Chính phủ nhiều nước có thể đánh thuế thịt đỏ như với thuốc lá
Không chỉ bắt nguồn từ những nguy cơ sức khoẻ, việc hạn chế tiêu thụ thịt đỏ còn liên quan tới các vấn đề lớn hơn như biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và đạo đức...
- 17-08-2019Giá thịt lợn Trung Quốc tăng cao do dịch tả lợn châu Phi
- 14-08-2019Thực hư thịt lợn Mỹ nhập về giá 1 USD/kg
- 13-08-201940 tấn thịt bốc mùi hôi ở cơ sở sản xuất giò
Theo một báo cáo mới của hãng nghiên cứu Fitch Solutions, loại thuế đang được áp lên các sản phẩm như thuốc lá và thực phẩm có đường, đang được nhiều nước cân nhắc đánh lên lên thịt đỏ.
"Các chính phủ có thể tận dụng nhu cầu đối với thịt đỏ để thu thuế và hướng tới các mục tiêu bền vững, thay vì áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn", Fitch nhận định hồi tháng 5 với Business Insider.
Báo cáo mới của Fitch dự báo rằng loại thuế này có thể sẽ được áp dụng trên toàn cầu do những quan ngại về môi trường, sức khỏe và đạo đức.
"Việc thuế đường ngày càng được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới cho thấy khả năng cao sẽ có một làn sóng tương tự nhắm vào thị trường thịt", Fitch cho biết.
Tuần trước, liên minh các chính trị gia thuộc nhiều đảng của Đức đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 7% lên 19% lên sản phẩm thịt nhằm cắt giảm tiêu thụ. Cũng giống như đường, thịt đỏ được cho là có liên quan tới những nguy cơ ngày càng lớn của ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường.
Fitch cho rằng đây là nguyên nhân để các chính phủ đánh thuế thịt đỏ tương tự như đường. Một nghiên cứu của Đại học Oxford, chỉ ra rằng biện pháp này có thể giúp giảm được gần 6.000 ca tử vong mỗi năm và tiết kiệm được gần 850 triệu USD chi phí y tế.
Không giống như đường, việc hạn chế tiêu thụ thịt không chỉ bắt nguồn từ những nguy cơ về sức khoẻ, mà còn liên quan tới các vấn đề lớn hơn như biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và đạo đức. Những vấn đề này càng trở nên cấp bách khi một báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng mạng lưới thực phẩm của con người chiếm tới 37% lượng khí thải nhà kính. Quá trình sản xuất thịt, đặc biệt là thịt đỏ, chiếm tỷ lệ lớn trong số đó. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy quá trình sản xuất thịt cừu là "thủ phạm lớn nhất", theo sau là thịt bò.
Những quan ngại này là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người áp dụng chế độ ăn không thịt. Các loại thực phẩm thay thế thịt ngày càng trở nên phổ biến, với những công ty như Beyond Meat - sản xuất đồ ăn làm từ "thịt thực vật", gặt hái được thành công lớn.
"Chúng ta đã chứng kiến xu hướng người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt đỏ tại nhiều thị trường phát triển trên toàn cầu, đi liền với đó là xu hướng ăn chay hoặc áp dụng chế độ ăn chay linh hoạt. Người tiêu dùng trẻ ở đô thị là động lực chính cho cho xu hướng ăn không thịt. Điều này cho thấy đây sẽ là xu hướng dài hạn", Fitch cho biết. "Việc áp thuế thịt sẽ thúc đẩy xu hướng này, khuyến khích người tiêu dùng hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và chuyển sang các loại protein lấy từ thực vật".
Dù từng được không được xem trọng, thuế đường giờ đây đã áp dụng trên khắp thế giới từ Anh, Mexico cho tới Dubai - nơi thuế đường hiện là 50%.
Thuế thịt nếu được áp dụng sẽ tạo ra tác động tương tự, tăng giá và giảm nhu cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuế đường đã đẩy giá các loại đồ uống có đường tăng thêm 20%, đồng thời giảm tiêu thụ một mức tương tự.
Bên cạnh đó, theo báo cáo mới công bố của Trường Goldsmiths, Đại học London, việc áp thuế sẽ giúp giảm lượng sản xuất thịt bò, từ đó góp phần chống biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng nếu nước Mỹ không tiêu thụ thịt, lượng khí thải nhà kính giảm đi sẽ tương đương việc loại bỏ 60 triệu ôtô khỏi đường phố. Tuy vậy, Fitch cho rằng việc Mỹ hay Brazil áp thuế thể giảm thịt khỏi thực đơn hàng ngày là điều "khó có thể xảy ra".
Vneconomy