"Chìa khóa" giảm lãi suất cho vay
Tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn.
- 15-07-2023Thủ tướng: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
- 15-07-2023Ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất huy động
- 14-07-2023Các ngân hàng đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Đồng thời, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay; rà soát điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, giúp khách hàng tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Giảm lãi suất cho vay là yêu cầu được đặt ra liên tục trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn nhưng tỉ giá USD/VNĐ ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, cho thấy động thái quyết liệt của cơ quan quản lý. Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm hơn 2 điểm %, lãi suất cho vay giảm hơn 1 điểm %.
Mặc dù việc hạ lãi suất là rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng động thái liên tục giảm lãi suất điều hành dường như cho thấy công cụ điều hành đang tập trung vào chính sách tiền tệ. Trong khi đó, rất cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với các giải pháp, chính sách điều hành khác.
Vấn đề của nền kinh tế hiện tại nằm ở mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, rời khỏi thị trường vẫn ở mức cao; tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng, buộc phải kiểm soát chặt điều kiện cho vay. Như thế, dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn tín dụng. Ngược lại, cũng dễ hiểu vì sao ngân hàng phải duy trì lãi suất cao để bù đắp rủi ro tín dụng. Chưa kể, chi phí vốn của các ngân hàng còn ở mức cao nên lãi suất cho vay chưa thể giảm sâu.
Trong xu hướng giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay còn giảm tiếp hay không phụ thuộc nhiều vào mức độ rủi ro của nền kinh tế và doanh nghiệp. Kiểm soát rủi ro vay chính là chìa khóa để giảm lãi vay, bởi ngân hàng chỉ có thể mạnh tay giảm lãi suất khi họ kiểm soát được rủi ro khoản vay.
Nếu từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động giảm thêm khoảng 1 điểm % thì lãi suất cũng chỉ ở mức tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19. Với lạm phát khoảng 4,5%, cộng với biên độ 2% để người gửi tiền có lãi thực dương, thì lãi suất huy động ở khoảng 6,5%/năm là phù hợp. Đối với lãi suất cho vay, mức hợp lý là cao hơn lãi suất huy động khoảng 3%, tức khoảng 9,5%/năm. Nhưng hiện tại, cả lãi suất huy động và cho vay trên thị trường vẫn cao hơn mức này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sớm dừng lộ trình tăng lãi suất trong năm nay, giúp tỉ giá USD/VNĐ tiếp tục ổn định, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm 0,5 điểm % đối với các mức lãi suất điều hành trong thời gian tới. Bài toán quan trọng lúc này là cần phối hợp đồng bộ nhiều chính sách điều hành, như chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Không chỉ giảm thêm lãi suất, ổn định tỉ giá mà còn cần khôi phục thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, xuất nhập khẩu..., tiếp sức nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Người lao động
- Đẩy nhanh vốn tín dụng ra thị trường
- Lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn chênh lệch lớn
- Giá vàng nhẫn vọt lên mức kỷ lục 58 triệu đồng/lượng, người giữ vàng lãi đậm
- VietinBank hạ lãi suất huy động từ ngày 19/9, toàn bộ nhóm Big4 đã giảm về mức đáy lịch sử
- Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh