Con gái Dr.Thanh: Câu chuyện truyền cảm hứng nhất của cha tôi là bán xe máy mua xe đạp!
Trân trọng những cống hiến và triết lý sống của cha mình nhưng thế hệ thứ hai của Tân Hiệp Phát (THP), bà Trần Uyên Phương - con gái ông Trần Quí Thanh cũng có những cách nhìn rất riêng về việc phát triển THP trở thành một tập đoàn toàn cầu.
- 11-01-2019Doanh nhân Việt đầu tư ra nước ngoài: Khó ở đâu?
- 27-11-2018Trò chuyện với doanh nhân Việt phát biểu trước QH Nhật Bản
Chào Uyên Phương, chào mừng bạn đến với High Flyer, thật vui vì có bạn ở đây hôm nay. THP hiện là tập đoàn đồ uống đóng chai sở hữu tư nhân lớn nhất Việt Nam. Nhưng tại sao cha bạn lại không khởi nghiệp với một công ty đồ uống đóng chai mà lại là công ty sản xuất men?
Cha tôi luôn muốn kinh doanh, cho dù ông có nền tảng là một kỹ sư. Triết lý của ông là làm thế nào để thực hiện mọi việc một cách hiệu quả nhất, làm thế nào để mọi công việc đều tốt hơn. Ông ấy dự đoán được ở nơi nào thì các nguồn lực của mình có thể tạo ra nhiều giá trị hơn. Nên ông ấy chuyển từ men, đường sang sản xuất bia, và đó là khi THP của chúng tôi bắt đầu, và giờ thì chuyển thành tập đoàn sản xuất đồ uống.
Việc bắt đầu từ con số không và gây dựng cả một sự nghiệp lớn thật không phải dễ, nhất là khi ông đột ngột trở thành trẻ mồ côi năm 9 tuổi, mọi thứ rất khó khăn đúng không?
Chân dung về cha tôi thời bé là hình ảnh về một cậu trẻ mồ côi, đã từng bị lừa, từng gục ngã, nhưng cuối cùng ông vẫn tạo ra một cơ nghiệp nhiều triệu đô. Tôi tin là những khó khăn đó đã mang đến cha tôi của ngày hôm nay. Mỗi bài học trong cuộc sống đều được cha tôi nhìn nhận theo một cách rất khác. Ông học được cách để vượt qua thất bại, mạnh mẽ hơn và giải quyết mọi thứ. Thay vì bỏ cuộc, mất niềm tin vào cuộc sống hay con người, cha tôi học cách để giỏi hơn, quản lý mọi thứ tốt hơn, nhìn nhận tình huống tốt hơn và nhìn người tốt hơn.
Bạn từng kể câu chuyện cha bạn ngày khởi nghiệp không có gì ngoài 2 đôi đũa và 2 chiếc bát?
Câu chuyện đó là một câu chuyện tuyệt vời về cha tôi. Nhưng với tôi, với tư cách là con gái ông, câu chuyện thú vị nhất về ông - cũng như chính là bài học cho tôi, chính là cha tôi đã bán xe máy để mua xe đạp.
Với một người từng là "đại ca", bán xe máy để mua xe đạp quả là chuyện không ngờ. Tôi cứ tự hỏi sao ông lại làm thế. Cha tôi nói với tôi rằng ông không muốn sống chỉ để kiếm tiền đổ xăng xe máy, nếu ông bán xe máy mua xe đạp, ông có thể dư ra một chút tiền để làm việc khác.
Ông luôn sử dụng nguồn lực tốt nhất mà ông có để làm điều khác biệt. Đó là điều mà tôi học được từ ông và là điều mà ông luôn nói với chúng ta: "Không quan trọng bạn có bao nhiêu tiền, mà là bạn có thể làm gì để quản lý nguồn lực mà bạn có. Nếu bạn có nhiều tiền nhưng lại không thể sinh lời, thì đấy là ác mộng, là thảm họa với cuộc đời bạn".
Bạn nói rằng cha bạn truyền cảm hứng cho bạn mỗi ngày. Khía cạnh nào trong việc lãnh đạo mà bạn chịu ảnh hưởng từ cha mình?
Câu trả lời của tôi sẽ không dễ chịu lắm đâu. Cha tôi rất khó tính và thẳng thắn, nhiều khi tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ muốn trở thành người như thế, nhưng mà bây giờ thì tôi lại đang gần giống như thế rồi (cười).
Ở Việt Nam, dùng "lời hay ý đẹp" nó đã trở thành một nét văn hóa rồi. Nhưng nhiều khi ẩn ý thì người ta lại hiểu nhầm ý mình, nên tôi sẽ nói thẳng thắn và dễ hiểu. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng trong việc lãnh đạo, vì quan trọng nhất vẫn là hiệu quả mà thôi.
Bạn đã có một cuốn sách về việc cạnh tranh với những "gã khổng lồ". Và trên thực tế là bạn đang cạnh tranh với Pepsi, với Coca. Năm 2012, cha bạn từng nhận một lời đề nghị của Cocacola (2,5 tỷ USD). Và cha bạn đã trả lời "Cảm ơn, nhưng tôi từ chối". Câu chuyện là gì?
Bạn biết đấy, khi một ông lớn đến nhà bạn, gõ cửa và nói: Xin chào, có khi nào chúng ta nên hợp tác như "người nhà" không? Điều đó tuyệt chứ, có nghĩa là chúng tôi đã được ghi nhận, họ đã nhìn thấy triển vọng mà chúng tôi có thể mang lại. Chúng tôi cũng đã ngồi lại và bàn bạc, thậm chí là đã có kế hoạch 10 năm. Nhưng cuối cùng chúng tôi nói không, vì đó không phải là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến.
Vậy hai bên khúc mắc ở chỗ nào thế? Có phải là văn hóa hay mục tiêu cuối cùng không?
Nó là mục tiêu, những giá trị mà chúng tôi muốn mang lại cho cộng đồng. Chúng tôi muốn sản xuất sản phẩm có lợi cho sức khỏe, muốn mang sản phẩm mới, công nghệ mới đến với thế giới.
Bạn là một phần trong quá trình đàm phán với Cocacola, bạn học được gì từ điều đó?
Các thỏa thuận lúc nào cũng bắt đầu với việc "Mọi chuyện đơn giản lắm", "Bạn sẽ đạt đến tiềm năng tốt nhất của bạn", "Bạn sẽ có những thứ bạn chưa bao giờ có", đại loại thế. Chúng tôi cũng từng rất hào hứng và nghĩ rằng có thể đó là một cơ hội tốt. Nhưng sau cùng thì chúng tôi nghĩ đến việc làm thế nào để có thể cùng phát triển với thương hiệu hàng đầu thế giới, chứ không phải là một phần của họ.
Kỳ vọng THP sẽ đạt trị giá 3 tỷ USD là một tham vọng lớn đúng không?
Đúng vậy, đó cũng là cách chúng tôi bước ra khỏi "vùng an toàn" của mình. Chúng tôi thực sự sẽ phải làm nhiều điều mới mẻ hơn nữa để hiểu người tiêu dùng muốn gì, linh hoạt và thích nghi tốt hơn để gần gũi với khách hàng. Chúng tôi tin rằng đó là một nét văn hóa tốt và THP luôn nói rằng: Chỉ cần bạn nghỉ 3 ngày thôi thì khi bạn quay lại bạn đã không hiểu "chuyện gì vừa diễn ra thế?" rồi. Điều đó cho thấy chúng tôi cần phải tiến bộ từng ngày.
Năm 2000 chúng tôi gia nhập thị trường đồ uống tăng lực, đến nay đã hơn 18 năm rồi, chúng tôi đã tăng trưởng rất tốt. Mỗi ngày đều là một thách thức đối với chúng tôi.
Chúng ta nói về việc cạnh tranh với "gã không lồ" và đó cũng là tiêu đề cuốn sách của bạn. Thông điệp bạn muốn mang lại là gì?
Thật ra gã khổng lồ có thể là bất cứ ai, thậm chí có thể là chính bạn. Mọi người nói với tôi cha tôi chính là "gã khổng lồ" đối với tôi, điều đó đúng chứ. Rất nhiều bạn trẻ nói rằng: "Bố mẹ em không thích điều em làm, em nên làm gì?" hay là "Đây là ước mơ của em nhưng bố mẹ em lạ muốn em làm thứ khác." Đó cũng là những thách thức, cũng là những "gã khổng lồ" mà chúng ta cần phải vượt qua.
Điều mà tôi luôn nói với nhân viên của mình là: "Đối thủ không quan trọng, quan trọng là tự bản thân bản phải tiến bộ từng ngày và mang đến cho khách hàng sản phẩm tốt nhất".
Thách thức lớn nhất trong việc cạnh tranh với các ông lớn là gì?
Họ có nguồn lực tốt hơn, lớn hơn. Vì vậy chúng tôi cần chi tiêu hiệu quả hơn, thông minh hơn. Điều đó là vô cùng quan trọng với chúng tôi. Rất nhiều hãng trong nước coi THP là hãng lớn, cho rằng chúng tôi có rất nhiều tiền, nhưng mấu chốt của chúng tôi vẫn là làm thế nào để chi tiêu hiệu quả. Thay vì dùng 10 viên đạn bắn một con chim thì chúng tôi phải "một phát ăn hai". Khi bạn không có đủ nguồn lực nhưng lại muốn làm nhiều thứ thì chỉ có cách là sáng tạo hơn, làm tốt hơn mà thôi.
THP đã có mặt ở 16 quốc gia rồi, tầm nhìn về thị trường quốc tế của các bạn ra sao? Bạn muốn mở rộng thị trường của mình đến mức nào, đến Mỹ chẳng hạn?
Lợi thế là ở Mỹ cũng có cộng đồng người Việt. Đó là nơi chúng tôi tìm thấy điểm tương đồng để quảng bá sản phẩm châu Á đến Mỹ.
Người Việt có câu "chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời". Bạn đang là thế hệ thứ hai của việc kinh doanh trong gia đình bạn rồi, bạn cảm thấy thế nào?
Nhiệm vụ mà tôi phải làm rất khác với thế hệ đầu tiên - là cha tôi. Tôi phải làm thế nào để cống hiến nhiều hơn? Tôi cần phải trân trọng và tiếp nối những gì mà tôi đang được thừa hưởng. Phát triển những gì mà thế hệ trước đã làm được, đó là điều mà tôi nên làm.
Đối với bạn sự giàu có có ý nghĩa thế nào, một vài người gọi bạn là cô gái tỷ đô?
Khi tôi đứng sau một cơ ngơi khổng lồ thì tôi phải làm thế nào để nó phát triển hơn nữa. Nhiều người cho rằng tôi đã quá sung sướng khi sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng áp lực với tôi là phải làm mọi thứ thậm chí tốt hơn nữa, dựa trên những nguồn lực mà tôi được thừa hưởng.
THP cũng có trách nhiệm xã hội rất tốt, bạn đã xây 18 công trình cầu đường, và cung cấp bộ lọc nước cho người dân. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp quan trọng thế nào với bạn?
Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào tôi có thể làm những thứ lớn lao hơn, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để phân tích xem nên làm gì thì tốt cho việc kinh doanh và cho cộng đồng. Chúng tôi cần phải cân bằng cả hai yếu tố đó để phát triển bền vững.
Chúng tôi nhận ra rằng nhiều trẻ em vùng cao, vùng sâu vùng xa Việt Nam không được tiếp cận với giáo dục, các em thường phải đi cano, đi thuyền mà mỗi lần chỉ chở được vài người, hoặc đi đường vòng vài cây số. Sau nhiều nghiên cứu chúng tôi nhận ra xây cầu có thể giúp các em đi học, giúp người lớn đi chợ mà không tốn đến 2 giờ đồng hồ, giờ họ đã có cầu và chỉ mất 15 phút thôi.
Chúng tôi hỏi chính quyền là các ông cần bao nhiêu cầu ở vùng này. Chúng tôi bị sốc khi họ nói, nếu cô hỏi thì chắc chúng tôi cần khoảng trên dưới 300 chiếc. Trời, 300 chiếc cầu cho một vùng, nhu cầu thật sự rất lớn. Chúng tôi xây dựng chương trình mang tên: "Nhịp cầu ước mơ", để có thể góp một phần nhỏ để các em học sinh có thể đến trường.
Chúng tôi cũng cung cấp cho các gia đình bộ lọc nước vì nhiều vùng còn thiếu nước sạch, nhiều nơi chỉ có nước mặn.
Liệu THP có luôn là một tập đoàn gia đình không?
Câu trả lời là không. Chúng tôi muốn điều tốt nhất cho THP. Nếu kinh doanh gia đình là điều tốt thì chúng tôi sẽ giữ nó như thế. Nhưng nếu chúng tôi thấy rằng sự gia nhập của một vài đối tác chiến lược là tốt cho sự phát triển của THP mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi, chúng tôi sẵn sàng hợp tác.
Chúng tôi đã có những người trong đội ngũ THP qua mọi lúc thăng trầm mà không bao giờ bỏ cuộc, tại sao lại không coi họ là gia đình chứ? Họ vô cùng quan trọng với chúng tôi, sao không chăm sóc học chứ?
Một công ty gia đình đi từ 20 đến 4.000 nhân viên, bạn thấy sao về hành trình của công ty, cũng như của chính bạn?
Tôi trân trọng cha mình, về triết lý sống của ông. Công ty chỉ là một sân chơi. Tôi cũng rất băn khoăn khi ông ấy nói vậy, tôi tưởng đó phải là đứa con tinh thần của ông, ông đã đổ rất nhiều công sức vào đó mà. Nhưng ông nói, không, thực ra công ty chỉ là nơi để chúng ta thể hiện bản thân và tạo ra giá trị mà chúng ta tin ở cuộc sống. Tôi rất trân trọng những người dám nghĩ dám làm, chứ không phải những người có một ngàn ý tưởng nhưng không bao giờ thực hiện.
Cảm ơn vì bạn vì cuộc trò chuyện này!
Bloomberg
Sự kiện: Kinh doanh tử tế
Xem tất cả >>- Quyết tâm chống "ô nhiễm trắng", doanh nhân Việt sáng tạo vải tái chế mới, mở thương hiệu thời trang hạng sang trên đất Mỹ
- LEGO – “Vệ sĩ” của trẻ em trên toàn thế giới
- Sẵn sàng uống nước từ bồn cầu sau khi xử lý, đây là cách Bill Gates và quỹ từ thiện 50 tỷ USD của vợ chồng ông làm thay đổi thế giới
- Thành lập công ty để “trả nợ rừng”
- Dùng công nghệ tối tân để tiết kiệm những thứ nhỏ nhất, một tập đoàn Thụy Sĩ bảo vệ môi trường Việt Nam theo cách “không giống ai”