MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường: Mọi người hiểu nhầm Hậu Giang "giải cứu" mía đường

23-03-2018 - 10:11 AM | Thị trường

Việc cán bộ, nhân viên tỉnh phát động phong trào mua đường chỉ nhằm hỗ trợ công ty mua mía và thanh toán kịp thời cho nông dân chứ không phải là "giải cứu" như mọi người nghĩ.

Trao đổi với NDH, ông Phạm Quốc Doanh- Chủ tịch Hiệp hội Mía đường (VSA) - cho biết thực ra mọi người đang hiểu nhầm câu chuyện cán bộ Hậu Giang giải cứu đường.

Hồi giữa tháng 2, báo chí đưa tin tỉnh Hậu Giang kêu gọi cán bộ ủng hộ tiêu thụ lượng đường tồn kho của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco). Theo đó, lượng đường mua ủng hộ dao động từ 5 đến 20 kg/người tùy từng ban, ngành.

Động thái này khiến nhiều người hiểu rằng tỉnh Hậu Giang đang "giải cứu" ngành đường. Tuy nhiên, ông Doanh đính chính việc cán bộ, nhân viên tỉnh phát động phong trào mua đường chỉ nhằm hỗ trợ công ty mua mía và thanh toán kịp thời cho nông dân trong bối cảnh giá đường xuống quá thấp, lượng tiêu thụ chậm.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường: Mọi người hiểu nhầm Hậu Giang giải cứu mía đường - Ảnh 1.

Ảnh: Làng mới

"Giả sử mỗi cán bộ mua 20 kg đường thì cũng không giải quyết hết 10% lượng đường của Casuco nên không có chuyện "giải cứu" ở đây", ông Doanh nói.

Năm 2018 được cho là thời điểm khó khăn nhất của ngành đường theo chu kỳ 5-7 năm/lần. Chi phí sản xuất của các nhà máy hiện dao động 11.000 - 13.000 đồng/kg. Một số nhà máy đã phải hạ giá đường xuống 11.500 đồng/kg nhưng vẫn phải bán. Trong khi đó, đường nhập lậu bán với giá chỉ 11.000 đồng/kg.

Mặt khác, bắt đầu từ năm nay, hiệp định thương mại tự do ATIGA có hiệu lực, hạn ngạch thuế quan nhiều mặt hàng được gỡ bỏ trong đó có đường. Ngành đường Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan.

Trong số 10 nhà máy mía đường tại Đồng bằng sông Cửu Long thì đến nay đã có 4 nhà máy phải đóng cửa do sản xuất không hiệu quả. Các sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán với mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN.

Câu chuyện tìm lối đi cho các nhà máy và nông dân tiếp tục đặt ra cho các nhà quản lý ngành.

Đi tìm vị ngọt cho ngành đường

Trong bối cảnh ngành đường sẽ còn phải đối mặt nhiều thách, giải pháp trước mắt vẫn là giảm giá thành sản xuất. Đây chính là nguyên nhân khiến giá đường Việt Nam cao hơn so với các đối thủ trong khu vực.

Chi phí nguyên liệu mía chiếm tới 75-80% giá thành sản xuất. Giá thu mua mía trong nước hiện nay cao hơn 150.000 đồng/tấn so với Thái Lan trong khi trữ lượng đường lại không cao.

Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu giá thu mua mía chỉ còn 500.000 đồng/tấn so với mức giá 850.000 đồng/tấn như hiện tại. Như vậy, các nhà máy có thể tự tin cạnh tranh với Thái Lan vì họ đang mua với giá 600.000 đồng/tấn, chưa kể các chế độ ưu đãi khác. Đồng thời, nông dân vẫn lãi khoảng 300.000-400.000 đồng/tấn.

Trong khâu chế biến, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu suất thu hồi của nhà máy và tận dụng các sản phẩm sau đường. Chẳng hạn như phần bã mía được sử dụng cho nhà máy phát điện, mật dỉ dùng để sản xuất ethanol, phần bã bùn dùng làm phân bón. Đây cũng sẽ là nguồn thu giúp hạ giá thành đường và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Ngoài ra, ông Doanh cho biết VSA đề xuất một số chính sách hỗ trợ trong đó có việc điều chỉnh Nghị định 24 về giá điện sinh khối. Cụ thể, giá điện sinh khối từ bã mía sẽ được tính ngang bằng so với điện từ phụ phẩm nông nghiệp khác. Hiệp hội cũng xin phép Chính phủ thành lập quỹ phát triển mía đường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi công nghệ, giảm chi phí sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp, ông Doanh kiến nghị cần linh hoạt trong chiến dịch bán hàng. Có thời điểm doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ nhưng vẫn phải bán, miễn sao cuối năm hạch toán cuối vụ doanh nghiệp vẫn có lãi.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên