Chính sách tiền tệ phải thận trọng hơn
Việt Nam nên thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ, cân bằng bài toán giữa tăng trưởng và tín dụng.
- 04-10-2018Việt Nam, những ngày kiểm định sức đề kháng chính sách tiền tệ
- 03-10-2018Điều hành chính sách tiền tệ: Điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế
- 18-07-2018Không để bị động, bất ngờ trong điều hành chính sách tiền tệ
Một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều tại các diễn đàn trong thời gian gần đây chính là áp lực lạm phát đối với Việt Nam. Chính sách tiền tệ điều hành ra sao trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng. Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết:
Có nhiều lý do gây sức ép lên lạm phát trong thời gian tới, nhất là đối với năm sau. Một trong những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát là giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu là mặt hàng tác động trực tiếp đến tiêu dùng hàng ngày, là yếu tố đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Cho nên khi tăng giá xăng dầu trực tiếp làm tăng giá nhiều loại hàng hóa quan trọng khác trong giỏ hàng hóa của các hộ gia đình như lương thực thực phẩm, phương tiện đi lại, nguyên vật liệu… đồng thời tạo vòng xoáy tăng giá nhiều mặt hàng đẩy chi phí của DN lên cao.
Yếu tố nữa, khác với các nước trên thế giới, Việt Nam vẫn đang trong lộ trình gỡ bỏ quản lý giá theo hướng thị trường đối với các mặt hàng dịch vụ công như y tế, giáo dục… Mỗi năm dịch vụ này tăng mấy chục phần trăm đã đóng góp vào việc tăng giá của nền kinh tế.
Ngoài ra, yếu tố quốc tế nhất là từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ thông qua việc Fed liên tục tăng lãi suất, đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác. Khi đồng nội tệ của các quốc gia mất giá so với USD dẫn đến việc nhập khẩu hàng hoá trở nên đắt đỏ hơn, hay nói cách khác là nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào gây sức ép thêm cho lạm phát trong nước.
Với những yếu tố trên, tôi cho rằng, có thể năm nay giữ được mục tiêu 4%, nhưng từ năm sau sẽ rất khác, việc kiểm soát lạm phát khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt, sang năm 2019 việc tăng kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu thì ngoài tác động tăng giá chung của giá dầu thế giới, lại cộng thêm khoản thuế này nữa thì giá xăng dầu sẽ gây khó khăn hơn nữa đối với lạm phát. Đây là thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Đâu là vấn đề cần phải thận trọng trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát tốt hơn?
Theo tôi, lúc này điều hành chính sách tiền tệ cần phải rất thận trọng qua việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cung tiền. Năm nay không nhất thiết phải thúc đẩy tăng tín dụng, cung tiền lên 15 hay 16% như những năm trước mà nên kiểm soát ở mức 10% để phòng ngừa lạm phát.
Tôi nghĩ bước sang quý IV, dù có vấn đề gì thì tăng trưởng kinh tế cũng không thể dưới 6,7% được mà cao hơn mục tiêu chung cả năm. Như vậy, có thể thấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế hoàn toàn đạt được, nên phải nhìn vào các cân đối vĩ mô khác, đặc biệt phòng ngừa lạm phát, nếu không sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế.
Nếu chúng ta để lạm phát cao xảy ra thì sẽ khó xử lý hơn là chủ động phòng ngừa. Khi lạm phát cao rồi mới thắt chặt tiền tệ thì lúc đấy cái giá phải trả của nền kinh tế sẽ rất là lớn. Vì một trong những cách phổ biến nhất chống lạm phát là tăng lãi suất. Như bạn biết, nếu tăng lãi suất sẽ tác động mạnh tới DN, DN gặp khó khăn thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ giảm theo.
Vậy theo ông, làm sao để hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững?
Hiện nay tốc độ tăng trưởng cung tiền của Việt Nam đang khá cao. Trước đây còn cao hơn nhưng vài năm trở lại đây tăng trưởng cung tiền đã giảm xuống 15-17%. Nhưng chỉ cần mỗi năm tăng 16% thì 5 năm sau cung tiền tăng gấp đôi. Trong khi tăng trưởng kinh tế không thể theo kịp như thế. Bản chất cung tiền chỉ là phương tiện thanh toán bôi trơn cho tăng trưởng kinh tế. Nếu cao quá, vượt quá khả năng tăng trưởng kinh tế dẫn đến giá cả tăng.
Do vậy, tôi nghĩ Việt Nam nên thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ, cân bằng bài toán giữa tăng trưởng và tín dụng. Theo tôi, nên chuyển hướng chuyển từ tăng trưởng sang kiểm soát lạm phát thận trọng tăng trưởng tín dụng ở mức 10-12% đề phòng nguy cơ lạm phát năm tới. Khi mà chúng ta vượt qua suy giảm, tăng trưởng ổn định cũng là lúc nên hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, bớt dựa vào tiền tệ với kích thích tín dụng.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng