MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ thanh tra 1 lần/năm: Thật không?

Doanh nghiệp có quyền khiếu nại hoặc phản ánh đến Thủ tướng Chính phủ nếu bị thanh tra, kiểm tra quá mức quy định

Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có điểm đột phá là các cơ quan chức năng không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm. Rất nhiều DN hoan nghênh, ủng hộ quyết định đột phá này. Nếu thực thi đúng, DN sẽ “dễ thở” và bớt bị phiền hà hơn, dành thời gian và công sức cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Sẽ “dễ thở” hơn

Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết 35 hôm 27-5, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói ông từng nghe DN phản ánh tuần nào cũng phải tiếp các đoàn kiểm tra, cả chính thức và không chính thức. Trong đó, các DN sản xuất có lẽ là “đối tượng” bị cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, liên tục nhất.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, cho biết ông rất ủng hộ quy định về kiểm tra DN trong Nghị quyết 35 của Chính phủ, nếu cơ quan quản lý thực thi đúng như quy định sẽ “cởi trói” cho DN rất nhiều. Trước nay, cứ vài tháng, cơ quan thuế đến kiểm tra, DN đưa đầy đủ hồ sơ; vài tháng sau, hải quan lại tới, cũng hỏi những nội dung tương tự. Kinh doanh ngày càng khó khăn, cạnh tranh gay gắt, các DN đều có xu hướng tiết giảm chi phí nên nhân sự phòng kế toán chỉ vài người vừa đủ làm việc. Vậy nhưng, mỗi lần có đoàn kiểm tra, đội ngũ này phải tiếp đoàn để cung cấp hồ sơ, chứng từ, ảnh hưởng rất lớn đến công việc hằng ngày.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), cho rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra là vấn đề “nhạy cảm”, DN vốn rất khó nói nhưng thực tế ảnh hưởng rất lớn đến việc làm ăn. Một DN hoạt động có sự quản lý của rất nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau nhưng khổ nỗi các cơ quan này kiểm tra nhiều quá. “Mỗi lần tiếp các đoàn kiểm tra tốn rất nhiều thời gian, nhất là đặc thù ngành du lịch, khách sạn còn ảnh hưởng đến việc phục vụ du khách. Không ít lần, quản lý thị trường đến các khách sạn kiểm tra hoạt động niêm yết giá hay công an đến kiểm tra có cả du khách…, vô tình tạo hình ảnh không tốt về khách sạn trong mắt khách, dù chỉ là kiểm tra thông thường. Nay, Nghị quyết 35 yêu cầu chỉ kiểm tra DN không quá 1 lần/năm là quá tốt” - ông Tùng nêu.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động thanh - kiểm tra đối với DN có xu hướng gia tăng. Cụ thể, có đến 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh - kiểm tra thuộc tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Trung bình, các DN nhỏ và vừa phải tiếp 1-2 đoàn thanh - kiểm tra/năm; các DN lớn phải tiếp 3 đoàn. Có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ, 43% DN quy mô vừa và 50% DN quy mô lớn đón tiếp ít nhất 3 đoàn kiểm tra trong năm gần nhất. Tình trạng trùng lặp về nội dung thanh - kiểm tra cũng đáng báo động.

Doanh nghiệp vẫn băn khoăn

Nhận xét về Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng cái được rất lớn của nghị quyết này là nhận thức của Chính phủ. Dù còn hạn chế nhưng xu hướng đi lên và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ cải thiện với quyết tâm của Chính phủ. Có điều, thực thi nghị quyết của các ban - ngành, chính quyền địa phương sẽ ra sao? Ngay như quy định cơ quan chức năng không được kiểm tra DN quá 1 lần/năm, nhiều DN vẫn lo ngại cơ quan quản lý cấp dưới sẽ không thực thi hoặc tìm các cớ để gây phiền hà cho DN. Do đó, cần sự đôn đốc, thúc đẩy xuống các địa phương để triển khai quyết liệt.

Nhiều DN còn băn khoăn, không hiểu quy định “không được kiểm tra quá 1 lần/năm” thế nào cho đúng. Nếu hiểu theo nghĩa 1 năm tất cả cơ quan, ban - ngành chỉ được kiểm tra DN 1 lần (đoàn liên ngành), DN đã tiếp đoàn này rồi thì không tiếp thêm bất kỳ đoàn kiểm tra của cơ quan khác, trừ khi có sai phạm, bị thanh tra? Nếu đúng vậy thì quá thuận lợi cho DN. Còn nếu hiểu quy định áp dụng cho cơ quan hàng dọc (sở đã kiểm tra thì bộ, phòng không kiểm tra nữa) thì sẽ không khắc phục được nhiều tần suất kiểm tra tại các DN.

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanco Food, thắc mắc: Cơ sở nào để các cơ quan, ban - ngành biết DN đó đã được kiểm tra lần nào trong năm chưa để không kiểm tra tiếp? Việt Nam chưa nối mạng về hoạt động thanh tra DN, cơ quan chức năng không có cơ sở tham chiếu để biết DN đã được kiểm tra hay chưa và nếu trong 1 năm, mỗi cơ quan nhà nước chỉ được kiểm tra 1 lần thì DN vẫn phải tiếp cả chục cơ quan đến kiểm tra. “Nghị định 35 quy định DN có quyền từ chối nếu bị kiểm tra lần thứ hai nhưng thử hỏi làm sao dám từ chối? Nên chăng, cần thống nhất quy định cơ quan chức năng muốn kiểm tra DN trực thuộc bộ nào quản lý thì phải được bộ đó đồng ý để tránh trùng lắp, chồng chéo trong kiểm tra” - ông Phạm Ngọc Châu đề xuất.

Ý KIẾN

TS TRẦN DU LỊCH, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM:

Cần thực thi nhất quán

Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 thể hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trong buổi gặp gỡ cộng đồng DN là tạo thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Để triển khai nghị quyết này, Chính phủ còn phải chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước từng địa phương triển khai cụ thể, nhất quán, sao cho nghị quyết được thực thi, giúp DN được yên ổn sản xuất - kinh doanh.

Kiểm tra của nhà nước là cần thiết nhưng không được biến kiểm tra thành chuyện làm khó, cản trở hoạt động của DN. Ở đây, rất cần cái tâm của những cán bộ kiểm tra, mục đích kiểm tra là để phát hiện sai phạm nhằm giúp DN làm đúng theo pháp luật chứ không phải phục vụ mục đích khác. Nếu DN được hướng dẫn khắc phục sai phạm, tôn trọng pháp luật thì đó là điều kiện quan trọng nhất để có kinh doanh bình đẳng.

Ông LÊ TẤN THANH TÙNG, Phó Tổng Giám đốc Vitours:

Sẽ giảm bớt phiền hà

Trong các cuộc thanh - kiểm tra đối với DN, ít nhiều DN đều phải tốn chi phí không chính thức nhưng theo tôi, điều này không quan trọng bằng việc các cuộc kiểm tra gây phiền hà, tốn thời gian, công sức và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. DN liên tục phải làm báo cáo, tiếp đoàn kiểm tra theo yêu cầu từ các cơ quan thuế, quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy, cơ quan công an nhiều cấp… Khi phát hiện DN có vi phạm, cơ quan quản lý phải kiểm tra là bình thường nhưng ở đây việc kiểm tra định kỳ thôi mà cũng quá nhiều. Chúng tôi từng nhiều lần kiến nghị nhà nước chỉ nên tập trung một đầu mối kiểm tra liên ngành để tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Nay, với quy định trong Nghị quyết 35 của Chính phủ, có cơ sở pháp lý để DN dựa vào trong trường hợp cơ quan quản lý kiểm tra vượt quá mức quy định.

Ông PHẠM NGỌC CHÂU, Phó Tổng giám đốc Hanco Food:

Thôi “vạch lá tìm sâu”

Mấu chốt quan trọng nhất nằm ở mục đích kiểm tra để làm gì, để xây dựng cho DN tốt hơn hay kiểm tra để “hành” DN? Ở Việt Nam, đa phần là DN nhỏ và vừa, sức đề kháng kém nên rất “sợ” thanh - kiểm tra. Có những việc nên kiểm tra theo nhiệm vụ chuyên môn thì họ không làm mà chủ yếu vạch lá tìm sâu. Ví dụ, với DN sản xuất, việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa, đánh giá chất lượng, hóa đơn chứng từ thì cứ ra thị trường kiểm tra; phát hiện DN nào sai thì lập đoàn liên ngành kiểm tra DN chứ không cần đến DN mới kiểm tra những vấn đề đó.

Ngoài ra, ý thức, đạo đức của cán bộ nhà nước trong việc kiểm tra DN cũng rất quan trọng. Nhiều trường hợp DN không sai phạm, chỉ là không kịp cập nhật quy định liên quan đến lĩnh vực của mình, cán bộ kiểm tra thay vì xét trên góc độ khách quan, cho DN thời gian điều chỉnh thì lại bắt lỗi điểm sai đó để nhũng nhiễu, làm khó khiến DN rất ức chế và mất thiện cảm với cơ quan kiểm tra. N.Ý - L.Anh ghi

Theo Thanh Nhân - Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên