Thành lập công ty để “trả nợ rừng”
Đỗ Hoàng và Nguyễn Công Huân là 2 sáng lập viên của Vietherb (Thuốc Nam Việt). Họ tìm kiếm, nghiên cứu ra các bài thuốc, sản phẩm làm từ dược liệu tốt cho sức khỏe người dùng nhưng lại sẵn sàng chia sẻ bí quyết cho người khác.
Nhìn vẻ ngoài, Huân (sinh năm 1978) có vẻ bụi bặm. Cầm trên tay những gói thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh, Huân say sưa giới thiệu những thành phần có trong gói thuốc. Rồi anh không ngừng nhấn mạnh, những loại cây này đều rất dễ kiếm, dễ trồng. Cũng vì thế sau gần 30 phút giới thiệu hăng say, những người đến nghe phát hiện ra rằng, họ cũng có thể tự làm được để sử dụng.
Giải thích về điều này, Huân cười và cho biết, đó là chính là điều mà Vietherb hướng đến. Kể về sự ra đời của Vietherb, Huân nói: "Đó là cách chúng tôi chọn để tri ân cho rừng, cho mảnh đất Hữu Lũng, Lạng Sơn đã sinh ra và che chở cho tôi và Hoàng. Cách giữ và bảo tồn rừng tốt nhất là những ông lang, bà mế. Nhưng để ông lang, bà mế tồn tại và phát triển được thì phải được người tiêu dùng đón nhận".
Đỗ Hoàng và Nguyễn Công Huân là hai người bạn thân với nhau từ thủa thiếu thời. Lớn lên tốt nghiệp đại học ra trường, cả hai không có chút kiến thức về thuốc nam, nhưng dường như họ lại có duyên với cây cỏ, với rừng xanh, núi đỏ.
Những năm đầu đi làm, cả hai đều làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs) về bảo tồn và lưu giữ những giá trị của văn hóa người bản địa. Qua đó, họ may mắn được tiếp xúc với không ít ông lang, bà mế - những người nắm giữ nhiều bài thuốc nam bí truyền vô cùng quý giá và hiệu nghiệm.
Nhưng cả hai cũng nhận ra rằng rất nhiều bài thuốc quý đang đứng trước nguy cơ thất truyền và bỏ quên vì không có lớp người kế cận. Muốn bảo tồn và lưu giữ được cần phải phát triển được và biến nó thành một sản phẩm tiêu dùng không thể thiếu.
Hoàng (bên trái) và Huân (bên phải) trong một chuyến đi tìm những cây thuốc Nam
Trăn trở là làm. Năm 2011, Đỗ Hoàng, Nguyễn Công Huân cùng với một người bạn thuở niên thiếu nữa đã quyết định lập ra công ty Cổ phần Thuốc Nam Việt (Vietherb), với mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn, ứng dụng và phát triển bền vững cây thuốc, bài thuốc nam quý của dân tộc. Bắt tay vào kinh doanh lĩnh vực mình không có chuyên môn, năng lực tài chính hạn chế nên cả hai khởi nghiệp theo kiểu vừa đi vừa dò.
"Thường khi có ý định khởi nghiệp dù là nhỏ hay lớn thì ai cũng phải có cho mình một kế hoạch chi tiết trong đó có những dự toán về tài chính, về hướng đi. Thế nhưng tôi với Hoàng hoàn toàn không làm điều đó vì lúc đó hoàn toàn tay trắng. Chúng tôi làm chỉ với tâm niệm làm sao nhiều người biết được giá trị của cây cỏ để từ đó nhân rộng, trồng và sử dụng rộng rãi" –Nguyễn Công Huân chia sẻ.
Để có thể tự nuôi mình và nuôi ý tưởng khi mới thành lập Vietherb, Đỗ Hoàng xin nghỉ hẳn ở một tổ chức phi chính phủ còn Huân vẫn phải tiếp tục chân trong chân ngoài để có chi phí giúp cả hai tồn tại và thực hiện ý tưởng. Khi Vietherb bắt đầu ổn định và bắt đầu có lãi thì lúc đó Huân mới xin nghỉ hoàn toàn và đi học về marketing.
"Khi Vietherb hoạt động được ổn định 3 năm, cả hai nhận thấy để thực hiện ý tưởng của mình thì cần phải có lực để phát triển. Muốn phát triển thì phải có những định hướng tốt. Chính vì vậy, sau 3 năm khởi nghiệp, tôi đi học marketing. Đi học mới thấy cả hai khởi nghiệp trong trạng thái: Ngô ngê và liều" – Huân kể.
Kinh doanh là để bảo tồn
Vượt qua những năm đầu đầy gian khó và thử thách, tới nay Vietherb đã phát triển và đưa ra thị trường hơn 30 sản phẩm có nguồn gốc từ nhiều cây thuốc, bài thuốc nam bản địa của bà con dân tộc. Địa bàn hoạt động, kinh doanh của Vietherb cũng không chỉ còn bó hẹp ở Lạng Sơn, hay vài tỉnh thành phía Bắc, mà hàng chục đại lý đã được phát triển trải dài từ Bắc chí Nam, đem lại nguồn doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên khi đã có thương hiệu, đã "đánh thức" được người tiêu dùng về với những sản phẩm làm từ cây cỏ thì Vietherb lại có những cách thức kinh doanh rất kỳ lạ. Sẵn sàng chia sẻ tên các loại thuốc có trong sản phẩm, thậm chí Hoàng và Huân sẵn sàng mở những lớp tập huấn ngắn hạn dành cho bất cứ ai muốn làm ra sản phẩm tương tự mà Vietherb đang làm.
"Từ những năm 2011 khi chúng tôi bắt đầu làm sản phẩm gội đầu từ thảo dược. Hầu như lúc đó rất ít người làm nhưng đến nay có rất nhiều sản phẩm làm giống tương tự như Vietherb. Hiện trên mạng xã hội rất nhiều sản phẩm thủ công được mọi người làm và bán lẻ. Điều này đồng nghĩa với việc những giá trị của cây dược liệu đã được người tiêu dùng đón nhận. Theo đó, chắc chắn nó sẽ được nhân rộng và bảo tồn. Đây chính là cái lãi lớn nhất mà Vietherb thu được", Huân phấn khởi chia sẻ.
Không gian thực hành tri thức thuốc nam của Vietherb mới xây dựng tại Lạng Sơn.
Xác định Vietherb – Thuốc Nam Việt là một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh riêng như một cách "trả nợ rừng". Chính vì vậy, chiến lược kinh doanh của Vietherb được viết khá lạ: Bảo tồn cây thuốc nam bản địa trong tự nhiên gắn liền với tri thức sử dụng; Kết nối mạng lưới các thày thuốc và hỗ trợ họ có thêm thu nhập từ nghề; Kế thừa và ứng dụng những bài thuốc nam cổ truyền vào cuộc sống, gắn kết những người có mong muốn bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bằng các sản phẩm từ cây cỏ tự nhiên.
Để làm được điều này Vietherb luôn dành 50% lợi nhuận dành cho phát triển xã hội.
Cả Hoàng và Huân đều tâm niệm cách bảo tồn những bài thuốc Nam cũng chính là cách bảo vệ rừng tốt nhất. Do vậy đến nay sau 7 năm thành lập dù Vieherb đã có được chỗ đứng nhất định, song cả Huân và Hoàng vẫn miệt mài đi về rừng để tìm những ông lang, bà mế; gắn kết họ với nhau để cùng đánh thức những bài thuốc quý của cha ông.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Kinh doanh tử tế
Xem tất cả >>- Quyết tâm chống "ô nhiễm trắng", doanh nhân Việt sáng tạo vải tái chế mới, mở thương hiệu thời trang hạng sang trên đất Mỹ
- LEGO – “Vệ sĩ” của trẻ em trên toàn thế giới
- Con gái Dr.Thanh: Câu chuyện truyền cảm hứng nhất của cha tôi là bán xe máy mua xe đạp!
- Sẵn sàng uống nước từ bồn cầu sau khi xử lý, đây là cách Bill Gates và quỹ từ thiện 50 tỷ USD của vợ chồng ông làm thay đổi thế giới
- Dùng công nghệ tối tân để tiết kiệm những thứ nhỏ nhất, một tập đoàn Thụy Sĩ bảo vệ môi trường Việt Nam theo cách “không giống ai”