Chủ tịch HĐQT ACV: ACV đang phải bù lỗ cho 11 Cảng hàng không
Chủ tịch ACV cho biết , hiện nay, ACV vẫn phải bù lỗ chi phí hoạt động cho 11 Cảng hàng không chi nhánh, chỉ có 6 Cảng hàng không kinh doanh có hiệu quả và 4 Cảng hàng không không phải bù lỗ.
- 03-05-2024Báo lãi kỷ lục, thị giá cổ phiếu vượt 90.000 đồng, vốn hoá “gã khổng lồ” hàng không ACV lên gần 202.000 tỷ đồng, chỉ còn đứng sau Vietcombank, BIDV, Viettel Global
- 22-03-2024Đề nghị ACV cân nhắc việc dừng cung cấp dịch vụ với hãng bay không trả nợ
- 01-03-2024ACV tính kiện để thu hồi công nợ, hãng hàng không nói gì?
Ngày 12/6 vừa qua, Báo Nhân dân đã tổ chức Hội thảo "Hàng không - Du lịch 'bắt tay' liên kết phát triển bền vững".
Tại Hội thảo, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trong cơ cấu giá vé máy bay hiện nay của các Hãng hàng không có 2 khoản thu đối với hành khách là giá phục vụ hành khách (PSC) và giá bảo đảm an ninh hành khách, hành lý (PSSC). Đây là dịch vụ mà Hãng hàng không thu hộ cho ACV.
Ngoài ra, chi phí các Hãng hàng không đang trả cho ACV bao gồm 3 nhóm dịch vụ chính: Dịch vụ hạ cất cánh, Dịch vụ Cảng và Dịch vụ phục vụ mặt đất.
Tổng chi phí tính trên mỗi hành khách cao nhất là 184.000 đồng và trung bình là 168.000 đồng.
Năm 2023, ACV thu từ các hãng hàng không 4.386 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 19,5% vào tổng doanh thu.
Đáng chú ý, ông Thanh cho biết, hiện nay, ACV vẫn phải bù lỗ chi phí hoạt động cho 11 Cảng hàng không chi nhánh, chỉ có 6 Cảng hàng không: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Liên Khương kinh doanh có hiệu quả và 4 Cảng hàng không: Buôn Mê Thuột, Cát Bi, Côn Đảo, Thọ Xuân không phải bù lỗ.
Theo Chủ tịch ACV, 6 cảng đang đem lại nguồn lợi chính để tái đầu tư thì phục vụ mặt đất không thuộc ACV.
ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016.
ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.
Bước sang năm 2024, kế hoạch doanh thu công ty mẹ ở mức 20.000 tỷ đồng và LNTT công ty mẹ đạt 9.300 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Mục tiêu tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng là 103 triệu lượt khách; tổng sản lượng hàng hóa và bưu kiện là 1,356 triệu tấn và 690 nghìn lượt cất/hạ cánh.
Sau quý đầu năm 2024, ACV đã phục vụ 28 triệu lượt khách ở tất cả mạng lưới sân bay của công ty. Đặc biệt, hành khách quốc tế đã tăng 47% so với cùng kỳ lên 10,5 triệu khách, trong khi hành khách nội địa giảm 15% so với cùng kỳ đạt 17,5 triệu khách. Số lượng chuyến bay quốc tế tăng trưởng mạnh (từ sự phục hồi của khách du lịch Trung Quốc) đã giúp số lượng khách du lịch phục hồi trở lại mức trước dịch COVID-19.
Về kết quả kinh doanh, do doanh thu và lợi nhuận từ hành khách quốc tế cao hơn nhiều so với khách nội địa, cộng với việc không còn phải trích lập dự phòng nợ xấu cho các hãng hàng không, ACV đã đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng ấn tượng lần lượt là 19% và 78% so với cùng kỳ, lên 5.644 tỷ và 2.921 tỷ đồng.
Biên lãi ròng trong quý 1 cao ấn tượng, xấp xỉ mức 52%.
An ninh Tiền tệ