Chiết khấu mạnh tay, tại sao nhiều người vẫn ngại "xuống tiền" mua đất nền lúc này?
Một số nhà đầu tư vẫn trong tâm lý “chờ đáy” bất động sản còn một số khác lại mất niềm tin vào thị trường và chưa phán đoán được thời điểm phục hồi khiến nhiều người ngại xuống tiền mua đất nền lúc này.
- 11-05-2023TP.HCM: Xuất hiện nhiều giao dịch “bán hòa vốn, cắt giảm lợi nhuận” ở phân khúc biệt thự, nhà phố
- 10-05-2023Gia Lâm sắp lên quận, giá bất động sản khu vực này có tăng vọt như Hà Đông năm 2009?
- 09-05-2023Dự báo năm 2023 tiếp tục đầy thách thức, một công ty BĐS vẫn lên kế hoạch lãi tăng hơn 400% và ưu tiên đi "săn" quỹ đất có giá tốt
Theo báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận trong tháng 4 của DKRA về phân khúc đất nền, nguồn cung mới trong tháng 4/2023 giảm mạnh chỉ tương đương 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Bình Dương chủ lực về nguồn cung với tỷ lệ đạt 76,1%.
Sức cầu thị trường ở mức thấp chỉ bằng 18% so với tháng 4/2022, tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2.
Mặt bằng giá sơ cấp vẫn đi ngang so với lần mở bán trước đó, thị trường thứ cấp không có nhiều biến động về giá so với tháng trước tuy nhiên thanh khoản vẫn rất trầm lắng.
Cụ thể, tại TP.HCM, giá bán sơ cấp thấp nhất đã ghi nhận ở mức 42,1 triệu đồng/m2, cao nhất là 74,7 triệu đồng/m2. Tại Đồng Nai, giá bán sơ cấp thấp nhất là 15,5 triệu đồng/m2, cao nhất là 20 triệu đồng/m2. Tại Bình Dương, giá bán sơ cấp thấp nhất là 16,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 18,8 triệu đồng/m2.
Các chính sách chiết khấu mạnh tay cho phương án thanh toán nhanh (14% - 20%), hỗ trợ lãi suất/ân hạn nợ gốc,… được nhiều chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
DKRA cho biết, tín hiệu tích cực từ việc ngân hàng có dấu hiệu giảm lãi suất, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho thị trường trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể tác động mạnh mẽ đến thanh khoản của thị trường thời gian qua, người mua vẫn trong tâm lý “chờ đáy” bất động sản.
Theo chia sẻ về diễn biến của thị trường đất nền của ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, giao dịch đất nền suy giảm chủ yếu do thị trường đã "đứt" hẳn luồng khách đầu tư, đầu cơ, trong khi nhu cầu thật của đất nền rất thấp do loại tài sản này không phục vụ nhu cầu ở ngay.
"Tâm lý mất niềm tin vào thị trường và chưa phán đoán được thời điểm phục hồi khiến nhiều người ngại xuống tiền mua đất nền lúc này", ông Tuấn cho biết.
So với các phân khúc khác, đất nền là sản phẩm liên quan tới đầu cơ và đầu tư nhiều hơn. Vậy nên khi thị trường tăng trưởng, đất nền là phân khúc tăng giá đầu tiên, còn khi thị trường khó khăn, loại hình này trở thành phân khúc bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thời gian qua, hàng loạt tin xấu về thị trường bất động sản xuất hiện gây ảnh hưởng tâm lý giới đầu tư. Điều này tất yếu dẫn đến phân khúc hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất thị trường là đất nền trở thành loại hình bị “ngó lơ” nhanh nhất.
Ngoài ra, việc khó khăn trong vay vốn tín dụng cũng khiến nhu cầu đầu tư hạ nhiệt. Hầu hết các nhà đầu tư bất động sản đều cần sự hỗ trợ từ ngân hàng. Một khi kênh huy động vốn này hẹp cửa, lượng khách đầu tư sẽ bị thu hẹp theo.
Song song đó, người mua vẫn đang trong tâm lý chờ tình hình lãi suất và khả năng giảm giá thêm. Ngoài ra các kế hoạch sửa đổi luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng làm người mua chần chừ, chờ xem mức độ ảnh hưởng của các luật đó với thị trường thời gian tới. Vì vậy, dù có sự quan tâm nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lấn cấn với việc xuống tiền thời điểm này.
Nhịp sống thị trường