Chủ tịch Quốc hội: "Tôi sẽ gặp ông Võ Kim Cự để nhắc nhở phải tiếp xúc, thông tin cho báo chí"
Trước thông tin ông Võ Kim Cự né tránh báo chí trong việc trả lời những thắc mắc của dư luận liên quan đến vấn đề cấp phép cho Formosa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sẽ nhắc nhở là đại biểu Quốc hội thì phải cung cấp thông tin cho báo chí.
- 22-07-2016Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa XIV
- 04-05-2016Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: 'Chúng ta không cam chịu, không cúi đầu!'
- 31-03-2016Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Tôi luôn khắc ghi lời tuyên thệ của mình”
- 31-03-2016Clip: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức
Sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí sau khi tái đắc cử vào sáng 22/7.
Tổng Thư ký Quốc hội mời Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch lên vị trí điều hành. 3 Phó Chủ tịch Quốc hội là bà Tòng Thị Phóng, ông Đỗ Bá Tỵ, ông Uông Chu Lưu cùng chủ trì cuộc họp báo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí đã quan tâm, theo dõi, đưa tin về hoạt động của Quốc hội suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục đồng hành với Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy rõ trách nhiệm nặng nề khi được bầu vào vị trí người lãnh đạo cao nhất của Quốc hội. Bà khẳng định sẽ phát huy kết quả của những vị lãnh đạo Quốc hội tiền nhiệm để làm tốt nhiệm vụ.
Trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, có thuận lợi và cũng có cả khó khăn, bước vào hội nhập rộng mở, Chủ tịch khẳng định các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội khoá XIV sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, như thông điệp được Chủ tịch đưa ra khi phát biểu nhậm chức.
Bà nhắc lại lời cam kết về việc sẽ hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc.
Nói về hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội trình bày, Quốc hội khóa XIV sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế Nghị quyết Đảng vào hệ thống pháp luật.
Quốc hội cũng tập trung hoàn thiện các luật về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các hiệp ước Quốc tế, các cam kết với Liên Hợp Quốc khi Việt Nam tham gia tổ chức này.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ chọn những vấn đề đang bức xúc trong cuộc sống để trình Quốc hội chấp nhận giám sát một vài chuyên đề. Ngoài ra, sẽ giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát, và các Ủy ban của Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động điều trần cụ thể với những vấn đề phát sinh.
Quốc hội sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm, giám sát những vấn đề chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm này, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động.
Đối với hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội xác định sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân đặt ra với những người đứng đầu các cơ quan. Theo đó, sẽ chuyển dần từ một Quốc hội tham luận (chuẩn bị trước) sang một Quốc hội thảo luận và tranh luận. Khuyến khích tinh thần tranh luận, thảo luận về hội trường là một mục tiêu Chủ tịch Quốc hội đề ra.
Về vấn đề tăng cường mối quan hệ với cử tri, Chủ tịch Quốc hội nói, mỗi đại biểu nên dành nhiều thời gian đi cơ sở, trước hết là nơi cử tri đã bầu ra mình. Không chỉ là hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, đại biểu luôn phải có ý thức, coi việc này là một trọng tâm công tác.
PV Thời báo Kinh tế Việt Nam: Từ kinh nghiệm của nguyên Chủ tịch QH khóa XIII ông Nguyễn Sinh Hùng, bà tâm đắc nhất điều gì và sẽ phát huy như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây là một người tiền nhiệm mà tôi học tập rất nhiều. Tôi có thời gian làm viện tại Bộ Tài chính và khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng làm Phó Thủ tướng Thủ tướng thì tôi là thành viên Chính phủ. Điều tôi tâm đắc nhất là bản lĩnh chính trị và quyết đoán.
Bản lĩnh chính trị khi đứng trước các vấn đề hết sức khó khăn và tính quyết đoán khi thấy việc đó đúng với tình hình, chủ trương. Khi quyết đoán sai thì sẽ chịu trách nhiệm.
Luật Biểu tình lùi vô thời hạn, bà có thể nói gì về điều này?
Quyền biểu tình đã quy định trong Hiến pháp. Luật Biểu tình là liên quan đến quyền của công dân. Lùi Luật Biểu tình để nghiên cứu một cách căn cơ, thấu đáo, phù hợp với tình hình đất nước.
Đất nước ta rất ổn định còn nhiều nơi lo lắng nên ban hành Luật như thế nào thì phải phù hợp với lợi ích, tình hình đất nước. Chúng ta phải bảo đảm quyền của người dân nhưng phải tuân thủ pháp luật, tránh làm rối loạn. Luật Biểu tình sẽ được QH khóa 14 xem xét kỹ lưỡng sau khi Chính phủ trình.
PV Truyền hình Nhân dân: Thời gian tới, để phát huy tính dân chủ của Quốc hội cần phát huy điều gì?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội là dân, dân bầu ra, nói tiếng nói của dân, nghe được hơi thở, tâm tư, tình cảm của dân. Phải trở thành diễn đàn để Quốc hội thảo luận. Ba chức năng cơ bản của Quốc hội phải phù hợp với lợi ích, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đó là phát huy dân chủ.
Quốc hội quyết tâm kiểm soát chặt chẽ nợ công
PV Tuổi trẻ: Vấn đề nợ công tăng cao, xin bà cho biết quan điểm?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công và cũng có trách nhiệm trong việc phát hành trái phiếu bao nhiêu... có Nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội khóa này quyết tâm kiểm soát chặt chẽ nợ công. Chúng tôi đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo riêng. Hiện nợ công vẫn nằm trong tầm quyết soát nhưng Quốc hội yêu cầu có an toàn hay không, làm có hiệu quả hay không mới là an toàn chức không phải trên dưới 65%.
Hiện nợ công đang có vấn đề, chưa có nguồn lực để trả đúng hạn nên đã xảy ra việc vay để trả nợ đáo hạn.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa có đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời điều tra Formosa, bà nghĩ sao?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Hiện nay chưa có chủ trương này. Để có kết luận về Formosa Chính phủ đã rất cố gắng, huy động nhà khoa học trong và ngoài nước, kiểm tra thực địa, đối tượng đã nhận, cam kết bồi thường, thay đổi công nghệ...
Đó là thắng lợi bước đầu. Dân nói chậm nhưng biển mênh mông làm rõ phải có căn cứ khoa học, khách quan, rõ ràng và Chính phủ đang thực hiện việc này. Chúng tôi sẽ giám sát. Chưa đặt Ủy ban lâm thời vì các cơ quan đã vào cuộc. Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, nghe báo cáo, chỉ đạo về vụ Formosa. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ.
Formosa là bài học đắt giá
PV VNexpress: Sự cởi mở của ĐBQH với báo chí nhưng báo chí chúng tôi khó tiếp cận với một số ĐBQH có liên quan và khó tiếp cận với nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự, xin bà chia sẻ về điều này?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Vấn đề Formosa thực ra bản thân chúng tôi cũng biết chi li, cặn kẽ, nhưng có thể nhiều đại biểu ở địa phương khác, không chỉ ở Hà Tĩnh thì không biết rõ. Do đó, đại biểu thông tin cho báo chí thì phải biết rõ mới nói chứ không phải Formosa đại biểu nào cũng biết.
Cụ thể, ông Võ Kim Cự mà tránh thì là quyền của ông Võ Kim Cự, hôm nay tôi mới biết. Tôi sẽ gặp gỡ ông Võ Kim Cự để nhắc nhở, là ĐBQH thì phải tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhất là sự kiện xảy ra trong lúc mình làm lãnh đạo tỉnh nhà thì hơn ai hết mình phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Những thông tin cung cấp, kịp thời cho báo chí thì báo chí sẽ có nhìn nhận đầy đủ, đưa thông tin kịp thời còn hơn chúng ta cứ mập mờ, tránh né.
Trong sinh hoạt với ĐBQH, tôi cũng nói có những vấn đề trả lời báo chí có những vấn đề từ chối không hay. Do đó, trong sinh hoạt với ĐBQH chúng tôi sẽ đề nghị đại biểu cung cấp thông tin chính thức những thông tin trung thực, khách quan, còn cảm nhận thì tùy từng đại biểu.
PV Người lao động: Kỳ họp này Quốc hội có xem xét lại vấn đề cấp phép đầu tư tới 70 năm cho Formosa, sai quy định?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Đối với việc Formosa được cấp phép đầu tư 70 năm, Quốc hội vẫn đang giám sát, không chỉ với doanh nghiệp này mà giám sát hẳn việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Trong giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm - đó là vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm.
Giám sát tối cao về môi trường và hoạt động của các doanh nghiệp là một chủ đề mà khi đi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cũng phải thường xuyên trả lời. Phát triển kinh tế nhưng phải bền vững, đảm bảo môi trường sống. Hiến pháp đã nêu rõ, công dân được quyền sống trong một môi trường trong lành, ai làm ảnh hưởng đến môi trường trong lành cần thiết đó thì phải chịu trách nhiệm.
Formosa là một bài học đắt giá để chúng ta phải xem xét lại các dự án kinh tế, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai.
Chính phủ đề nghị một luật sửa nhiều luật, trong hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó VCCI đề nghị sửa 37 luật?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây chính là gợi ý của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao hoạt động của Chính phủ đối với môi trường đầu tư kinh doanh nên mới yêu cầu Chính phủ rà soát nhanh để sửa đồng loạt các quy định còn vướng mắc.
Dù vậy, đến giờ vẫn chưa có một hồ sơ nào chuẩn bị đầy đủ để trình ra Quốc hội. Khi nào Chính phủ có đầy đủ hồ sơ, sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh.
Việt Nam nhất quán quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi và đó là vấn đề thiêng liêng
Truyền hình VTC: Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Quốc hội khoá XIV sẽ được đặt ra như thế nào tại Quốc hội khóa XIV?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam.
Người Việt Nam hơn bất cứ đâu đều yêu chuộng hoà bình. Vậy nên khi Biển Đông có nhiều tranh chấp “5 nước 6 bên”, phải có nhiều biện pháp đấu tranh hoà bình để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân.
Việt Nam yêu cầu các nước không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực trên biển.
Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế khác nhưng vấn đề là những tổ chức đó làm được gì cho đất nước? Chưa làm gì cả. Họ chỉ làm cho kích động, làm đất nước rối ren và Việt Nam không chấp nhận việc đó.
Việt Nam không phải là một bên trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc nhưng có liên quan đến Biển Đông của chúng ta nên chúng ta phải theo dõi. Ngay sau vụ kiện, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết cuối cùng của toà. Phán quyết dài tới 500-600 trang nên phải nghiên cứu kỹ xem có vấn đề gì ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam thì sẽ phát biểu tiếp.
Việt Nam rất anh hùng khi 85 ngày đêm giàn khoan nước ngoài cắm ở vùng thềm lục địa của chúng ta nhưng với lực lượng ít, tàu nhỏ, chúng ta vẫn luôn lúc nào cũng có mặt, dù có bị vòi rồng phun, bị đâm vỡ, hỏng tàu thì về sửa rồi lại tiếp tục đấu tranh thực địa chứ nhất quyết không buông.
Để một phút những hình ảnh về công tác đấu tranh đó lên được CNN tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện, bằng mọi phương thức hoà bình, theo luật quy định để bảo vệ chủ quyền.
Sẽ giám sát hoạt động của các đại biểu Quốc hội chặt chẽ
PV Vietnamnet: Chủ tịch Quốc hội sẽ thay đổi cách điều hành thế nào để thực sự là các đại biểu sẽ tham gia thảo luận, tranh luận chứ không chỉ là đọc văn bản?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Có hạn chế trong việc phát biểu là vì đại biểu nói ý trùng nhau nhưng sau đó đã khắc phục bằng cách yêu cầu chỉ nói quan điểm đồng ý hay không đồng ý với vấn đề đó. Còn quy định mỗi đại biểu chỉ được nói trong 5-7 phút là để đảm bảo việc tranh luận trực tiếp, không đọc văn bản. Nhiều bạn bè ở các nghị viện trên thế giới đã rất thích thú với kinh nghiệm tổ chức này.
Ngay đầu nhiệm kỳ khóa này đã phải bác bỏ tư cách đại biểu với 2 người trúng cử. Làm thế nào để không có những đại biểu đến mức phải tước bỏ tư cách đại biểu trong khoá XIV này?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây là điều đáng tiếc nhưng may mắn là những sai phạm của 2 trường hợp này được phát hiện sớm, kịp thời, nếu không để những người này thực sự tham gia Quốc hội rồi mới xem xét quy trình bãi nhiệm thì còn đáng tiếc hơn.
Mỗi đại biểu phải tự rèn luyện tư cách, không có đạo đức thì không thể xứng đáng đứng trong hàng ngũ Quốc hội. Theo đó, chúng tôi sẽ giám sát hoạt động của các đại biểu chặt chẽ, thậm chí có đong đếm cụ thể mỗi đại biểu có bao nhiêu lần phát biểu, tham gia ý kiến ở tổ thảo luận, ở hội trường, đại biểu nào chưa từng lên tiếng.
Có không ít trường hợp đại biểu được cất nhắc lên vị trí cao hơn khi thể hiện được mình ở Quốc hội, trong chỉ nửa nhiệm kỳ.
Khi đã tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nghĩa là cũng phải chống tham nhũng
Với tư cách là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, bà luôn được trông đợi sẽ xuất hiện với bộ áo dài như thế nào. Bà tự lo trang phục cho mình hay có người tư vấn riêng? Bà dành bao nhiêu thời gian chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Thực ra tôi cũng may ở nhiều nơi lắm. Tất nhiên cũng có một số nhà thiết kế tôi thấy đẹp thì có chọn nhưng tôi không mất nhiều thời gian cho việc này. Sáng nay tôi không định mặc áo dài nhưng thấy chị Phóng mặc áo dài nên chỉ 5 phút sau tôi cũng có một bộ để mặc. Chị Phóng nhắc tôi là lần đầu tiên gặp gỡ báo chí đầu nhiệm kỳ, cần chỉn chu, chu đáo nên chúng tôi rất trân trọng chọn mặc áo dài.
PV Dân trí: Tổng Bí thư mong muốn các đại biểu kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác. Cá nhân bà với cương vị Chủ tịch Quốc hội sẽ làm gì để các đại biểu Quốc hội có thể thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh nói trên?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Khi tuyên thệ, tôi không có nói về việc chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực nhưng tôi đã tuyên thệ trung thành với Tổ quốc nghĩa là cũng phải chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực.
Muốn làm được thế thì phải xây dựng hệ thống pháp luật tốt để quy định chặt chẽ, để không có kẽ hở cho ai có thể tham nhũng, tiêu cực được nữa.
Còn quan liêu là một biểu hiện trong phạm trù đạo đức công vụ. Vậy thì cần thực hiện giám sát chặt chẽ sau khi ban hành luật để đảm bảo luật được thực hiện đúng, nghiêm minh. Dẫn chứng từ ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, Quốc hội phải tính hết các vấn đề như thu hồi đất, tác động tới đời sống của nhân dân… để chống mọi sự lợi dụng trong quá trình triển khai dự án.