Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Người tiêu dùng đã nghèo lại thường xuyên bị móc túi
Một 1 kg lạc khi cân lại chỉ còn 8 lạng, 1 gói mỳ 38 gram nhưng thực tế chỉ có 37 gram, giá hàng hoá không tăng nhưng lại bị “ăn bớt” trọng lượng hay như việc người nghèo không dám bước chân vào siêu thị vì giá đắt… là những lời than của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.
- 29-06-2016Đề xuất đổi cách tính CPI cho phù hợp quốc tế
- 24-06-2016Chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,46%
- 13-06-2016CPI tháng 6 tăng khoảng 0,32%
- 24-05-2016CPI tăng 8 tháng liên tiếp
- 24-04-2016Xăng dầu không chịu ngồi yên, kéo CPI tháng 4 tăng nhẹ
Chia sẻ tại Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016 ngày 7/7, ông Vũ Vinh Phú “kêu khổ” hộ người tiêu dùng vì những diễn biến vô lý của giá cả cũng như chất lượng của hàng hoá.
Theo ông, nửa năm qua là giai đoạn cung ứng hàng hoá trên thị trường dồi dào, như cách ví von là “người tiêu dùng phải "đi nghiêng" mới chọn được hàng” trong siêu thị. Cung nhiều như vậy, nhưng chất lượng hàng hoá lại không tương xứng, khiến người tiêu dùng phàn nàn, lo ngại vì “thực phẩm bẩn tràn lan, không được kiểm soát được” – ông Phú cho biết.
Không chỉ nỗi lo về chất lượng thực phẩm, ông nhấn mạnh thêm một yếu tố khác: người tiêu dùng đã nghèo lại còn thường xuyên bị móc túi một cách vô lý.
“Một kg lạc cân lại chỉ còn 8 lạng, một gói mỳ 38 gram thực tế cũng chỉ 37 gram”, giá không tăng lên nhưng trọng lượng hàng hoá bị ăn bớt đi, 1 gói mỳ thì người ta có thể không để ý, nhưng nhân lên hàng nghìn, hàng tỷ gói mỳ, đấy hẳn là câu chuyện cần phải bàn lại – ông Phú bức xúc.
Không chỉ bị ăn bớt trọng lượng, việc hàng hoá qua quá nhiều khâu trung gian, cũng như phải chịu quá nhiều loại phí và lệ phí mới đến tay người tiêu dùng đã khiến cho giá cả bị đội lên đáng kể.
“Một giỏ trứng gà ta được bán với giá 45.000–48.000 đồng, trong khi cách Hà Nội khoảng 40 km, cũng giỏ trứng ấy người nông dân chỉ bán được 25.000 đồng. Chẳng cần phải qua biên giới, chỉ cách chừng ấy km mà giá bán đã bị đội lên gấp đôi”, ông Phú cho hay.
Những câu chuyện này, ông cho biết, đã kể nhiều, kêu nhiều rồi, là chuyện cũ nhưng vẫn mới vì bao lâu nay chưa giải quyết được. Tất cả những vấn đề đó đang tạo áp lực lên túi tiền gây ra những thiệt hại đáng kể đối với người tiêu dùng, trong bối cảnh chỉ số CPI, lạm phát đang có dấu hiệu leo thang.
Thực trạng như vậy vô tình tác động ngầm, khiến hàng triệu người tiêu dùng thiệt hại khi tưởng được mua rẻ lại hoá đắt. “Kiểu tăng ngầm này khiến giá hàng hoá cứ bị đẩy lên, tác động gián tiếp vào lạm phát”, ông Phú bình luận.