MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch HoREA: Không giải cứu thị trường bất động sản, chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật

17-12-2022 - 13:43 PM | Bất động sản

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

HoREA đề nghị thống nhất quan điểm là không giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết; doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất.

Trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề: "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" diễn ra vào sáng ngày 17/12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có tham luận với chủ đề: Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững .

Theo đó, Hiệp hội đề nghị thống nhất quan điểm là không giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết; doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Dưới đây là những giải pháp mà Chủ tịch HoREA nêu ra tại tham luận:

Giải pháp trung hạn, dài hạn

Thứ nhất, Hiệp hội đề nghị tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã xác định mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất”.

Thứ hai, Hiệp hội nhận thấy, để xử lý các vướng mắc, khó khăn rất lớn của thị trường bất động sản thì cả bộ máy chính trị “đã vào cuộc”.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 2 nội dung trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023 để xem xét quyết định một số cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Một là, để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản theo nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp (M&A), nhất là để xử lý các dự án bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp bất động sản chuyển nhượng dự án bất động sản được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội khóa 14 “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Hai là, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn, bởi lẽ trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.

Giải pháp ngắn hạn

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành 02 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai của Bộ Tài nguyên Môi trường và thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để tháo gỡ ngay một số vướng mắc:

Trước mắt là Đề án “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và Đề án “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Thứ hai, đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương “bơm” nguồn vốn tín dụng bổ sung vào nền kinh tế đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hiệp hội rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nới “room” tín dụng thêm 1,5 - 2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 240.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế, các lĩnh vực ưu tiên và người dân trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 và trước Tết Quý Mão 2023.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, các dự án đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tăng “niềm tin” và “lực cầu” trên thị trường trái phiếu.

Thứ ba, đề nghị khẩn trương xử lý một số khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.


Linh Phong

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên