MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch HĐQT Talentnet chỉ ra cách “chia tay” nhân viên vì Covid-19 nhưng thấu tình đạt lý, thậm chí người lao động còn quay lại công ty khi dịch qua đi

27-04-2020 - 09:12 AM | Doanh nghiệp

Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Talentnet cho rằng trong kịch bản xấu nhất phải sa thải người lao động, chủ doanh nghiệp phải lồng ghép cả "khoa học" và "nghệ thuật" trong câu chuyện, dựa trên tinh thần nhân văn, minh bạch.

Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Talentnet, công ty chuyên về tư vấn - tuyển dụng, đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện về nhân sự trong Covid-19 trong tọa đàm Giải bài toán nhân sự trong và hậu dịch do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội doanh nhân trẻ TPHCM, Tôn Colorbond tổ chức ngày 24/4.

Theo bà Trinh, một cuộc khảo sát gần đây của Talennet cho thấy, trong quý 1 năm nay, chỉ có 12% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy có tăng trưởng so với 2019, các doanh nghiệp còn lại đều sụt giảm doanh số, trừ một số lĩnh vực như y tế, tiêu dùng. Điều mà các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất hiện nay là làm sao có đủ nguồn thu để tồn tại và giữ nhân viên.

Khó khăn đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số hóa, và do đó cần có nhiều kịch bản. Việc xây dựng kịch bản về nhân sự đóng vai trò rất quan trọng, có thể phải chia ra thành các phân đoạn chi tiết.

Các kịch bản về nhân sự trong Covid-19

Bà Tiêu Yến Trinh cho rằng, có thể chia thành 3 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất: Doanh nghiệp đạt 80% doanh số. Lúc này, công ty có thể cắt giảm các chi phí văn phòng, chi phí cho các hoạt động nội bộ.

Kịch bản thứ hai: Doanh số đạt 70% nhưng công ty bị lỗ. Lúc đó, doanh nghiệp có thể cắt các chi phí liên quan đến du lịch, chính sách phúc lợi của nhân viên…

Kịch bản thứ ba: Doanh nghiệp lỗ rất nhiều. Lúc này thì cả doanh nghiệp và nhân viên phải đồng hành cùng nhau. Theo bà Tiêu Yến Trinh, nên "ưu tiên" cắt giảm lương từ lãnh đạo trước.

"Tôi nói với khách hàng rằng, mức lương cho nhân viên của Việt Nam mình là rất thấp, cuộc sống vốn đã khó khăn. Do đó, cắt giảm lương nhân viên, sa thải nhân sự là giải pháp cuối cùng", bà Trinh nói.

Lãnh đạo Talentnet cho rằng nhiều công ty đã làm rất tốt, lãnh đạo tình nguyện cắt giảm lương trước. Có những doanh nghiệp áp dụng chính sách 1 tháng chỉ làm 15 ngày, tính lương 15 ngày. Lãnh đạo sẽ thực hiện trước, sau đó mới đến nhân viên.

Tuy nhiên, có những công ty gặp phải tình huống xấu nhất và đành phải "chia tay" một phần nhân sự. Và đó là điều thực sự khó khăn với những người điều hành doanh nghiệp.

Kịch bản xấu nhất, phải chia thay nhân viên, vẫn có cách để vừa nhân văn vừa minh bạch

Bà Tiêu Yến Trinh cũng chia sẻ cách lãnh đạo công ty ứng xử trong kịch bản xấu nhất, đó là cắt giảm nhân sự. Khi đó, công ty nên tổng kết lại ngân sách để xem doanh nghiệp trụ được trong bao lâu, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Và nên giảm chi phí dành cho lãnh đạo trước, ở mức thấp nhất có thể nếu cần thiết. Còn nhân viên nên giảm khoảng 30% đến 50%.

"Còn đối với nhân viên đến thời hạn kết thúc hợp đồng, trong bối cảnh sử dụng lao động đó không còn, doanh số cũng không, thì lãnh đạo công ty phải truyền thông đến nhóm này nhưng cần khéo léo, nói trước để họ tìm việc", bà Trinh nói.

Chủ tịch HĐQT kể rằng bà thấy nhiều trường hợp đã kiếm việc giúp nhân viên khi họ hết hạn hợp đồng. "Lãnh đạo làm sao để thể hiện lòng nhân hậu với nhân viên. Đó là điều quan trọng nhất", bà Trinh bày tỏ.

Theo bà, sự truyền thông, thấu hiểu sẽ giúp lãnh đạo và nhân viên có sự kết nối, đồng cảm. Cho dù tình huống xấu nhất xảy ra thì truyền thông vẫn phải minh bạch, cụ thể. Nếu có sự đồng cảm, có thể khi tình hình ổn định trở lại, lãnh đạo gọi nhân viên cũ về, họ sẽ quay trở lại.

Lãnh đạo nói sao với nhân viên khi buộc phải sa thải họ?

Khi buộc phải nói với nhân viên về việc sa thải, theo bà Tiêu Yến Trinh, chủ doanh nghiệp phải dành thời gian, tư duy để xây dựng kịch bản.

"Kịch bản lãnh đạo đưa ra vẫn phải dựa trên tinh thần lãnh đạo bảo vệ nhân viên. Chủ doanh nghiệp nên truyền thông cho quản lý trước để họ đồng cảm và đưa ra kịch bản đồng thuận ở cấp quản lý trước. Sau đó, lãnh đạo sẽ chia sẻ với nhân viên về câu chuyện phải "chia tay" người lao động", bà Trinh nói.

Chủ tịch HĐQT Talentnet lưu ý rằng, kịch bản phải kết hợp cả "khoa học" và "nghệ thuật". Khoa học ở đây là dữ liệu, là tình hình kinh doanh của ngành, tình hình kinh doanh của công ty…. Nghệ thuật ở đây là lồng ghép cả yếu tố nhân văn, sự minh bạch vào câu chuyện.

"Tôi tin, đa phần sẽ đồng cảm với lãnh đạo công ty trong tình hình khó khăn chung. Nếu chỉ 0,1% không đồng tình với kịch bản thì có thể họ không cùng chung giá trị", bà Tiêu Yến Trinh nhận định.

Thế Trần

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên