Chia sẻ kinh nghiệm phũ phàng khi mua lại quán cà phê: Quán ế, không có khách mới phải sang nhượng!
Dịch Covid-19 khiến nhiều quán cà phê phải đóng cửa, sang nhượng nhưng đồng thời lại đem tới cơ hội cho những ai đang có dự định startup trong lĩnh vực này.
- 24-04-2020Tái xuất mùa Covid-19, quán cà phê Hà Nội làm ghế "cô đơn"
- 23-04-2020Quán Phở Thìn thái thịt xuyên đêm sau tin nới lỏng cách ly, cà phê Giảng sắp bàn giãn cách
- 05-04-2020Startup Shark Tank bán cà phê qua cần câu, quán phở giao dịch bằng ròng rọc
Hậu Covid-19, không khó để thấy trên các diễn đàn, hội nhóm, thông tin sang nhượng quán cà phê xuất hiện khá nhiều. Lý do được người chủ đưa ra cũng phong phú không kém: Do dịch bệnh nên không thể gánh tiếp chi phí, do vướng chuyện cá nhân (sinh con, chuyển công tác), do cổ đông rút vốn,…
Với những người đang có ý định startup trong mảng quán cà phê, đây rõ ràng là một cơ hội tốt. Thay vì phải gây dựng từ đầu, họ sẽ được thừa hưởng gần như toàn bộ cơ sở vật chất từ chủ cũ, không mất thời gian định hình phong cách, sắp xếp đồ đạc, nội thất,…và chắc chắn chi phí sang nhượng lại cũng sẽ thấp hơn đầu tư mới. Chưa kể, nếu may mắn, có thể tận dụng được nguồn khách quen trước đó.
Tuy nhiên, để sang nhượng hiệu quả như lý thuyết trên lại không hề đơn giản. Trong thực tế, đã có những trường hợp phải mua lại với giá mức giá "hớ" hay bị "lừa" vì cứ nghĩ quán làm ăn tốt mà không biết chủ cũ đã nhờ người thân, người quen giả vờ làm khách.
Theo kinh nghiệm của những người đã từng sang nhượng quán cà phê, có một số điểm cần cần chú ý sau:
- Thứ nhất: Khi muốn sang nhượng, người chủ sẽ có trăm vàn lý do: mới xin được việc nhà nước, sắp đi nước ngoài, chửa đẻ, …Tuy nhiên đa phần đều xuất phát từ nguyên nhân: Quán ế không có khách mới phải sang nhượng. Nếu quán vẫn kinh doanh ổn định, doanh thu tốt, thì không ai dại gì sang nhượng. Nhân viên đâu, người nhà đâu, bạn bè đâu? Sao miếng ngon thế lại để phần người ngoài?
Ảnh minh họa
- Thứ hai: Đã sang nhượng tức là đến bước đường cùng, không có khả năng tiếp tục đóng tiền nhà, nhưng nhiều chủ cửa hàng lại hét giá trên trời, vì sao? Để may mắn gặp "gà" họ sẽ gỡ lại số tiền thua lỗ của những tháng kinh doanh trước đó. Hét giá là việc của họ, còn việc trả giá là của người mua. Lúc này người mua phải tỉnh táo, không cần nhìn số tiền họ hét, mà phải đến thực tế nhìn đồ đạc của quán, liệt kê cụ thể chi tiết và định giá theo giá thanh lý, chứ không phải lấy nhượng mà giá đồ cũ còn đắt hơn cả mua mới.
Ví dụ đã từng có quán bán đồ bikini tại Hà Nội, đăng sang nhượng lên mạng giá 150 triệu cả đồ, 70 triệu không đồ. Cuối cùng phải để lại cho chủ mới với giá 15 triệu, vì đã hết tiền nhà và ngậm ngùi ra đi.
- Thứ ba: Khi có ý định lấy nhượng lại 1 quán nào đó, đừng tiếc thời gian đến thăm dò địa bàn. Hãy đến trực tiếp quán xem tình hình họ buôn bán thế nào, lượng khách ra sao. Sau đó lân la ra hàng nước gần đấy (thông tấn xã vỉa hè) hỏi dò xem chủ nhà này là người như thế nào, quán này đã nhiều đời chủ thuê chưa, chủ thuê này làm ăn ở đây lâu chưa, quán có khách không,...
- Thứ tư: Chú ý thủ tục sang nhượng. Các chủ mới thường rất "máu" nhưng trong mọi trường hợp, bao giờ thương thảo rõ ràng điều khoản, 2 bên chốt phương án cuối cùng thì mới đặt cọc; bao giờ gặp nói chuyện được với chủ nhà mới trả đủ tiền. Ngoài ra, các chủ nhà sẽ tìm cách tăng giá nếu nhận thấy bạn kinh doanh có lãi. Vậy nên sau khi sang lại quán cà phê, nên làm hợp đồng rõ ràng. Lưu ý trong hợp đồng thuê nên ràng buộc không tăng giá trong thời hạn thuê. Trường hợp bất khả kháng tăng giá thì chỉ tăng tối đa 5-10%
- Thứ năm: Chuẩn bị đường rút lui. Khi kinh doanh, không ai muốn mình là người thua cuộc. Tuy nhiên, do nhiều lí do, có thể bạn sẽ phải tiếp tục sang lại quán cho người khác. Hãy lên kế hoạch để bản thân không bị lỗ quá nhiều và chuẩn bị sẵn tâm lý nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
Trí Thức Trẻ