Chờ ngân hàng cơ cấu nợ, giảm lãi vay
Trong điều kiện hiện nay, ngân hàng chỉ có thể giảm 1-2 điểm % lãi suất vay cho khách hàng.
Gần một tuần sau khi Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - có hiệu lực, lãnh đạo nhiều NH thương mại cho biết đã triển khai. Trong khi đó, không ít khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) lại cho hay vẫn đang chờ.
Áp lực trả nợ rất lớn
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều khách hàng cá nhân và DN cho biết vẫn đang chờ các NH thương mại triển khai chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay theo Thông tư 14 nhằm bớt áp lực tài chính.
Anh P.H, giám đốc một công ty trong lĩnh vực thiết bị y tế ở TP HCM, cho biết công ty anh có khoản vay 50 tỉ đồng tại một NH cổ phần trụ sở ở Hà Nội, giải ngân tháng 10-2020. Vừa qua, do dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, anh liên hệ NH xin cơ cấu thời gian trả nợ đến hết năm nay nhưng nhân viên NH nói theo quy định cũ, chỉ những khoản vay giải ngân trước tháng 1-2020 mới được cơ cấu nợ. "Nay Thông tư 14 có hiệu lực, tôi lại tiếp tục liên hệ NH xin lùi thời gian trả nợ gốc và lãi vay để bớt áp lực tài chính nhưng chưa thấy trả lời" - anh P.H nói.
Một số khách hàng cá nhân và DN khác cũng cho biết vẫn đang "ngóng" các NH thương mại hỗ trợ giảm lãi vay, cơ cấu nợ theo Thông tư 14. Theo ông N.T.P, giám đốc một công ty vận tải du lịch ở TP HCM, công ty ông vay mua ôtô phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải du lịch tại 3 NH thương mại. Khoảng 20 chiếc xe đã "nằm bãi" suốt thời gian TP HCM áp dụng giãn cách nên không phát sinh doanh thu, trong khi tháng nào cũng đều đặn nhận được thông báo của NH yêu cầu trả gốc và lãi.
"Tôi đã liên hệ cả 3 NH để hỏi xem công ty có được cơ cấu thời gian trả nợ đến hết năm nay hay không nhưng đều chưa nhận được phản hồi. Nếu được giãn nợ đến hết năm, công ty tôi có thể sẽ trả được vì cơ hội phục hồi của ngành du lịch rất lớn, vận tải du lịch chỉ cần có khách là có doanh thu" - ông N.T.P giải thích.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - nêu thực trạng của nhiều DN xuất khẩu là dòng tiền chỉ có thể duy trì được một thời gian nữa trong khi sức ép phải trả nợ gốc, lãi vay NH vẫn rất lớn. Thời gian qua, các NH có giảm lãi vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03 nhưng chỉ khoảng 1 điểm % nên khi Thông tư 14 có hiệu lực, các DN kỳ vọng NH thương mại sẽ hỗ trợ nhiều hơn.
"Ngoài cơ cấu lại nợ, các DN mong muốn được hỗ trợ cấp tín dụng mới để có tiền mua nguyên phụ liệu chuẩn bị phục hồi sản xuất. Bởi lẽ, bài toán tiếp cận vốn tín dụng mới sau khi đã được cơ cấu nợ cũng rất khó khăn vì tài sản đã thế chấp gần hết, không còn gì để thế chấp vay tiếp. Chưa kể, một số NH siết điều kiện cho vay, chỉ giải ngân 60%-70% giá trị tài sản bảo đảm. Để cứu được DN, cần thêm những chính sách khác bên cạnh chính sách tín dụng của ngành NH" - ông Việt kiến nghị.
Các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu đang rất cần vốn để mua nguyên liệu, chuẩn bị phục hồi sản xuất.Ảnh: Tấn Thạnh
Ngân hàng khó giảm mạnh lãi suất
Về phía cho vay, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho rằng Thông tư 14 có quy định mở hơn nhiều so với Thông tư 01 và Thông tư 03 nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng cá nhân và DN. Họ được NH cơ cấu nợ trong thời gian 12 tháng đối với các khoản nợ phát sinh từ tháng 1-2020 đến tháng 8-2021. Việc giãn nợ đến tháng 6-2022 sẽ giúp các DN giảm bớt áp lực tài chính, có cơ hội phục hồi sản xuất - kinh doanh.
"Ngay sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, Sacombank đã triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và DN đủ điều kiện. Riêng việc giảm lãi suất cho vay theo thông tư mới, NH cũng xem xét từng trường hợp với mức độ ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh ở mỗi lĩnh vực cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhất" - ông Phan Đình Tuệ nói.
Một lãnh đạo NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết vừa triển khai chính sách giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay với khách hàng đang có dư nợ, với điều kiện có sử dụng thêm sản phẩm, dịch vụ khác của NH này. Ngoài ra, Nam A Bank cũng đang áp dụng chính sách không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong 3 kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9-2021 khi chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lý giải về việc một số khách hàng cá nhân và DN phản ánh chưa được hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu nợ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho hay không phải khách hàng nào đang có dư nợ vay tại NH thương mại cũng được hỗ trợ. Còn việc giảm lãi suất thì NH chỉ có thể giảm 1-2 điểm %, chứ giảm tới 3%-4% như kỳ vọng của nhiều khách hàng là rất khó vào thời điểm này.
"Tại OCB, khách hàng ở các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh bị thiệt hại nặng do dịch Covid-19 sẽ được giảm lãi vay. Thậm chí, một số đối tượng khó khăn như bán lẻ, công nhân mất việc còn được xóa lãi hoặc miễn lãi 100% trong 1-2 tháng" - ông Nguyễn Đình Tùng giải thích.
Lãnh đạo một số NH khác cho biết khi dịch mới bùng phát, nguồn lực của các NH còn dồi dào hay "bộ đệm" về lợi nhuận còn nhiều nên khả năng hỗ trợ khách hàng cũng tốt hơn. Nhưng hiện tại, nguy cơ nợ xấu gia tăng và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ngày càng lớn. Ngay cả các khoản nợ được cơ cấu, NH cũng phải trích lập đầy đủ trong vòng 3 năm tới.
"Giờ không chỉ DN khó mà cả NH thương mại cũng khó vì nguy cơ nợ xấu gia tăng khi nhiều khách hàng không trả được nợ. Chúng tôi cũng "ngấm đòn" vì dịch kéo dài bởi chưa biết khi nào các DN sẽ khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi "của để dành" của NH không còn nhiều. Do đó, yêu cầu NH thương mại giảm mạnh lãi vay lúc này là rất khó" - lãnh đạo một NH thương mại nhìn nhận.
Một trong những điểm nổi bật nhất của Thông tư 14 là các NH được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ thêm 6 tháng tới ngày 30-6-2022, thay vì cuối năm 2021 như quy định trước đó. Các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính cũng được cơ cấu, thay vì quy định cũ là ngày 10-6-2020... Các NH thương mại đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận là do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo giải thích của NHNN, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng là căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Tại dự thảo thông tư lấy ý kiến các đơn vị trong NHNN, cơ quan thanh tra giám sát NH đã đánh giá và đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ áp dụng với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 30-6-2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Khách vay tiêu dùng cũng được cơ cấu nợ
Bên cạnh các NH, gần đây, một số công ty tài chính cũng triển khai chính sách hỗ trợ giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho khách vay tiêu dùng.
Điển hình, Công ty Tài chính FE Credit đang cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho một số khách hàng theo quy định tại Thông tư 14. Cụ thể, từ tháng 8, FE Credit đã chủ động miễn giảm 50% lãi cho khách hàng đóng đủ gốc và 50% lãi của kỳ góp tương ứng, áp dụng đối với khách hàng có hợp đồng vay thuộc nhóm nợ từ 1 đến 5 và đã thanh toán trên 10 kỳ góp... Hầu hết khách hàng được hỗ trợ thuộc nhóm có thu nhập thấp và trung bình nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Dự kiến chính sách này kéo dài đến hết tháng 12-2021.
Công ty Tài chính HD Saison triển khai chương trình cho vay ưu đãi qua việc ân hạn thời gian trả nợ trong 3 tháng đầu tiên cho khách vay tiêu dùng mới từ nay đến ngày 30-9. Lãi suất cho vay từ 1,17%/tháng. Gói vay này áp dụng với khách hàng sống tại các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.
Người lao động