Chính sách tiền tệ 2016: Nhiều điểm sáng, ít đột phá
2016 có thể coi là một năm khá thành công của ngành ngân hàng khi chính sách tiền tệ có nhiều đổi mới, giúp nhiều vấn đề được giải quyết, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tồn tại vẫn còn đó nên cần sự quyết tâm, sự vào cuộc sâu hơn nữa của các cơ quan quản lý để định khung chính sách một cách hợp lý và rõ ràng hơn.
- 21-09-2016Chính sách tiền tệ: Trước bài toán cân bằng các mục tiêu
- 13-08-2016Chính sách tiền tệ, “đánh chuột” và “ngáo ộp” lạm phát
- 06-08-20164 giải pháp trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm
Định khung điều hành tỷ giá
Ngay từ đầu năm, cả thị trường tài chính – ngân hàng được phen “náo động” khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành chính sách điều hành tỷ giá mới theo cơ chế tỷ giá trung tâm giữa VND và USD, tỷ giá tính chéo giữa VND và một số ngoại tệ với cơ chế linh hoạt, biến động hàng ngày. Trong đó, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày vào trước phiên giao dịch dựa trên cơ sở tham chiếu 3 yếu tố: Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng ngoại tệ và các cân đối kinh tế vĩ mô.
Chính nhờ đó, diễn biến tỷ giá trong năm 2016 đa phần ở trạng thái bình ổn, có khoảng thời gian 3-4 tháng liên tục, tỷ giá chỉ xoay quanh mốc 22.300 VND/USD, “bình yên” đi qua cơn sóng dữ của sự kiện Brexit. Tuy nhiên, đến khoảng giữa tháng 11, sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản USD lên mức từ 0,5-0,75% vào ngày 14-12, đồng USD trên toàn cầu tăng giá đã khiến tỷ giá ngoại tệ trong nước được đà tăng mạnh. Nhưng diễn biến này được nhận định chủ yếu do yếu tố mùa vụ cuối năm và tác động tâm lý nên chưa đủ để tạo thành cú “sốc” lớn cho toàn thị trường.
Nhận định về việc điều hành chính sách tiền tệ 11 tháng năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, tổng phương tiện thanh toán tăng ở 14,92%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015 nhưng chưa tạo sức ép đến lạm phát. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh chủ yếu do điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Hơn nữa, các chính sách này giúp giảm sức ép lên lãi suất cho vay, hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ, đồng thời hỗ trợ ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.
Tính đến tuần đầu tháng 12, tỷ giá USD đã biến động khoảng hơn 1%, trong khi những năm trước đây, tỷ giá thường dao động trong khoảng 2-3%.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá USD trong tháng 11-2016 tăng 0,22% so với tháng trước, nhưng giảm tới 0,71% so với cuối năm 2015. Sự ổn định này đã giúp NHNN tích trữ được một lượng ngoại hối khổng lồ lên tới 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đại diện NHNN còn cho hay, tỷ giá ổn định giúp giảm tình trạng đô-la hóa, tỷ lệ USD trên tổng phương tiện thanh toán (M2) giảm xuống còn 10%, trong khi theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ này nếu từ mức 16-30% là đô-la hóa nhẹ, trên 30% là đô-la hóa nặng.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu lại trăn trở khi cho rằng, sự ổn định của ngoại tệ trong bối cảnh lạm phát khoảng 5% có thực sự hợp lý? Ông Hiếu cho rằng, đồng Việt Nam tăng giá so với đồng USD và các ngoại tệ khác có thể gây bất lợi cho xuất khẩu, chẳng hạn như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang liên tục phá giá xuống mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây, trong khi VND ở mức cao nên sẽ không có lợi cho XK của Việt Nam.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, lạm phát chủ yếu là giá dịch vụ y tế và giáo dục, là những hàng hóa phi thương mại nên không phản ánh vào tỷ giá. Tỷ giá đang được NHNN điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, bám sát thị trường chứ không cam kết theo bất kỳ mức độ điều chỉnh nào, nên tỷ giá biến động trong bối cảnh như hiện nay là đã “không đến nỗi tệ”.
Lãi suất vẫn “chênh vênh”
Từ đầu năm 2016, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, trong đó, Thống đốc NHNN đặt ra định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Tuy vậy, trong báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2016, tín dụng tăng từ đầu năm và đến ngày 28-11-2016, tín dụng tăng 14,57% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng hiện nay đang tăng trưởng ở mức hợp lý, cơ cấu tín dụng vẫn chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Như vậy, nếu ”chiếu” theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN, kết quả nêu trên nhiều khả năng không đạt được theo mong muốn của NHNN. Nhưng theo đại diện lãnh đạo NHNN, mức tăng trưởng trên đã hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu đặt ra bởi ngoài việc tăng trưởng về số lượng còn phải kiếm soát chất lượng, không thể để phát sinh nợ xấu.
Trên thực tế, nếu xét riêng từng ngân hàng thương mại, có nhiều ngân hàng đã có mức tăng trưởng tín dụng lên tới 20%. Điều này có được một phần nhờ việc giảm lãi suất từ 0,3-0,5% qua lời kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí, cân đối nguồn vốn… để có điều kiện giảm lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm; và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực vì lãi suất cho vay đến cuối năm 2015 (theo số liệu của WB): Indonesia 12,7%, Malaysia 4,6%, Philippines 5,6%, Singapore 5,35%, Ấn Độ 10,3%, Thái Lan 6,6%, Việt Nam phổ biến 6-11% (bình quân khoảng 7-9%), thậm chí nếu là doanh nghiệp có hồ sơ tốt sẽ được vay lãi suất 4-5%.
Mặt khác, áp lực tăng trưởng kinh tế 6,7% được Quốc hội đặt ra từ đầu năm đã khiến nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, gây áp lực lớn lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, “đường cong” của lãi suất được dự báo khó theo chiều đi xuống, bởi Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, các điều kiện để giảm lãi suất đang bớt thuận lợi khi lạm phát tăng nhanh trở lại, lãi suất USD gần như chắc chắn tăng vào cuối tháng 12 và lãi suất trái phiếu chính phủ đang tăng 0,5% ở các kỳ hạn.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho hay, lãi suất chưa thể kéo xuống mức thấp để bổ trợ cho nền kinh tế bởi chính sách tiền tệ chưa độc lập với chính sách tài khóa. Hiện tại, NHNN cũng phải gánh trách nhiệm về lạm phát, chịu áp lực từ ngân sách... nên việc điều hành chính sách tiền tệ chưa đạt như kỳ vọng.
Ở một khía cạnh khác, điều khá “đáng buồn” là trong khi tăng trưởng tín dụng tăng nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng vẫn chưa cao, nguyên nhân không phải do lãi suất cao mà do ngân hàng không đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn. GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, phân bổ tín dụng không đều nên rất thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng hấp dẫn, cam kết cho vay nhanh gọn nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vay.
Do đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng phải có những cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để tạo sự đột phá, tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý và đạt được những kết quả như kỳ vọng của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã dần mang lại niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, nhưng sự gặp nhau, hiểu nhau rõ hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần có biện pháp giải quyết thấu đáo hơn nữa.
Năm 2017, NHNN xác định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Trong đó, tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, hỗ trợ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, phù hợp với chủ trương chống đô - la hóa trong nền kinh tế.
Hải quan