đơn hàng. Khuyến mại này được thiết kế nhằm đưa cho người dùng cảm giác thuận tiện của việc dùng "ứng dụng tất cả trong một".
Thu hút người dùng Việt Nam sử dụng MoMo cho những mua sắm nhỏ là một phần chiến lược của công ty này nhằm đưa được ứng dụng của họ "lên trang đầu của điện thoại", theo một người trong công ty. Theo suy nghĩ của MoMo, ở một đất nước mà 80% các giao dịch vẫn được thực hiện offline thì việc mua một tách cà phê là một giao dịch hợp túi tiền và đủ phổ biến để khuyến khích người dùng mở ứng dụng hàng ngày - hoặc thậm chí nhiều lần trong ngày. Do đó, điều đó có thể tăng cơ hội sử dụng các dịch vụ khác của MoMo, chẳng hạn như mua vé xem phim, đặt đồ ăn, đặt vé máy bay hoặc chơi trò chơi.
Danh mục dịch vụ đa dạng đã giúp thúc đẩy doanh thu tại MoMo, ngay cả khi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại như hiện tại, CEO Tuong Nguyen cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ năm với tờ Nikkei.
"Chúng tôi đã xây dựng được một doanh nghiệp khá cân bằng... Vì vậy chúng tôi tự tin rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất vẫn sẽ duy trì ít nhất 70% doanh thu của một tháng bình thường. Dĩ nhiên, vì vẫn muốn tiếp tục phát triển nên chúng tôi sẽ tập trung vào việc nỗ lực biến rủi ro thành cơ hội".
MoMo, viết tắt của Mobile Money, ra mắt vào năm 2013 và đã trở thành ví điện tử lớn bậc nhất Việt Nam. Với lợi thế là người đi đầu, MoMo có thời gian xây dựng mối quan hệ với hàng chục nghìn cửa hàng offline và kết nối chúng với công nghệ chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng. Ngày nay, MoMo chiếm 60% thị phần thanh toán di động của Việt Nam, xử lý 14 tỷ USD giao dịch hàng năm cho hơn 25 triệu người dùng.
CUỘC CHIẾN ĐẦY ĐAU ĐỚN
Tuy nhiên, sự nổi lên của MoMo đã thu hút các đối thủ ở nước ngoài, giúp biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á. Hàng chục công ty tham gia, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á như Sea và Grab. Tất cả đều đang nỗ lực "đốt tiền" để có được người dùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán rằng sẽ có rất ít đơn vị có thể sống sót trong cuộc chiến đó bởi họ không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các dịch vụ tương tự từ các ngân hàng và công ty viễn thông.
Takahiro Suzuki, đối tác quản lý của Genesia Ventures và là nhà đầu tư lâu năm ở Indonesia và Việt Nam, cho biết: "Thị trường cuối cùng có thể hợp nhất thành hai hoặc ba người chơi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đứng sau những công ty này đều có túi tiền rất sâu. Chỉ cần tiền vẫn không ngừng chảy vào, nhiều công ty có thể cùng tồn tại. Đó là một trận chiến mang đến nhiều đau đớn".
Tờ Nikkei nhận định, trận chiến đó có vẻ sẽ càng trở nên khốc liệt hơn. VNLife, nhà điều hành ví di động VNPay được hỗ trợ bởi Quỹ Tầm nhìn của SoftBank cho biết vào tháng 7 rằng họ đã huy động được 250 triệu USD từ General Atlantic, Dragoneer Investment Group, PayPal Ventures và một vài đơn vị khác.
MoMo, cho biết vào tháng 1 rằng họ đã huy động được 100 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus của Mỹ. Ngoài ra họ cũng đang xem xét huy động thêm vốn.
Ngoài việc mở rộng mạng lưới cửa hàng chấp nhận ứng dụng, MoMo đang chạy đua để mở rộng bộ dịch vụ của mình, phân nhánh sang các lĩnh vực như bảo hiểm xe máy và cho vay tiêu dùng. Họ đã mua lại một công ty phần mềm để tăng tốc độ phát triển sản phẩm. Có thể MoMo sẽ có thêm nhiều giao dịch, giống như những gã khổng lồ fintech khác ở châu Á như Ant Group của Trung Quốc và Paytm của Ấn Độ. Nhiều khả năng họ đang muốn thúc đẩy phát triển từ một doanh nghiệp thanh toán thành một ngân hàng kỹ thuật số.
Về phía các đối thủ nước ngoài, giá cổ phiếu của Sea liên tục tăng vọt còn Grab sắp niêm yết tại Mỹ.
Hiện tại, nền kinh tế trị giá 340 tỷ USD của Việt Nam vẫn nhỏ hơn của Indonesia, cũng như của Thái Lan và Philippines. Nhưng các nhà đầu tư nói rằng lĩnh vực fintech của quốc gia này đặc biệt hấp dẫn vì một số lý do. Việt Nam có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất khu vực với khoảng 80% dân số trưởng thành, nhưng số lượng chi nhánh ngân hàng trên đầu người tương đối thấp. Các cơ quan quản lý đã thể hiện sự ủng hộ đối với fintech, trao giấy phép ví điện tử cho hàng chục công ty. Sự kết hợp đó đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp muốn cung cấp dịch vụ tài chính qua điện thoại thông minh.
Các chuyên gia cũng nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã giảm bớt một "nút thắt" lớn để fintech có thể cất cánh. Thuyết phục các cửa hàng chấp nhận ví di động là một nhiệm vụ khó khăn vì các chủ sở hữu vốn chưa tin tưởng vào việc phải trả phí cho các nhà cung cấp ví di động hơn là chấp nhận tiền mặt. Nhưng những hạn chế trong đại dịch đã khiến họ phải tìm cách tiếp cận người tiêu dùng thông qua internet.
"Chúng tôi đang ở giai đoạn 'điểm uốn' và quan điểm của chúng tôi là nó sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ", một nhà quản lý quỹ của Mỹ cho biết. "Mức độ thâm nhập của điện thoại thông minh cao, vì vậy có một lượng lớn người tiêu dùng".
MoMo đã có vị trí tốt để nắm bắt thời cơ. Được thành lập vào năm 2007 như một nhà phân phối thẻ nạp điện thoại di động. Sau đó, họ nhìn thấy cơ hội để tận dụng lợi thế của sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại di động. Công ty đã tung ra ứng dụng chuyển tiền cho điện thoại phổ thông và sắp xếp lại một phần mạng lưới đại lý, nơi trước đây bán thẻ nạp điện thoại vào mảng kinh doanh thanh toán. Ứng dụng này cuối cùng đã trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng trẻ thành thị khi nhiều người trong số họ đổi điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh.
CHỈ CÔNG TY LỚN NHẤT, NHIỀU TIỀN NHẤT MỚI CÓ THỂ TỒN TẠI
Vấn đề hiện nay, mà các lãnh đạo MoMo thừa nhận sự thành công của ứng dụng đã giúp thu hút một loạt các đối thủ cạnh tranh đáng gờm vào thị trường.
Các đối thủ lớn nhất bao gồm VNG do Tencent Holdings hậu thuẫn, đang mở rộng dịch vụ thanh toán ZaloPay.
"Lợi thế cạnh tranh rất lớn của ZaloPay là liên kết với Zalo, ứng dụng trò chuyện phổ biến nhất cả nước", ông Huy Phạm đến từ Đại học RMIT Việt Nam cho biết. Tại Trung Quốc, Tencent đã sử dụng cơ sở người dùng WeChat lớn của mình để triển khai dịch vụ thanh toán, dịch vụ này nhanh chóng trở thành một trong hai ví điện tử thống trị tại quê nhà.
Trong khi đó, Grab đã hợp tác với Moca, một công ty thanh toán di động địa phương và biến đây trở thành lựa chọn thanh toán chính cho các dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn của mình. Sea cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán tại Việt Nam. Công ty này còn vận hành Now, một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất của Việt Nam.
MoMo hiện tin rằng họ có thể cạnh tranh thành công bằng cách khóa các chuỗi cà phê và cửa hàng tiện lợi. Người tiêu dùng trẻ tuổi sử dụng những nơi này thường xuyên hơn so với mua sắm trực tuyến hoặc gọi xe, một người thân cận với công ty cho biết.
Ông Huy Pham nói thêm: "Các khách hàng sẽ tải nhiều ví và chỉ cái nào có chiết khấu tốt nhất cho cửa hàng nơi mình mua sắm. Chính vì vậy thách thức đặt ra là khiến người dùng tiếp tục sử dụng một ứng dụng mà không cần những chiết khấu lớn". Điều đó có thể không? Câu trả lời của Huy Phạm là không. Ông đã hỏi 40 sinh viên của mình trong một lớp học fintech liệu họ có tiếp tục sử dụng ví điện tử mà không được giảm giá hay không. Tất cả đều nói không.
Vì vậy, ông cho rằng khoảng 5 năm nữa sẽ chẳng còn nhiều ví điện tử trên thị trường, ngoại trừ công ty lớn nhất.
"Họ phải đặt câu hỏi tại sao họ tồn tại được. Lý do là bởi một vài năm trước đây, hệ thống ngân hàng di động chưa phát triển tốt. Nhưng giờ đây, các ngân hàng cũng cung cấp hầu hết các dịch vụ tương tự như ví điện tử, do đó sẽ phải tìm cách khác biệt hóa chính mình", Huy Pham nói thêm.
Đặc biệt, các nhà phân tích cho rằng một rủi ro tiềm tàng lớn đối với toàn bộ lĩnh vực này là quy định. Các công ty khởi nghiệp Fintech đã phát triển một phần nhờ vào môi trường pháp lý thuận lợi. Ngân hàng trung ương cho biết có 34 ví điện tử ở Việt Nam, mặc dù chỉ có 5 ví có mức độ thu hút đáng kể. Nhưng việc nhận thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ các công ty fintech đối với hệ thống tài chính đã khiến một số quốc gia phải tăng cường giám sát. Các nhà quản lý Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp Tập đoàn Ant của Jack Ma. Tại Indonesia, ngân hàng trung ương cũng đã tạm thời ngừng cấp giấy phép ví điện tử mới.
Tờ Nikkei nhận định rằng, thời điểm vài tháng tới có thể sẽ là chìa khóa để xác định xem công ty nào sẽ là đơn vị sống sót sau cùng.
Một nhà đầu tư nhận định: "Chẳng ai sử dụng tới năm ví điện tử cả. Sẽ chỉ có 1 suất ứng dụng duy nhất trên trang đầu tiên của smartphone mà thôi".
Nguồn: Nikkei
Doanh nghiệp & tiếp thị