MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược "địa phương hoá" của Ngân hàng Shinhan ở Việt Nam, đẩy mạnh cho vay mua nhà vì nhu cầu vẫn lớn bất chấp giá nhà tăng

09-12-2024 - 08:00 AM | Smart Money

Chiến lược "địa phương hoá" của Ngân hàng Shinhan ở Việt Nam, đẩy mạnh cho vay mua nhà vì nhu cầu vẫn lớn bất chấp giá nhà tăng

Ông Trịnh Bằng Vũ- Trưởng khối Khách hàng Cá Nhân- Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, sản phẩm “Vay mua nhà” là một trong những sản phẩm chủ chốt trong lĩnh vực tín dụng bán lẻ của Ngân hàng Shinhan, đang chiếm 60% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.


Chiến lược "địa phương hoá" của Ngân hàng Shinhan ở Việt Nam, đẩy mạnh cho vay mua nhà vì nhu cầu vẫn lớn bất chấp giá nhà tăng- Ảnh 1.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng mảng ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam?

Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, độ tuổi trung bình là 33; tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, internet cao và số lượng người giàu tăng nhanh hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, do đó, không chỉ Ngân hàng Shinhan, mà các ngân hàng ngoại khác cũng đều nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ. Vì thế, cuộc cạnh tranh về thị phần giữa các ngân hàng ngoại trong thời gian tới sẽ ngày càng gay gắt.

Bên cạnh sản phẩm/dịch vụ tài chính chất lượng, phù hợp với thị trường, thì độ phủ mạng lưới cũng là một trong những lợi thế của chúng tôi khi so sánh với các ngân hàng ngoại khác tại thị trường Việt Nam, với 54 chi nhánh/ phòng giao dịch.

Không chỉ các ngân hàng ngoại, trong thời đại công nghệ, các ngân hàng còn cạnh tranh với fintech về khía cạnh chuyển đổi số. Tại Việt Nam, Fintech đang nhanh chóng thay đổi bối cảnh ngành tài chính, ngân hàng và xóa mờ ranh giới giữa các công ty tài chính và ngân hàng truyền thống. Việc các công ty Fintech tham gia vào các hoạt động liên quan đến ngân hàng đã gia tăng sự cạnh tranh và thách thức cho các ngân hàng hiện có. Do đó, chúng tôi đã và đang tăng cường quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào các sản phẩm/dịch vụ nhằm mang đến sự tiện lợi, an toàn và bảo mật cho khách hàng. Hơn nữa, chúng tôi còn hợp tác với những start up để hợp tác phát triển những sản phẩm nền tảng quản trị trải nghiệm khách hàng toàn diện & thông minh với Gen AI, giúp việc chăm sóc khách hàng đạt hiệu quả tối ưu.

Ông đánh giá thế nào về thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam hiện nay?

Có thể nói, năm 2024 là năm chứng kiến ngành ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới. Việc phát triển tín dụng bán lẻ vẫn còn gặp khó khăn với xu hướng tiêu dùng thấp của người dân, thị trường bất động sản cũng đối mặt với nhiều khủng hoảng, dư nợ trái phiếu bất động sản giảm.

Trong đó, vay cá nhân mua nhà (vay dài hạn) chưa phục hồi như kỳ vọng, hiện đang giảm từ mức 34% năm 2022 về mức 29-30% năm 2023-2024. Những khó khăn này chủ yếu đến từ: Thứ nhất, sự hạn chế về nguồn cung nhà ở, đặc biệt ở khu vực phía Nam; Thứ hai, giá nhà ở - chung cư (chủ yếu ở khu vực trung tâm) biến động mạnh trong thời gian vừa qua, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư/người vay mua nhà.

Mặc dù các ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, cùng với mặt bằng lãi suất hiện tại đang ở vùng đáy, song việc giải ngân đầu năm tương đối chậm do tổng thể nền kinh tế hồi phục chậm. Ngoài ra thị trường còn chịu ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ - thường tăng trưởng thấp ở giai đoạn đầu năm.

Tốc độ giải ngân tương đối ảm đạm trong những tháng đầu năm, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên 3 kỳ vọng.

Thứ nhất, ngành ngân hàng vẫn chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại để hỗ trợ kinh tế hồi phục.

Thứ hai, động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024 sẽ được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân.

Thứ ba, thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng cá nhân phục hồi sẽ giúp cho cơ cấu vay dài hạn cải thiện về mức 34-35% trong 2 năm tới. Đồng thời, sức mua của người dân sẽ tăng cao trong dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán sắp tới sẽ kéo theo nhu cầu tín dụng gia tăng.

Chiến lược "địa phương hoá" của Ngân hàng Shinhan ở Việt Nam, đẩy mạnh cho vay mua nhà vì nhu cầu vẫn lớn bất chấp giá nhà tăng- Ảnh 2.

Ông có thể chia sẻ chiến lược của Shinhan Bank ở mảng bán lẻ hiện tại?

Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “địa phương hóa” một cách sâu rộng thông qua việc tăng cường độ bao phủ của mạng lưới hoạt động trên toàn quốc, nhằm mục tiêu tiếp cận và phục vụ hiệu quả cho khách hàng tại địa phương với danh mục sản phẩm/dịch vụ tài chính đa dạng.

Song song đó, chúng tôi hướng đến mục tiêu phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng với các dòng sản phẩm/dịch vụ được thiết kế phù hợp, nhằm tối ưu hóa nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi cũng tiến hành mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để cung cấp dịch vụ toàn diện hơn đến với khách hàng bán lẻ, như hợp tác với các sàn thương mại điện tử, cũng như phát triển các giải pháp thanh toán QR Code để đa dạng dịch vụ sản phẩm của ngân hàng.

Đặc biệt, từ 2023 chúng tôi cũng đẩy mạnh phục vụ phân khúc khách hàng SMEs, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các tiểu thương ở các chợ truyền thống như chợ Bến Thành.

Chiến lược "địa phương hoá" của Ngân hàng Shinhan ở Việt Nam, đẩy mạnh cho vay mua nhà vì nhu cầu vẫn lớn bất chấp giá nhà tăng- Ảnh 3.

Ông Trịnh Bằng Vũ - Trưởng khối Khách hàng Cá Nhân- Ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Đối với lĩnh vực tín dụng cá nhân, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các sản phẩm vay mua xe, vay tiêu dùng, Ngân hàng cũng sẽ tập trung đẩy mạnh các sản phẩm vay mua nhà, đặc biệt hướng đến phân khúc nhà phố, nhằm đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng trong việc mua nhà để ở sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Cùng với sự phát triển năng động của nền kinh tế, phân khúc Khách hàng Ưu tiên hay Khách hàng cao cấp tại thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh với mức vào khoảng 10%-12%/năm từ nay tới 2030, dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ có hơn 10 triệu người thuộc phân khúc này. Đây là tập khách hàng có đóng góp rất trọng yếu trong kết quả hoạt động: mặc dù về số lượng chỉ chiếm trên dưới 1% nhưng đóng góp trong tổng thu nhập lại lên đến 40%.

Do đó, Ngân hàng Shinhan vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển mảng Ngân hàng ưu tiên (Wealth Management Department) để cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản toàn diện và hiệu quả cho phân khúc khách hàng này.

Hiện tại ngân hàng có sản phẩm mang tính chủ chốt nào không? Và vì sao?

Có thể nói, sản phẩm “Vay mua nhà” được xem là một trong những sản phẩm chủ chốt trong lĩnh vực tín dụng bán lẻ của Ngân hàng Shinhan, dư nợ vay mua nhà đang chiếm 60% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Shinhan là một trong những ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất vay khá cạnh tranh trên thị trường, chỉ từ 5,9 %/ năm.

Hiện nay, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Chúng tôi hy vọng khi thị trường dần phục hồi vào giữa năm 2025, nhu cầu mua nhà ở được ưu tiên hơn sẽ là động lực đẩy mạnh phát triển sản phẩm vay mua nhà của chúng tôi.

Ông dự báo như thế nào về nhu cầu vay mua nhà của người Việt trong 5-10 năm tới?

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tỷ lệ dân nhập cư vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh…ngày càng gia tăng. Ước tính mỗi năm các đô thị tại Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Đa số người dân di cư đến các thành phố lớn ở độ tuổi lao động và có mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định, đồng thời cũng có nhu cầu sinh sống và phát triển lâu dài tại các thành phố lớn, vì thế, dự kiến nhu cầu mua nhà ở của người Việt vẫn gia tăng đáng kể trong 5 – 10 năm nữa.

Song song đó, tư duy “an cư lập nghiệp” vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với người Á Đông qua nhiều thế hệ, họ luôn quan niệm việc sở hữu một nơi ở ổn định sẽ là điều kiện tiên quyết và là nền tảng để phát triển sự nghiệp tương lai. Vì thế, nhu cầu sở hữu nhà ở của người Việt vẫn sẽ vẫn là một trong những nhu cầu tất yếu, dù giá nhà ở hiện tại đang có chiều hướng gia tăng đáng kể trong các năm gần đây. 

Chiến lược "địa phương hoá" của Ngân hàng Shinhan ở Việt Nam, đẩy mạnh cho vay mua nhà vì nhu cầu vẫn lớn bất chấp giá nhà tăng- Ảnh 4.

Cách đây 5-7 năm, nhiều ngân hàng nước ngoài đã từ bỏ mảng ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam vì cảm thấy khó cạnh tranh với ngân hàng nội địa. Nhưng hiện tại thì một số ngân hàng ngoại khác cũng đang đẩy mạnh bán lẻ ở Việt Nam thông qua sản phẩm số. Theo ông, đâu là điểm khác biệt của Shinhan Bank so với những ngân hàng ngoại khác khi phục vụ khách hàng của Việt Nam?

Tôi cho rằng, một trong những lợi thế của chúng tôi đó là sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ liên tục, cùng những kinh nghiệm triển khai tài chính số hóa từ Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng đã có hành trình 31 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, do đó, chúng tôi có sự nghiên cứu và am hiểu nhất định về thị trường, cũng như thói quen, nhu cầu tài chính và đặc điểm của khách hàng Việt. Qua đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã và đang triển khai danh mục các sản phẩm/dịch vụ tài chính đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng trên thị trường.

Rào cản văn hóa là thách thức với bất kỳ ngân hàng ngoại nào kinh doanh ở Việt Nam. Shinhan Bank đã “giải” bài toán này như thế nào?

Ngân hàng Shinhan Việt Nam tự hào khi có đội ngũ nhân sự cấp cao người Việt, những người am hiểu thị trường và có kiến thức, cũng như kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Đây là những cố vấn viên đắc lực cho ban lãnh đạo trong việc đưa ra các chiến lược kinh doanh sát với thực trạng thị trường Việt Nam.

Đồng thời, chúng tôi cũng chủ động đưa ra chiến lược “Địa phương hóa” thông qua việc đẩy mạnh mở rộng mạng lưới trên toàn quốc, nhằm tiếp cận và khai thác tối ưu nhu cầu của khách hàng địa phương, từ đó mang đến các sản phẩm/dịch vụ tài chính phù hợp với khách hàng. Bên cạnh đó là các hoạt động trách nhiệm xã hội giúp xây dựng ảnh thân thiện, tạo ra sự gắn kết cộng đồng, thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa và nhu cầu xã hội của Việt Nam.

Việc phát triển mảng ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam có điểm tương đồng và khác biệt như thế nào so với thị trường Hàn Quốc?

Điểm tương đồng nổi bật nhất giữa mảng ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam và Hàn Quốc là tập trung đẩy mạnh áp dụng số hóa. Các ngân hàng tại Việt Nam cũng như tại Hàn Quốc đều có chung xu hướng tăng cường mở rộng các dịch vụ ngân hàng số và tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy học.

Theo chúng tôi nhận thấy, các ngân hàng đang đầu tư vào các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số để tăng cường sự tham gia của khách hàng, hợp lý hóa các quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động tổng thể. Hơn nữa, có một sự thay đổi đáng chú ý đối với trải nghiệm ngân hàng đa kênh, nơi khách hàng có thể chuyển đổi liền mạch giữa các kênh ngân hàng trực tuyến, di động và thực tế.

Chiến lược "địa phương hoá" của Ngân hàng Shinhan ở Việt Nam, đẩy mạnh cho vay mua nhà vì nhu cầu vẫn lớn bất chấp giá nhà tăng- Ảnh 5.

Hàn Quốc và Việt Nam có điểm tương đồng trong thay đổi hành vi người tiêu dùng, đang đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường Ngân hàng bán lẻ truyền thống.

Điểm tương đồng thứ hai đó là ở cả thị trường Việt Nam và Hàn Quốc, môi trường kinh tế vĩ mô, đặc trưng bởi các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ và thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đang đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường Ngân hàng bán lẻ truyền thống.

Khi đất nước tiếp tục thực hiện số hóa và đổi mới trong các ngành công nghiệp, mảng ngân hàng bán lẻ sẽ phải thích ứng với bối cảnh đang thay đổi và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Hơn nữa, những thay đổi về nhân khẩu học và đô thị hóa ngày càng tăng, đang ảnh hưởng đến xu hướng ngân hàng và thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ tài chính đa dạng và linh hoạt hơn trên thị trường.

Ông có thể chia sẻ về mục tiêu kinh doanh của Shinhan Bank Việt Nam 3-5 năm tới? Với riêng mảng bán lẻ thì sao?

Ngân hàng Shinhan đang hướng đến mục tiêu trở thành “Ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030” và “Top 10 ngân hàng tại Việt Nam vào năm 2030”.

Riêng đối với mảng bán lẻ, chúng tôi mong muốn sẽ dẫn đầu trong tự động hóa quy trình đối với các sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân như: cho vay tín chấp tiêu dùng, dịch vụ thẻ cá nhân, các dịch vụ tư vấn tài khoàn và đầu tư cá nhân… Về trài nghiệm đa kênh liên mạnh (seamless omchichannel experience), chúng tôi sẽ là ngân hàng cung cấp các trải nghiệm nhất quán và phong phú nhất cho các khach hàng cá nhân trên ứng dụng Shinhan SOL Việt Nam, website và giao dịch trực tiếp tại quầy.

Đồng thời, chúng tôi sẽ cung cấp các gói sản phẩm kết hợp như quản lý tài sản. sản phẩm tiền gửi và chú trọng xây dựng một nền tảng vững chắc về kiểm soát rủi ro tín dụng, theo đó sử dụng các mô hình chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín dụng tiên tiến để quản lý chất lượng cho vay bán lẻ hiệu quả, duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp nhất tại thị trường.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Minh Vy - H. Kim

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên