"Chiến dịch bất tử" của Adidas
Gã khổng lồ đồ thể thao của Đức muốn tạo nên những sản phẩm có chu kỳ sử dụng vật liệu vô tận. Và theo nghĩa nào đó, mỗi phần của chúng sẽ trở thành bất tử.
- 14-02-2019Sản xuất than không thải ra CO2 từ nước thải, đây là cách giúp năng lượng sạch thực sự gần gũi
- 14-02-2019Chống "nhựa hóa trái đất" với những siêu thị trần trụi
Trên mỗi email được gửi đi trong nội bộ của Adidas, có một dòng chữ nhỏ đã xuất hiện suốt nhiều năm qua: "Vui lòng không in nội dung email này ra giấy". Sau 7 năm, Adidas tính toán, hãng đã giảm được 38% lượng giấy sử dụng chỉ với một thông điệp đơn giản.
Gần đây, nhà sản xuất dụng cụ thể thao lớn thứ hai thế giới cũng quyết định ngừng phục vụ nước đựng trong chai nhựa, đổi ống hút nhựa thành ống hút giấy trong các cuộc hội thảo tiếp thị toàn cầu của hãng. Những chiếc túi đựng tài liệu cũng được tạo ra từ biểu ngữ tái sử dụng, trong một nỗ lực giảm chất thải nhựa và giảm sử dụng nguồn nước.
James Carnes, Phó chủ tịch chiến lược thương hiệu toàn cầu của Adidas, nói với Tạp chí Fortune rằng loạt thay đổi này dễ tạo nên những tranh luận nhỏ trong nội bộ. "Một số người nói tôi thích loại ống nhựa cũ, nhưng khi chúng tôi cứng rắn, họ sẽ phải suy nghĩ lại".
Theo kế hoạch được tiết lộ, đến năm 2020, tập đoàn này muốn thực hiện được 6 mục tiêu quan trọng trong nỗ lực thay đổi cách thức kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường. Trong số đó, Adidas yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu giảm 50% lượng nước, giảm 20% năng lượng và 75% lượng giấy sử dụng trên mỗi nhân viên. Adidas cũng đã kết nối với các cung cấp sợi bông sản xuất theo tiêu chuẩn "có trách nhiệm với cộng đồng" để thay thế 43% số lượng bông tiêu thụ hàng năm.
Đổi mới vật liệu là cách để Adidas và đối thủ chính của họ là Nike có thể tiếp cận đến khách hàng một cách bền vững hơn nhờ các chương trình gây tiếng vang. Nhưng hai năm gần đây, Adidas có phần thắng thế vì những giải pháp nhằm tăng cường sử dụng nhựa tái chế cho các sản phẩm cao cấp của mình, điều vượt xa khỏi những nỗ lực mà một thông điệp trên email hay các cuộc hội thảo có thể mang lại.
"Loài người mỗi năm đưa vào sử dụng 200 triệu tấn nhựa, và 10% trong số đó sẽ nằm lại ở dưới đáy đại dương sau khi kết thúc vòng đời ngắn ngủi của mình. Vậy nên, một trong những mục tiêu dài hạn của chúng tôi là tạo ra một chu kỳ sử dụng vật liệu vô tận, để biến mỗi phần của Adidas trở thành bất tử. Đó là tính bền vững mà chúng tôi hướng tới", Carnes nói.
Là nhà tài trợ áo đấu chính thức của CLB Bayern Munich và Real Madrid, Adidas đã có những cải tiến đáng kể trong những mẫu thiết kế của mình xuyên suốt nhiều năm qua cho hai câu lạc bộ này. Năm 2016, hãng cung cấp cho hai ông lớn bóng đá quốc tế những chiếc áo thi đấu cực kỳ đặc biệt: Được sản xuất từ những mảnh vụn nhựa thu thập từ biển.
Nhưng đó chưa phải là điểm cuối tham vọng của Adidas. Hai mẫu áo này chỉ là một phần trong hệ sinh thái các sản phẩm thuộc thương hiệu hợp tác với Parley mà hãng đang phát triển. Trong đó, sản phẩm nổi tiếng nhất là giày thể thao Adidas UltraBOOST Parley Ocean.
Theo công bố của Adidas, nguồn nguyên liệu để làm ra các sản phẩm này sẵn có, rẻ tiền và sẵn có đến mức gần như miễn phí, bởi chỉ là rác được thu thập từ bờ biển trên khắp thế giới. Nhựa sau đó trải qua quá trình nhiệt hóa, thu nhỏ thành viên vi nhựa, rồi kéo sợi. Cuối cùng, chúng được đan thành mũ giày, và hoàn tất quá trình tái chế.
Mỗi đôi giày Adidas UltraBOOST Parley Ocean được làm từ 11 chai nhựa thu thập. Báo cáo môi trường của Adidas cho biết, hãng đã bán được 1 triệu đôi Parley vào năm 2017, có thể chạm mốc 5 triệu đôi vào năm 2018 và chạm mục tiêu 11 triệu đôi vào năm 2019. Điều này có nghĩa là có hàng chục, hàng trăm triệu chai nhựa trở lại với cuộc sống thay vì rơi xuống đáy biển.
Với các nhà hoạt động môi trường, Parley Ocean cho thấy Adidas đã có bước đi mạnh mẽ và dẫn đầu xu thế, nhưng như vậy là chưa đủ. Bởi nhựa vẫn là nhựa, dù được tái chế và sử dụng như một sản phẩm mới thì vẫn luôn có nguy cơ nó sẽ quay lại bãi rác và tạo ra chất thải nguy hại một lần nữa. Tái chế một lần là chưa đủ với thiên nhiên.
Kế hoạch của Adidas một lần nữa được nối dài. Hãng quyết định mở rộng chương trình bằng cách thêm gói ưu đãi dành cho khách hàng nếu họ mang những đôi giày đã qua sử dụng của mình quay trở lại cửa hàng của hãng, để chúng được tái chế đúng cách và có khả năng tái sử dụng.
"Dẫu rằng đây vẫn không phải là chương trình bắt buộc áp dụng với mọi cửa hàng Adidas trên toàn thế giới, nhưng chúng tôi tin, đó vẫn sẽ là một sự khởi đầu. Về lâu dài, đó vẫn không phải là vật liệu sinh học có khả năng tự hủy, và chúng tôi chỉ đang cho mình thêm thời gian nhằm tìm kiếm những giải pháp mới, trong khi vẫn đối xử có trách nhiệm với cộng đồng và thiên nhiên"./.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Kinh doanh tử tế
Xem tất cả >>- Quyết tâm chống "ô nhiễm trắng", doanh nhân Việt sáng tạo vải tái chế mới, mở thương hiệu thời trang hạng sang trên đất Mỹ
- LEGO – “Vệ sĩ” của trẻ em trên toàn thế giới
- Con gái Dr.Thanh: Câu chuyện truyền cảm hứng nhất của cha tôi là bán xe máy mua xe đạp!
- Sẵn sàng uống nước từ bồn cầu sau khi xử lý, đây là cách Bill Gates và quỹ từ thiện 50 tỷ USD của vợ chồng ông làm thay đổi thế giới
- Thành lập công ty để “trả nợ rừng”