MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu dừng toàn bộ các quán trà đá vỉa hè để phòng Covid-19

Theo ông Nguyễn Đức Chung, các siêu thị tổng hợp, chợ, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, trái cây vẫn mở cửa bình thường.

Những cửa hàng nào được phép hoạt động?

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội vào chiều 27/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố để phòng dịch.

Ông Chung cũng nêu cụ thể một số cơ sở kinh doanh được phép hoạt động, gồm: Siêu thị tổng hợp (trừ các dịch vụ vui chơi ăn uống); trung tâm thương mại bao gồm siêu thị tổng hợp; văn phòng cho thuê; bệnh viện; chợ dân sinh gồm các gian hàng lương thực thực phẩm, rau củ quả , đồ khô; các cửa hàng tiện lợi như siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); cửa hàng tạp hoá; kinh doanh hoa quả trái cây; chuỗi kinh doanh hoa quả thực phẩm; thuốc chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, ga, khí đốt; khuyến khích mọi người sử dụng thanh toán điện tử.

"Đấy là những loại cơ sở được kinh doanh. Còn tất tần tật các loại khác phải đóng cửa", ông Chung nói.

Ông Chung cũng yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, có các biện pháp yêu cầu các loại hình kinh doanh không thiết yếu là phải dừng hoạt động một cách nghiêm túc.

"Trong một hai ngày vừa qua, rất nhiều người dân phản ánh là có nhiều quán ăn buổi sáng, quán trà chanh, các quán cà phê và cửa hàng bán điện máy vẫn hoạt động. Phải dừng lại!

Cửa hàng xe đạp, cửa hàng điện máy, đặc biệt là các quán nước chè ở các vỉa hè là phải dừng toàn bộ", ông Chung yêu cầu.

Siêu thị điện máy bán cả hàng thiết yếu

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Trần Thị Phương Lan cho biết, tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP đã nhấn mạnh việc hạn chế những dịch vụ kinh doanh không cần thiết.

Đến ngày 26/3, đồng loạt các quận huyện đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do cách hiểu của các quận huyện và làm chưa thống nhất, đồng nhất dẫn đến UBND các phường chỉ đạo đóng cửa các cửa hàng kinh doanh, ra cả văn bản.

"Nhiều người dân hoang mang lo sợ các hệ thống phân phối đống cửa, sáng nay lại tiếp tục đi mua tăng gấp đôi, gấp 3 nhu cầu. Ở chợ tăng 20-50%.

Chúng tôi phải gọi cho các doanh, các quận huyện thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không nên tích trữ, hệ thống phân phối có đầy đủ hàng, không tăng giá phục vụ người dân", bà Lan nói.

Phó Giám đốc Sở Công thương cũng nêu về thực tế, ngay cả các đơn vị điện máy sợ bị đóng cửa nên đưa thêm hàng hoá thiết yếu vào để bán chung dẫn đến nhiều việc rất phức tạp.

Lãnh đạo Sở Công thương cho hay, trên địa bàn TP hiện có 26 trung tâm thương mại. Riêng Trung tâm thương mại Tràng Tiền kinh doanh quần áo, mỹ phẩm cao cấp còn lại 25 siêu thị đều kinh doanh đa dạng, bao gồm cả vui chơi giải trí, ăn uống, thể dục thể thao…

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu dừng toàn bộ các quán trà đá vỉa hè để phòng Covid-19 - Ảnh 1.

Hầu hết các cửa hàng đã bắt đầu chuyển sang hình thức bán online hoặc bán mang về để hạn chế tối đa nhất việc tụ tập đông người.


Với siêu thị, TP có 141 siêu thị, trong đó, 103 tổng hợp chỉ có 38 siêu thị chuyên doanh, 674 cửa hàng gas, hơn 400 chợ… và đây là các địa điểm được mở cửa.

"Sáng nay, chúng tôi đã thống nhất những cửa hàng nào được mở cửa để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đối với Trung tâm thương mại chỉ mở cửa siêu thị tổng hợp, văn phòng, bệnh viện.

Siêu thị tổng hợp thì mở cửa nhưng không được mở vui chơi, làm đẹp, nhà hàng, café. Chợ mở cửa bán hàng bình thường còn các ngành nghề khác ngừng kinh doanh.

Các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, trái cây thì mở cửa cùng với cửa hàng thuốc, phòng khám, ngân hàng, các cơ quan đoàn thể trên điạ bàn", bà Lan báo cáo.

Bà nhấn mạnh, cuộc họp sáng nay của Sở đã nhất trí để báo cáo UBDN TP ra văn bản chỉ đạo thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn toàn TP, tránh tình trạng xảy ra cách hiểu và cách làm khác nhau ở các quận, huyện, phường, xã dẫn đến tình trạng như chúng tôi vừa thông báo.

Đối với việc dữ trữ hàng hoá, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở đã xây dựng lại phương án 3 theo 5 cấp độ để tổ chức triển khai thực hiện và chúng tôi cũng sẽ gửi lại cho các doanh nghiệp cũng như UBND các quận, huyện để trên cơ sở đó rà soát, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn cũng như nhu cầu sử dụng đó xây dựng cho sát, phù hợp từng cấp độ.

Hiện nay, còn 6 quận huyện chưa xây dựng phương án dự trữ hàng hoá: Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ, Phú xuyên, Quốc Oai, Ba Vì.

Do đó, Sở đề nghị khẩn trương xây dựng phương án dự trữ hàng hoá và thành lập các tổ điều phối hàng hoá khi chúng ta chuẩn bị cho các trường hợp xấu nhất xảy ra để điều động hợp lý, sát thực phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Theo Hoàng Đan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên